Không thiếu tiền, chỉ lo cơ chế
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng GĐ Tổng Công ty Đầu tư và phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, khả năng tham gia đầu tư cao tốc Bắc - Nam của nhà đầu tư trong nước không cao vì đã dồn gần như hết lực vào các dự án BOT thời gian qua.
Tuy nhiên, theo Tổng GĐ VEC, như vậy không có nghĩa là hết cách huy động. Cụ thể, mới đây, VEC trình bộ GTVT dự thảo Đề án nhượng quyền khai thác cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhằm mục đích tạo vốn xây dựng các đoạn cao tốc mới. Theo đó, VEC sẽ bán 71% cổ phần tuyến đường này trong 30 năm và thu về khoảng 9.171 tỷ đồng.
Với kinh phí từ chuyển nhượng, VEC đủ khả năng làm chủ đầu tư các phân đoạn cao tốc Bắc - Nam. Ngoài ra, VEC cũng sẽ liên kết với nhà đầu tư ngoài nước làm chủ đầu tư cao tốc Bắc - Nam ngay từ đầu. “Vấn đề chúng tôi và các nhà đầu tư quan tâm nhất là cần một cơ chế chính sách ổn định để thực hiện và mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài” - ông Mai Tuấn Anh nói.
Có ý tưởng bán dự án để tái đầu tư nhưng Vidifi - chủ đầu tư cao tốc Hải Phòng gần như không thể thực hiện. Ông Nguyễn Văn Tỉnh, TGĐ Vidifi cho hay, các nhà đầu tư Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu trong nhiều tháng nhưng họ đã bỏ cuộc chưa biết khi nào cam kết bỏ vốn vào dự án. “Chúng tôi rất buồn, tiền giải phóng mặt bằng ứng ra 4.000 tỷ đồng, vay 10% lãi suất 8 năm nay rồi, đến nay chúng tôi vẫn không được ghi vào kế hoạch trung hạn để hoàn trả cho doanh nghiệp. Chúng tôi mong là các bộ, ngành hãy thực hiện những cam kết với doanh nghiệp” - ông Tỉnh nói.
Là nhà đầu tư BOT lớn, Tổng GĐ Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho rằng, với uy tín hiện có, Cienco 4 hoàn toàn có thể huy động vốn qua các tổ chức tín dụng cũng như phát hành thêm cổ phiếu… để tham gia cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất đối với Cienco 4 chính là sự thiếu ổn định của chính sách và trách nhiệm của cơ quan liên quan. Cienco 4 thời gian qua gặp khó khăn vì người dân tập trung phản đối tại trạm thu phí. Trước việc nhân viên thu phí bị đánh, chửi bới, lãnh đạo Cienco 4 cho biết đang cảm thấy bị “xúc phạm”, trong khi, bộ ngành và địa phương “bỏ rơi” khi chậm vào cuộc cùng tháo gỡ.
Cần minh bạch và giám sát từ đầu
Chuyên gia giao thông Thân Văn Thanh (nguyên Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia) cho rằng, khi thực hiện cao tốc Bắc - Nam cần gấp rút tránh ngay những vấn đề bức xúc của BOT vừa qua. Ông Thanh dẫn các kết quả giảm thời gian thu phí sau khi Quốc hội và Bộ GTVT quyết toán, giám sát và cho rằng: “Thời gian thu phí các dự án giảm đến gần 100 năm cho thấy, việc lập dự án bị đội giá lên rất cao. Khi có dự toán cao, chắc chắn trong thi công sẽ có sự tiêu cực, lãng phí như kê khống khối lượng mà không thể nào kiểm soát, hậu kiểm hết được”.
Một trong những nội dung quan trọng được Bộ GTVT tiếp thu là không tiếp tục đề nghị chỉ định nhà đầu tư như trước. Tuy nhiên, theo tờ trình gửi Chính phủ mới nhất, Bộ GTVT vẫn đề nghị được chỉ định thầu các khâu lập dự án, lên dự toán và thẩm tra dự toán cao tốc Bắc - Nam để đẩy nhanh tiến độ. Dù rằng, Bộ này lý giải, giá trúng thầu của các nhà đầu tư không phụ thuộc vào dự toán được đưa ra nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn.
Ông Thân Văn Thanh cho rằng, ngay từ giai đoạn thiết kế cần phải có những “đề bài” hết sức cụ thể. “Chẳng hạn, phải có giải pháp để giám sát thiết kế dự án không vượt nhu cầu thực tế, kê vống lên để lấy khối lượng; siết chặt không để chi phí dự phòng dự án lớn. Nhất là không cho tính tỷ lệ trượt giá công trình xây dựng đến 14-15% như hiện nay, vì trượt giá hàng hoá trung bình chỉ khoảng 5-7%” - ông Thanh đề nghị.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cho rằng, nếu muốn người dân tin, “vui vẻ sử dụng” dự án BOT cao tốc Bắc - Nam, các cơ quan Nhà nước phải đưa ra các quy định minh bạch từ khi xây dựng đến khi vận hành. Trong đó, khi dự án xây dựng và thu phí, cơ quan nhà nước và chủ đầu tư phải minh bạch dự án xây dựng hết bao nhiêu tiền, sẽ thu phí trong bao nhiêu năm sớm nhất, rộng rãi nhất. “Vấn đề quan trọng nhất đối với các chủ xe nhiều khi không chỉ phí cao hay thấp mà chính là dự án có minh bạch hay không” - ông Thanh nói.