Aa

Cấp bách "mở" cửa ngõ TP.HCM

Thứ Ba, 27/08/2019 - 13:35

Ùn tắc nghiêm trọng tại các cửa ngõ trọng điểm không chỉ khiến việc đi lại của người dân, vận chuyển hàng hóa trở nên khó khăn, mà còn dồn áp lực lên mạng lưới giao thông nội đô TP.HCM.

Ùn tắc bủa vây tứ phía

Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông

Mới gần 5 giờ sáng, đèn đường còn chưa tắt nhưng đường Đinh Bộ Lĩnh (Q. Bình Thạnh) khu vực Bến xe Miền Đông đã rất đông phương tiện đi lại. Ngay gần đó, tuyến đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kéo dài từ giao lộ Bạch Đằng tới ngã tư Hàng Xanh cũng trở thành nỗi ám ảnh của người dân hằng ngày lưu thông qua đây. 

Cao điểm buổi sáng, dòng xe chen nhau nhích từng chút trên đường Ung Văn Khiêm ra D2. Tan tầm chiều, rừng phương tiện lại xếp hàng chôn chân trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, đoạn qua ngã năm Đài liệt sĩ. Cảnh tượng này ngày nào cũng lặp đi lặp lại suốt nhiều năm qua.

Hàng trăm ngàn phương tiện từ trong đổ ra, từ ngoài đổ vào khiến QL13 - cửa ngõ phía Đông, là trục giao thông nối TP.HCM với TX. Thuận An và TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) quá tải nghiêm trọng.

Kẹt xe tại ngã tư Hàng Xanh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: Phạm Hữu

Khu nam cũng không khá hơn. Mọi ngả đường từ Q. 7 hay H. Nhà Bè vào trung tâm TP.HCM dù là khu vực mới, được quy hoạch bài bản hơn nhưng giao thông cũng tệ không kém. Từ đầu năm đến nay, một loạt công trình cầu, đường nối từ khu nam với khu trung tâm được triển khai mở rộng, sửa chữa khiến tình trạng kẹt xe diễn ra nặng nề. 

Dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ qua cầu Kênh Tẻ (nối Q. 7 và Q. 4), dòng xe chen nhau xếp thành hàng dài bất kể giờ cao hay thấp điểm. Cầu Kênh Tẻ tắc, các phương tiện được khuyến cáo lưu thông qua các tuyến đường khác để giảm tải, nhưng “chạy đâu cho thoát”. 

Loạt tuyến đường Nguyễn Tất Thành, cầu chữ Y, hướng đường Dương Bá Trạc (Q.8) về trung tâm, hướng qua cầu Tân Thuận, hướng khu Trung Sơn chạy qua cầu Nguyễn Văn Cừ, hướng Phạm Hùng qua cầu Nguyễn Tri Phương... đều bị kẹt dây chuyền.

Đông tắc, nam kẹt, tuyến QL1A - khu vực cửa ngõ phía tây và hàng loạt tuyến đường cửa ngõ tây nam, tây bắc như: vòng xoay nút giao An Sương, Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ - Tân Quý, Lê Trọng Tấn, Hoàng Văn Thụ, QL22… cũng đều có mặt trong danh sách “điểm nóng” ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Tứ phía ùn tắc, áp lực giao thông đang dần đè nặng, lấn sâu vào khu vực nội đô.

Rục rịch loạt dự án “bất động” hàng chục năm

Các dự án xây mới, cầu đường trong tương lai cũng cần được tính toán, không nên tách rời, phải là một thành phần của kế hoạch phát triển giao thông công cộng. Cụ thể, ngay lập tức khi làm thêm một con đường, mở thêm cầu mới phải bố trí ưu tiên, đưa giao thông công cộng, đưa xe buýt vào ngay, khi lượng phương tiện cá nhân chưa kịp đầy lên. Nếu không phát triển song song, cầu mới, đường mới sẽ chỉ có tác dụng trong thời gian đầu, kẹt xe sẽ nhanh chóng quay trở lại.

Trước tình trạng ùn trong ứ ngoài ngày càng nghiêm trọng, TP.HCM đang cấp bách triển khai loạt dự án mở rộng cầu, đường các khu vực cửa ngõ để giảm tải áp lực giao thông. Thực tế, đây đều là các dự án đã được phê duyệt, lên kế hoạch triển khai từ cách đây cả hơn thập niên.

Đơn cử, dự án mở rộng cửa ngõ đông bắc TP.HCM (khu vực ngã tư Hàng Xanh - Xô Viết Nghệ Tĩnh - Ung Văn Khiêm - Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí, QL13) tại Q. Bình Thạnh và Thủ Đức đã được triển khai từ năm 2003, nhưng 16 năm qua vẫn còn “nằm trên giấy”.

Theo thông tin từ Sở GTVT TP, dự án sẽ được triển khai trong năm nay, chia thành 3 tiểu dự án, gồm: Xây cầu Ông Dầu (Q. Thủ Đức); làm nút giao ngã năm Đài liệt sĩ (gần Bến xe Miền Đông); nâng cấp, mở rộng đường Ung Văn Khiêm (Q. Bình Thạnh). 

