10 quốc gia trong khối ASEAN đang dự kiến sẽ xây dựng một mạng lưới đường sắt tốc độ cao xuyên Á nhằm liên kết giao thông và kinh tế của các quốc gia trong khu vực. Ý tưởng này xuất phát từ bài phát biểu của Cựu Thủ tướng Malaysia, ông Mahathir Mohamad. Hệ thống xe lửa này sẽ bắt đầu từ Singapore, xuyên qua Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước khi đến điểm dừng cuối là Côn Minh, thủ phủ của tình Vân Nam, Trung Quốc. Các đường nhánh sẽ bắt đầu từ Thái Lan và nối với Myanmar, Lào.
Khu vực Đông Nam Á sẽ được gì từ hệ thống đường sắt này?
Đó là câu hỏi mà hầu hết các quốc gia sẽ hỏi khi đồng ý hợp tác cùng tham gia dự án này.
Cái được thứ nhất là tiết kiệm thời gian và nhiên liệu vận chuyển. Minh chứng là dự án đường sắt cao tốc Bắc Kinh – Thiên Tân của Trung Quốc. “Trước đây, người dân ở thành phố Bắc Kinh thường nhắc đến Thiên Tân như một tình thành xa xôi, đến nơi chắc phải mất cả ngày đường. Tuy nhiên, hiện nay, thời gian đi quãng đường từ nội thành Bắc Kinh đến Thiên Tân chỉ mất khoảng 35 phút”, ông Steven McCord, Giám đốc nghiên cứu của JLL tại khu vực phía Bắc Trung Quốc cho biết.
“Mỗi chuyến đi, với quãng đường khoảng 1200 km sẽ tiết kiệm được ít nhất là 5 giờ đồng hồ nếu đi bằng đường sắt cao tốc”, ông nói thêm.
Một cái được nữa của hệ thống đường sắt tốc độ cao đó là phát triển kinh tế khu vực nói chung và kinh tế địa phương nói riêng.
Sự xuất hiện của mạng lưới giao thông hiện đại này sẽ giúp cho không chỉ các thành phố lớn mà còn cả các tỉnh thành tập trung dọc theo các đường ray và nhà ga có cơ hội để tăng sức bật kinh tế. Tiến sĩ Chua Yang Liang, Giám đốc nghiên cứu của JLL tại Đông Nam Á cho rằng: “Sự giàu có về kinh tế sẽ được phân bổ trong khu vực, đó là điều chắc chắn. Hệ thống đường sắt tốc độ cao này không chỉ “khai sinh” những trung tâm kinh tế mới, những đô thị mới ở những nơi nó đi qua, mà còn đem đến những cơ hội đầu tư trên một phạm vi lớn hơn chứ không chỉ còn ở những quốc gia đang có tiềm lực kinh tế lớn mạnh hơn”.
“Những hoạt động bán lẻ, khách sạn, văn phòng sẽ mọc lên như nấm quanh các nút giao thông, tôi tin vào điều đó. Hệ thống đường sắt cao tốc Kuala Lumpur Sentral là một ví dụ điển hình cho việc liên kết giao thông mạnh mẽ sẽ dựng nên một thời kỳ thịnh vượng như thế nào cho các dự án văn phòng, bán lẻ và nhà ở”, ông Chua nói thêm.
Không thể phủ nhận những quan điểm và nhận định của Tiến sĩ Chua về những tiềm năng phát triển kinh tế mà ý tưởng hệ thông đường sắt cao tốc nối liền 10 nước ASEAN này mang lại nếu nhìn vào những gì mà dự án tuyến đường sắt Bắc Kinh – Thượng Hải đã làm được cho Trung Quốc. Đây được coi là tuyến đường sắt cao tốc “đồ sộ” nhất thế giới và đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhất trên toàn cầu. Nó đã mang đến những nguồn lợi kinh tế vô cùng lớn cho các tỉnh thành như Nam Kinh, Thường Châu, Vô Tích và Tố Châu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, việc Trung Quốc đã làm được với hệ thống đường sắt của nước này không có nghĩa là hệ thống đường sắt cao tốc liên kết khu vực sẽ thực sự phát huy hiệu quả với một số địa phương đang còn quá nghèo của các quốc gia khác tại khu vực Châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.
Ý tưởng đang được triển khai
Trên thực tế hiện nay, một số quốc gia trong khu vực đã bắt đầu bắt tay với nhau để xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc. Năm 2016, Chính phủ hai nước Singapore và Malaysia đã hoàn thành việc ký kết hợp tác xây dựng dự án đường sắt cao tốc Kuala Lumpur. Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan và Malaysia cũng đang đàm phán để cho ra đời tuyến đường sắt tốc độ cao nối Kuala Lumpur với Bangkok.
Mặc dù ý tưởng về cơ bản đã được thực hiện, tuy nhiên tiến độ còn quá chậm. Bên cạnh đó, ý tưởng này cũng vướng phải một số chỉ trích cho rằng các quốc gia tham gia vào hệ thống này mới chỉ dừng lại ở việc liên kết với nhau trong giai đoạn xây dựng chứ chưa ngồi lại với nhau để xây dựng nên một kế hoạch tổng thể làm định hướng chung.
Nhật Bản và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều kinh nghiệm và tiềm lực trong việc xây dựng các hệ thông giao thông, đặc biệt là hệ thống đường sắt cao tốc, hiện nay hai nước này đang đua nhau để giành vị trí tài trợ cho các dự án xây dựng cấp chính phủ và đem về những hợp đồng đấu thầu cho các công ty trong nước.