Liên quan đến vấn đề đầu tư công dàn trải, thiếu tập trung, dẫn đến nhiều công trình, trong đó có công trình giao thông trọng điểm cũng bị chậm tiến độ dài, nhiều đại biểu chất vấn về vấn đề này và đề nghị Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng có câu trả lời cụ thể.
Cụ thể, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn Bạc Liêu) nêu: đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay có 2,9 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa, 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong đó, với 18 triệu dân của đồng bằng đóng góp hơn 50% sản lượng lương thực, 45% sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản quốc gia.
Tuy nhiên, câu chuyện tải trọng, giao thông vẫn là một bế tắc lớn do tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm, có vai trò động lực phát triển còn chậm. Trong đó có cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, dù đây là dự án trọng điểm.
Từ thực tế trên, xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của sự chậm trễ, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu trong việc thực hiện huy động và công khai nguồn vốn đầu tư? Dự án khi nào mới hoàn thành?
Liên quan đến lý do chậm cao tốc Trung Lương - Cần Thơ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhường phần trả lời cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa.
Chờ ngân hàng thu xếp vốn
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, đoạn cao tốc này đã trải qua rất nhiều thăng trầm. Dự án này được khởi công 2010 và có những khó khăn và điểm chưa hợp lý. Bộ GTVT đã yêu cầu kiểm tra, làm lại.
Cụ thể, Bộ trưởng lấy ví dụ đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trước kia quy mô mặt cắt ngang chỉ 13 mét trong khi đoạn TP.HCM - Trung Lương là 17 mét. Việc có một đoạn 13 mét khiến có nút thắt, không đồng bộ, vì vậy phải điều chỉnh lại, thu xếp thêm vốn. Về cơ bản, hiện tại Chính phủ đồng ý điều chỉnh quy mô chung mặt đường lên đủ 17 mét.
"Thời điểm này, dự án chỉ chờ ngân hàng đàm phán thu xếp vốn, ký cam kết tài trợ là có có thể triển khai bình thường", Bộ trưởng Nghĩa cho biết. "Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được thực hiện nằm trong gói cao tốc Bắc Nam trong thời gian tới".
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng mong muốn các đại biểu Quốc hội cùng chia sẻ với ngành giao thông, bởi nhu cầu kinh phí của ngành giao thông tổng hợp từ tất cả các địa phương và đã được cập nhập vào vốn trung hạn khoảng 925 nghìn tỷ, nhưng cho đến hiện nay, vốn cân đối trung hạn đó mới chỉ được khoảng 31%, có nghĩa là đang thiếu trầm trọng./.