Aa

Cao tốc Bắc - Nam: Xương sống hình thành và kỳ vọng cho tương lai

Thứ Bảy, 17/02/2018 - 00:01

Với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng, 654km đường cao tốc sẽ hoàn tất thủ tục đầu tư trong năm 2018 và chính thức khởi công trong năm 2019 để “vẽ nên xương sống” mới của đất nước, kết nối thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TPHCM, cao tốc Bắc - Nam sẽ mở ra cơ hội phát triển 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, miền Trung, phía Nam và vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Triển khai cao tốc Bắc - Nam: Nhanh nhưng không "tắt bước"

Trao đổi với Báo Lao Động, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ GTVT đang đẩy nhanh tiến độ triển khai đề án cao tốc Bắc - Nam nhưng dù nhanh vẫn phải chắc chắn để đảm bảo tính minh bạch, quản lý chặt chẽ chất lượng giá thành. Cụ thể, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, rút kinh nghiệm từ các dự án PPP triển khai trước đây, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng các cơ chế, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết làm cơ sở để triển khai đầu tư dự án theo các nguyên tắc:

Thực hiện đấu thầu cạnh tranh, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư, không áp dụng hình thức chỉ định thầu, quản lý chặt chẽ chất lượng, giá thành, cơ quan nhà nước sẽ tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở để tính toán phương án tài chính, lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, trong hồ sơ mời thầu và hợp đồng quy định chặt chẽ các tiêu chí về chất lượng và chế tài xử lý...

Bộ cũng khắc phục bất cập về thu phí bằng việc áp dụng hình thức thu phí kín (mức phí tính theo chiều dài quãng đường sử dụng) nên sẽ đảm bảo tính công bằng. Đồng thời, dự án cũng yêu cầu sử dụng công nghệ thu phí tự động và hệ thống giám sát trực tuyến về lưu lượng xe để chống thất thu, thực hiện công khai các số liệu thu phí (mức phí, thời gian thu phí, tổng vốn đầu tư...) để đảm bảo tính minh bạch.

Ngoài ra, các nhà đầu tư muốn tham gia phải tăng tỉ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 25% tổng vốn đầu tư (quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP mức tối thiểu chỉ từ 10-15%) để đảm bảo lựa chọn nhà đầu tư có năng lực thực sự.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, giai đoạn 2017-2020 đầu tư các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và Nha Trang (Khánh Hoà) - Dầu Giây (Đồng Nai) với tổng chiều dài khoảng 654km, tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng (vốn nhà nước 55.000 tỉ đồng, vốn nhà đầu tư 63.716 tỉ đồng), gồm 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP).

Trong tổng số 11 dự án thành phần, có 10 dự án đang được các đơn vị tư vấn hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi; 1 dự án (cầu Mỹ Thuận 2) đang tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến, một số dự án sẽ hoàn thiện thủ tục để phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi trong tháng 5.2018; hoàn thiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2019, dự kiến khởi công dự án sớm nhất khoảng cuối năm 2019.

Xử lý tồn tại, hướng tới tương lai

Nỗ lực đẩy mạnh tiến độ nhưng đại diện Bộ GTVT cũng như các chuyên gia đều thừa nhận, vẫn còn khá nhiều vướng mắc cần chung tay xử lý. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là hệ thống pháp luật điều chỉnh hình thức PPP hiện còn chưa hoàn thiện, nhiều bất cập, chồng chéo; văn bản pháp luật cao nhất điều chỉnh hình thức này mới chỉ dừng ở các Nghị định. Trường hợp điều chỉnh để hoàn thiện hệ thống pháp luật theo quy trình phải cần nhiều thời gian trong khi tiến độ triển khai dự án rất thấp.

Bên cạnh đó, với điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và áp lực về trần nợ công như hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỉ giá nên sẽ khó có sự góp mặt của các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài trong đề án quan trọng này và nguồn tín dụng trong nước cũng gặp khó do bị khống chế do dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng đang ở mức cao, tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định.

Trao đổi với Báo Lao Động, lãnh đạo Vụ Đối tác công tư bày tỏ sự lo lắng về tiến độ hoàn thành dự án bởi theo Nghị quyết của Quốc hội, tiến độ các dự án phải "cơ bản hoàn thành năm 2021" nhưng theo quy định của pháp luật thì trình tự thủ tục giai đoạn chuẩn bị dự án cũng như tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cần nhiều thời gian.

Theo tính toán, Bộ GTVT chỉ có thể khởi công dự án thành phần sớm nhất vào cuối năm 2019 nên việc hoàn thành 654km và giải ngân toàn bộ 55.000 tỉ đồng vốn trái phiếu Chính phủ trong giai đoạn 2017-2021 rất khó khả thi, đặc biệt là phụ thuộc rất nhiều vào tiến độ giải phóng mặt bằng của các địa phương. Do đó, để thực hiện thành công dự án, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống từ Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương liên quan.

Dù còn nhiều khó khăn nhưng đại diện Bộ GTVT cho biết, sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành để đảm bảo tiến độ dự án.

Theo nghiên cứu của các tổ chức tư vấn quốc tế và trong nước, dự báo đến năm 2020, nhu cầu hành khách, hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 45,37 triệu hành khách/năm và 62,27 triệu tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2020, nếu không xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam hoặc đường sắt tốc độ cao, nhu cầu vận tải trên hành lang này sẽ vượt quá so với tổng năng lực thông hành của các phương tiện vận tải hiện tại khoảng 5,92 triệu hành khách/năm và 14,5 triệu tấn hàng hóa/năm.

Quốc lộ 1 hiện nay với quy mô 4 làn xe, năng lực thông hành có thể đáp ứng được khoảng 35.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm. Theo tính toán, nếu không đầu tư đường bộ cao tốc thì đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm, vượt quá năng lực của tuyến quốc lộ 1. Đến khoảng năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên-Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con tiêu chuẩn/ngày đêm, cũng sẽ vượt quá năng lực của tuyến quốc lộ 1.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top