Aa

Cảnh hoang lạnh của những "cao ốc" tái định cư giữa lòng Thủ đô

Thứ Hai, 06/06/2022 - 06:09

"Người cần không có, người có lại bỏ không". Đó là nghịch lý về phát triển nhà ở đang diễn ra nhiều năm nay tại Hà Nội, khi có hàng loạt chung cư tái định cư không được sử dụng đang dần rơi vào cảnh hoang tàn...

Mỗi ngày đi tập thể dục quanh đường Tân Mai, Hoàng Mai (Hà Nội), ông Tiến đều không khỏi xót xa khi chứng kiến 3 tòa nhà chung cư kiên cố bị bỏ hoang, xuống cấp mỗi ngày. 

"Nhiều người như chúng tôi vẫn phải đi thuê nhà ở, trong khi những tòa chung cư nằm ngay mặt đường, vị trí thuận tiện lại bỏ không mấy năm nay. Thật lãng phí một cách vô lý và khó hiểu", ông Tiến bức xúc nói. 

Trao đổi với Reatimes, ông Ngô Sỹ Quý, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai cho biết, 3 tòa chung cư trong lời kể của ông Tiến là khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng dự án hồ Đền Lừ 3 được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có người chuyển đến ở. Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai quản lý. 

Theo quan sát của phóng viên, các căn hộ chung cư hiện vẫn im lìm nằm chờ chủ nhân và theo thời gian, không tránh khỏi sự nhếch nhác, hoang tàn, nhiều hạng mục bị hỏng hóc nặng. 

"Nhìn những tòa nhà ban ngày thì lạnh ngắt không bóng người, tối thì đen kịt vì không một ô cửa sáng đèn, ai cũng thấy tiếc vì ngoài kia còn biết bao người không có nhà để ở. Không biết họ sẽ để đó đến bao giờ nhưng như thế này thì lãng phí quá", bà Hoa, người bán hàng nước bên đường Tân Mai bày tỏ. 

Dự án nhà ở tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ 3
Toàn bộ 3 toà nhà đều chưa có người ở

Trước đó, toà nhà này được đưa vào sử dụng làm bệnh viện dã chiến để chống dịch Covid -19, phục vụ cho bệnh nhân cách ly và điều trị, đến nay đã được trả lại và khoá trái cửa. 

Theo ghi nhận, cửa sảnh tầng 1 hay lối đi tầng hầm luôn trong tình trạng khóa trái, che chắn bởi miếng tôn tạm bợ. Bên trong tầng 1 trở thành nhà kho chứa đồ. Còn tại khu vực ngoài sảnh của 3 tòa nhà, một số hạng mục đã có hiện tượng gãy nứt theo thời gian.

Cửa được che chắn sơ sài bằng vài tấm gỗ 
Lối đi tầng hầm dựng tôn tạm bợ
Mặt trước toà nhà cũng khoá trái cửa
Bên trong sảnh tầng 1 là nơi chứa đồ
Khu vực ngoài hành lang, lối đi lại nhiều nơi có dấu hiệu xuống cấp

Nhiều hạng mục của công trình bị nứt
Mái che lối đi xuống tầng hầm của toà nhà cũng bị xuống cấp

Được biết, liên quan đến công trình này, từ tháng 1/2021, Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng TP. Hà Nội) đã kiểm tra tòa nhà chung cư tái định cư CT3, CT2, yêu cầu nhà thầu và Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai khắc phục một số hạng mục tại công trình như xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, sửa chữa công trình do để lâu bị xuống cấp…

Tuy nhiên, đến nay, một số hạng mục vẫn chưa được sửa chữa, thậm chí xung quanh các toà chung cư còn là nơi tập kết rác thải của người dân sống quanh khu vực, rêu mốc mọc đầy, nước ngập ứ đọng bốc mùi hôi gây ô nhiễm và mất mỹ quan đô thị. 

Rác thải bủa vây xung quanh 3 toà nhà
Nước ứ đọng cộng thêm rác thải gây ô nhiễm, bốc mùi hôi

Quận Hoàng Mai là một trong những địa bàn có số lượng nhà chung cư tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm, đặc biệt nằm ở phường Trần Phú và Hoàng Văn Thụ. Ngoài khu tái định cư hồ Đền Lừ nói trên, còn có thể kể đến 2 tòa chung cư trên đường Khuyến Lương (phường Trần Phú) cũng đã được hoàn thành xây phần thô nhiều năm nay nhưng hiện tại vẫn trong tình trạng "đắp chiếu".

