Aa

Cao tốc đường bộ Bắc Nam: Không để lọt nhà đầu tư yếu kém tham gia “chia phần”

Thứ Ba, 03/12/2019 - 06:28

Giám đốc các Ban quản lý dự án (PMU) sẽ phải kiểm điểm trách nhiệm nếu để 8 dự án PPP cao tốc đường bộ Bắc Nam phía Đông bị đội vốn.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa phát công văn yêu cầu Giám đốc các Ban QLDA: 2,6,7; 85; Thăng Long; đường Hồ Chí Minh – những đơn vị được giao nhiệm vụ đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải bảo đảm yêu cầu về tiến độ, chất lượng, tuân thủ quy định pháp luật trong việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể yêu cầu các PMU kiểm soát chặt chi phí 8 dự án PPP cao tốc Bắc Nam, bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư so với tổng mức đầu tư đã được phê duyệt.

Theo đó, Giám đốc các đơn vị này phải tập trung chỉ đạo các đơn vị, tổ chuyên gia khẩn trương đánh giá hồ sơ mời sơ tuyển, hoàn thành trình Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt kết quả sơ tuyển theo đúng thời gian quy định của Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.

Giám đốc PMU phải chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng

Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm nguyên tắc cạnh tranh, công bằng và minh bạch; tuyệt đối không để xảy ra vi phạm những hành vi bị cấm trong đấu thấu. Giám đốc các PMU chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trường hợp chậm tiến độ hoặc để xảy ra vi phạm về đấu thầu. Lãnh đạo các PMU cũng được yêu cầu quản lý chặt chẽ tổng mức đầu tư dự án, bao gồm cả chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Trường hợp vượt tổng mức đầu tư, Giám đốc các PMU phải làm rõ nguyên nhân và kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định.

Tư lệnh ngành giao thông vận tải giao Vụ Đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải) thực hiện theo dõi, giám sát hoạt động đấu thầu trong lựa chọn nhà đầu tư của người có thẩm quyền đối với công tác đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu quy định tại Điều 96 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP ngày 17/3/2015.

Trước đó, vào tháng 9/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế và mời sơ tuyển đấu thầu rộng rãi trong nước lựa chọn nhà đầu tư thực hiện 8 dự án thành phần theo hình thức PPP (đối tác công - tư) thuộc Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước.

Sau khi thay đổi chủ trương, đến nay đã có khoảng 30 nhà đầu tư trong nước mua hồ sơ. Theo kế hoạch, vào đầu năm 2020, Bộ bắt đầu lựa chọn nhà đầu tư. Tuy nhiên, để dự án trọng điểm quốc gia này bảo đảm chất lượng, tiến độ, hiệu quả, bên cạnh việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng, điều quan trọng là phải lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm.

Theo quy định, để tham gia đấu thầu, nhà đầu tư phải bảo đảm yêu cầu vốn chủ sở hữu đáp ứng tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án và phải có cam kết cho vay của ngân hàng tài trợ vốn tín dụng; từng tham gia dự án có tổng mức đầu tư bằng 50% tổng mức dự án đang xét; đã thi công dự án hoặc gói thầu có giá trị bằng 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét...

Giám sát chặt cả nhà đầu tư trúng thầu

Khẳng định việc hủy đấu thầu quốc tế sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư, song ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, gần như không có doanh nghiệp giao thông nào đáp ứng được. Nhà đầu tư trong nước chỉ có thể tham gia dự án khi liên danh, liên kết với nhau.

Ông Trần Văn Thế, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả khẳng định, nếu liên danh, liên kết các nhà đầu tư trong nước hoàn toàn đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện các dự án cao tốc bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Các doanh nghiệp có vốn kết hợp với doanh nghiệp có năng lực thi công, tổ chức dự án có thể hợp tác với nhau để đấu thầu...

Đề cập tới vấn đề này, PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam nhận định, với phương thức đầu tư PPP thì bao giờ cũng phải xem xét hết các yếu tố rủi ro. PPP là chia sẻ lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư. Để giải quyết bài toán tín dụng, cần thiết phải có sự can thiệp của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước. “Tôi cho rằng các tổ chức tín dụng cũng đã nhìn ra “bạn hàng” nào có đủ uy tín để cho vay, giúp giải quyết khó khăn về tín dụng...", ông Chủng nói.

Bên cạnh việc cần có cơ chế nới lỏng tín dụng, một số ý kiến nhấn mạnh, các cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt việc đầu tư thi công cao tốc Bắc - Nam. Bất kể nhà đầu tư nào trúng thầu vẫn phải giám sát chặt việc tuân thủ quy định, bảo đảm chất lượng công trình. Bộ Giao thông Vận tải cần thuê riêng tư vấn giám sát là đơn vị chuyên nghiệp có uy tín, có kinh nghiệm làm cao tốc. Nhà đầu tư trúng thầu phải có văn bản phân công nhiệm vụ rõ ràng từng khâu, người chịu trách nhiệm từng hạ ng mục công việc liên quan đến thiết kế, giám sát, thi công.

Khâu bảo hành công trình không chỉ 1 - 2 năm, mà phải tương ứng từng dự án và kéo dài thời gian trách nhiệm của nhà thầu, bởi đường cao tốc đòi hỏi khá cao về tiêu chuẩn kỹ thuật và thi công. Phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu đấu thầu cho đến thiết kế, thi công; không để lọt các nhà đầu tư yếu kém tham gia dự án để “chia phần”.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm, có ý nghĩa và vai trò đặc biệt của quốc gia, nên việc đưa ra những tiêu chuẩn cao, chặt chẽ đối với nhà đầu tư là cần thiết để bảo đảm cho dự án thành công, tránh được rủi ro mà không ít dự án giao thông trước đó đã mắc phải. Yếu tố quan trọng nhất là sự minh bạch, công khai đầy đủ thông tin khi đấu thầu dự án.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top