Trong khi gói hỗ trợ lần 1 còn chưa ngấm và có những cấu phần tiếp cận còn hạn chế, "làn sóng" Covid-19 thứ 2 lại ập đến; tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống người lao động lại thêm khó khăn, thử thách.
Ở giai đoạn trước, có hai gói hỗ trợ chính: một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỷ đồng, và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, hiệu quả của các gói hỗ trợ trên vẫn còn khá hạn chế.
Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của tình hình dịch bệnh, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có các chính sách kinh tế đủ mạnh, vượt hơn mức bình thường thì nền kinh tế khó phục hồi.
Một số chuyên gia đã đề xuất cần tính toán đến "gói hỗ trợ lần 2" trên cơ sở tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ giai đoạn vừa qua để rút ra những điều chỉnh cần thiết.
TÍNH TOÁN LÀM SAO BAO QUÁT TOÀN DIỆN CÁC ĐỐI TƯỢNG
Tại cuộc họp thảo luận về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội diễn ra ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề cấp đến việc xây dựng "gói hỗ trợ lần 2".
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Bộ đang đánh giá lại các gói hỗ trợ và thiết kế chính sách kinh tế phù hợp hơn. Theo đó, báo cáo đánh giá sẽ được chia làm hai phần. Phần một là các chính sách ban hành, các kết quả đạt được, những hạn chế, đánh giá hiệu quả từng gói hỗ trợ. Phần hai là những chính sách mới, nguồn lực và thời gian triển khai ngay hay lâu dài.
Cùng với đó, các bộ ngành cần có thống kê, đánh giá tình hình doanh nghiệp và sản xuất kinh doanh một cách sâu rộng, toàn diện đầy đủ mới dựng được bức tranh tổng thể để có chính sách phù hợp cho từng ngành, lĩnh vực, cần xây dựng lại các kịch bản tăng trưởng.
Đặc biệt, cần tính toán các biến số có độ bao phủ rộng hơn, xây dựng một mô hình đầy đủ tính toán các yếu tố tác động. Từ đó, đưa ra được các gói hỗ trợ cần đủ mạnh về liều lượng và kịp thời hơn, hướng đúng đối tượng để phát huy hiệu quả lớn nhất.
“Về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan. Gói hỗ trợ phải đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
NỚI LỎNG CÁC ĐIỀU KIỆN GÓI HỖ TRỢ LẦN 1?
Đánh giá về hiệu quả của các gói hỗ trợ thời gian qua, ý kiến tại cuộc họp trên, các chuyên gia cho rằng chỉ ở mức vừa phải.
Với gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng, theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến nay, các địa phương đã phê duyệt cho 15,8 triệu người với số tiền khoảng 20.000 tỷ đồng. Trong đó, khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giãn đóng bảo hiểm xã hội và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Con số này chứng tỏ số doanh nghiệp có thể "chạm tay" tới gói hỗ trợ 62.000 tỷ còn rất khiêm tốn.
Tương tự, gói tài khóa quy mô 180.000 tỷ đồng cũng chưa giải ngân được nhiều. Gói tài khóa này hướng đến giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp trong 5 tháng và miễn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất kinh doanh có doanh thu dưới 200 tỷ đồng trong năm 2019. Tuy nhiên, do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn nên nhiều chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp sẽ không được hưởng lợi nhiều.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh Covid-19. 7 tháng đầu năm, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh tăng tới 41,5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, đặc biệt thất nghiệp ở nhóm thanh niên từ 15-54 tuổi, chiếm 30,7% tổng số thất nghiệp... Điều này cho thấy, các đối tượng cần được hỗ trợ rất lớn.
Do đó, đề xuất về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất đến hết năm 2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng cần gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng tại Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết 31/12/2020 và sửa đổi Thông tư theo hướng giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn dễ dàng tiếp cận được chính sách.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.