Tổng kinh phí xây dựng 3 dự án là 2.293 tỷ đồng. Trong đó, hai dự án nhỏ đầu tiên đã sẵn sàng về nguồn lực tài chính, thiết kế kỹ thuật, khó khăn lớn nhất là khâu giải phóng mặt bằng đang được UBND Q. Bình Thạnh triển khai, chờ UBND TP thông qua giá bồi thường, dự kiến có thể thi công vào cuối năm 2019, đầu năm 2020. Riêng việc mở rộng QL13 vẫn đang đợi TP bố trí ngân sách để thực hiện.

Mới đây, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM cũng thông tin đang đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để có thể tiến hành thi công ngay hai dự án xóa ùn tắc cửa ngõ phía tây nam gồm: Nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ - Tân Quý đoạn từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Cộng Hòa dài 644,5m, rộng 30m, lên 6 làn xe với tổng mức đầu tư 742,1 tỷ đồng và dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ dài 904m, rộng 60m cho 10 - 12 làn xe, tổng mức đầu tư là 2.147 tỷ đồng. Đáng nói, việc mở rộng 2 tuyến đường này cũng đã được lập dự án cách đây 14 năm, từ 2005 với tổng mức đầu tư chỉ khoảng khoảng gần 600 tỷ đồng.

Khu vực cửa ngõ phía nam cũng vừa được UBND TP duyệt phương án cấp vốn 830 tỷ đồng để xây dựng hầm chui và vòng xoay tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ. Tổng vốn đầu tư dự án là hơn 830 tỷ đồng, dự kiến đến tháng 12/2019 sẽ hoàn tất khâu lựa chọn nhà thầu thi công và bắt đầu khởi công ngay sau đó. Thời gian hoàn thành dự án khoảng 1 năm kể từ lúc khởi công.

Đại diện Sở GTVT TP nhận định một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng ùn tắc nghiêm trọng là quỹ đất dành cho giao thông trên địa bàn TP quá thấp, không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại ngày càng tăng của người dân.

“Hầu hết các dự án đều đã được quy hoạch, nhưng khó khăn lớn nhất dẫn đến chậm trễ vẫn là khâu giải phóng mặt bằng. TP cũng đang tập trung huy động mọi nguồn lực, tìm nhiều giải pháp để đẩy nhanh mọi thủ tục, gấp rút triển khai các dự án giao thông trọng điểm nói trên. 

Trước mắt, việc tăng thêm diện tích đường, kết hợp với điều tiết giao thông sẽ giúp hạ nhiệt giao thông, tạo ra “khoảng trống” để triển khai thêm các biện pháp căn cơ, dài hạn”, vị này khẳng định.

Thiệt hại hàng tỷ USD do “tắc”

Kẹt xe trên đường Trường Chinh, đoạn giao Tân Kỳ - Tân Quý (Q. Tân Phú, TP.HCM). Ảnh: Ngọc Dương

Là đầu mối trung chuyển hàng hóa của cả 2 vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ, nhưng bao năm qua, kết nối giao thông giữa TP.HCM và các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm vẫn yếu. Đơn cử QL22 đoạn qua địa phận TP.HCM hiện rất quá tải. Đi từ Tây Ninh về TP.HCM theo đường này phải mất hơn 3 giờ cho đoạn đường 60km. 

Từ khi đưa vào khai thác tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, dài gần 92km, thời gian đi lại giữa TP và các tỉnh miền Tây đã rút ngắn đáng kể, tăng năng lực vận tải, lưu thông hàng hóa trong vùng. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau, đường dẫn vào đường cao tốc bị quá tải. 

Tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dài 55km, sau hơn một năm thông xe, dù rút ngắn được 20km và 2 giờ xe chạy, nhưng do thiếu đồng bộ, nên giờ cũng liên tục ùn tắc. Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỷ USD/năm do ùn tắc giao thông.

PGS.TS. Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM, nhận định các trục đường huyết mạch hướng tâm vào TP như QL22, QL1, QL14 đều đã có quy hoạch mở rộng, nhưng chưa thực hiện, trong khi nhu cầu vận chuyển giữa TP.HCM với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm ngày càng tăng cao, dẫn đến ùn tắc. 

Ách tắc là nguyên nhân chính khiến chi phí vận chuyển hàng hóa từ TP.HCM đi các tỉnh cao hơn so với các nước khác. Điều này dẫn đến hàng hóa xuất khẩu khó cạnh tranh, ảnh hưởng lớn đến kinh tế TP cũng như phát triển kinh tế toàn vùng. Chưa kể việc “ngâm” các dự án quá lâu trên giấy còn khiến chi phí giải phóng mặt bằng đội lên rất nhiều.

“Nên rà soát lại quy hoạch, tuyến nào cần mở rộng, kéo dài thì nên quyết tâm thực hiện sớm. Đối với những dự án do vướng mắc thủ tục hay phương án tài chính chưa thể khởi động được vẫn cần lập tức triển khai lấy ý kiến, thống nhất phương án đền bù với người dân để chốt giá, giữ đất”, ông Hoàng đề xuất

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top