Dự án hoàn thiện nhiều năm nhưng vẫn chưa đưa vào sử dụng

Đáng chú ý, vị trí của hai tòa nhà chung cư tái định cư này khá đẹp, gần đường vành đai 3, đối diện với nhiều dự án chung cư cao cấp như Gamuda City… Nhiều người dân tại khu vực cho rằng, nếu không kịp thời đưa vào sử dụng sẽ gây ra một sự lãng phí rất lớn, nhất là khi các chung cư có dấu hiệu xuống cấp. 

Theo ghi nhận của PV, bên trong khu vực tầng 1 mới được xây thô, khu vực lối ra được che chắn bằng thanh sắt chắn ngang hoặc dùng tôn, bạt che sơ sài. 

Tất cả khu vực lối đi đều che chắn tạm bợ bằng tôn, ván gỗ.

Tình trạng các tòa "cao ốc" tái định cư bị "ghẻ lạnh" không chỉ diễn ra ở quận Hoàng Mai. Dạo một vòng quanh quận Cầu Giấy, Long Biên, Hai Bà Trưng... cũng không khó để tìm thấy những dự án dù nằm ở vị trí đắc địa vẫn không một ô cửa sáng đèn. Đơn cử, như dự án nhà tái định cư N01-D17 Duy Tân (quận Cầu Giấy), dự án nhà tái định cư N3 - N4 - N5 Khu đô thị Sài Đồng (quận Long Biên), chung cư 20 tầng tại phố Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng),…

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, nguyên nhân khiến các dự án tái định cư dù đã hoàn thành nhưng không ai đến ở là bởi người dân chưa chấp nhận giá đền bù, đồng thời, chất lượng nhà chung cư tái định cư thấp, chưa đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người dân. 

"Nhiều người chấp nhận đi thuê nhà chứ không thỏa thuận và dọn vào các khu tái định cư ở. Thực tế cũng cho thấy rằng, các khu tái định cư thường xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau vài ba năm. Khi giá đền bù vừa thấp, chất lượng nhà tái định cư lại không đảm bảo để sử dụng thì ai có thể chấp nhận được", ông Thanh khẳng định. 

Cũng theo ông Thanh, hiện nay nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp rất lớn, do đó, cần tận dụng các quỹ đất hiện có, phát huy tối đa nguồn lực đất đai để phát triển nhà ở cho người dân. Khi mở rộng đô thị, quy hoạch các không gian phát triển mới, cần ưu tiên triển khai những dự án nhà giá rẻ quy mô lớn với hạ tầng tốt. Việc xây dựng quy mô lớn sẽ nâng cao chất lượng nhà ở nhưng không làm tăng chi phí. Với những người dân tái định cư, cần đưa họ vào những khu đô thị đồng bộ như vậy. Còn nếu vẫn tiếp diễn thực trạng giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư như thời gian qua thì các khu tái định cư bỏ hoang chỉ có tăng chứ không thể thuyên giảm. Đó là sự lãng phí rất lớn mà nếu không có cơ chế để khắc phục và xử lý sao cho thuận lòng dân thì không thể giải quyết. 

Mới đây, Bộ Xây dựng đã yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, kiểm tra việc quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư trên địa bàn tính đến tháng 5/2022. Tổng hợp các dự án, số lượng nhà ở tái định cư không còn nhu cầu sử dụng để bố trí tái định cư và có nhu cầu chuyển đổi quỹ nhà này sang làm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại hoặc mục đích khác (số liệu tính đến tháng 5/2022).

Nội dung báo cáo gồm: Tổng hợp danh mục các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn, số lượng nhà ở tái định cư đã đầu tư xây dựng, việc bố trí, quản lý sử dụng nhà ở tái định cư trên địa bàn. Theo Bộ Xây dựng, đây cũng là đợt tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị trong việc quản lý, sử dụng nhà tái định cư tại các địa phương./.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top