Aa

Cao tốc Bắc - Nam bị ''ngâm'' tiến độ do chậm bàn giao mặt bằng

Thứ Năm, 13/02/2020 - 15:15

Các địa phương vẫn chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng theo lộ trình đưa ra có thể sẽ dẫn đến chậm tiến độ về đích của dự án đường cao tốc Bắc - Nam.

Tiến độ dự án đường cao tốc Bắc - Nam có thể sẽ không thể hoàn thành về đích nếu như công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương vẫn chậm.

Dự án đường cao tốc Bắc - Nam đang thu hút được nhiều nhà đầu tư nội tham gia sơ tuyển. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Theo báo cáo của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, 13 địa phương có dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua đã bàn giao được 165,9km/653,61km. Trong đó, dự án Cao Bồ - Mai Sơn địa phương đã bàn giao cho chủ đầu tư 11,4/15,2km; dự án Cam Lộ - La Sơn đã bàn giao 75/98,3km; dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã bàn giao 9,5/78,5km; dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã bàn giao 70/101km.

Theo kế hoạch các địa phương dự kiến bàn giao đất nông nghiệp trước ngày 31/12/2019 và hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong quý 2/2020. Tuy nhiên, đến nay, phía Bộ Giao thông Vận tải cho hay công tác giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ yêu cầu.

“Nếu các địa phương không đôn đốc quyết liệt các hội đồng giải phóng mặt bằng thì tiến độ bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 2/2020 là không đảm bảo theo kế hoạch đề ra,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đánh giá.

Đối với công tác lập, phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán của Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành trước 15/3/2020, tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ này, tiến độ trình duyệt thiết kế kỹ thuật chậm so với kế hoạch.

Lý do được đưa ra là bởi thiết kế kỹ thuật các dự án cao tốc gồm nhiều hạng mục, công trình với khối lượng lớn; nhiều hạng mục, công trình phải tiến hành thỏa thuận, lấy ý kiến của địa phương nên mất nhiều thời gian. Ngoài ra, công tác lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật trong từng dự án do nhiều đơn vị Tư vấn thực hiện nên việc kiểm soát chất lượng hồ sơ đảm bảo tính thống nhất mất nhiều thời gian nên chậm so với tiến độ yêu cầu.

“Chậm nhất, đến ngày 28/2 tới đây, công tác thiết kế kỹ thuật của các dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ phải hoàn thành,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải khẳng định.

Ngoài ra, công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật có nhiều khó khăn, vướng mắc do thủ tục phức tạp (xác định đơn vị chủ quản, thỏa thuận giao cắt với dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế di dời để lập phương án và kinh phí…) nên địa phương còn lúng túng, chưa chủ động, đặc biệt là hạng mục di dời đường dây điện 500kV và 220kV do Công ty truyền tải điện quản lý.

Do đó, Bộ Giao thông Vận tải mong muốn có sự phối hợp của nhiều cơ quan đơn vị liên quan (Bộ Giao thông Vận tải, Công Thương, Tổng công ty truyền tải điện Việt Nam, Tổng công ty điện lực Việt Nam...) và địa phương.

Đánh giá mỗi dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam gồm nhiều gói thầu, để có cơ sở lập dự toán xây dựng công trình, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu đề nghị các Ban Quản lý dự án chỉ đạo đôn đốc Tư vấn đảm bảo tiến độ thực hiện công tác lập hồ sơ dự toán, đảm bảo tiết kiệm chi phí.

Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình tổng hợp khối lượng đền bù giải phóng mặt bằng của từng dự án, từng địa phương, đặc biệt là các vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để Bộ xem xét, xử lý trong thời gian sớm nhất.

Theo lộ trình dự kiến, công tác sơ tuyển nhà đầu tư của 8 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam sẽ hoàn thành trong tháng 2/2020. Sau đó, các Ban quản lý dự án sẽ tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án.

“Dự kiến tháng 4/2020 sẽ phát hành hồ sơ mời thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày. Trong trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020./.

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017 có chiều dài 654km. Dự án có tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng vốn Nhà nước và 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Dự án được chia thành 11 dự án thành phần, gồm 3 dự án đầu tư công gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2. Có 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top