Nhận định về vấn đề trên nhiều chuyên gia, luật sư cho rằng xảy ra tình trạng mạo danh như vậy là do Luật Tổ tụng Hình sự hiện nay chưa xử lý được các đối tượng này.
Mạo danh không trừ ai
Bên cạnh việc bán cả đất quy hoạch nhà tái định cư, công viên, giao thông, nghĩa trang; nhiều cá nhân, tổ chức lừa đảo còn mạo danh cả những doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, thậm chí cả hiệp hội bất động sản để lừa bán đất.
Cụ thể, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi văn bản báo cáo đến các cơ quan chức năng về tình trạng hiện nay đang có nhiều trang Facebook giả mạo HoREA để thực hiện rao bán đất.
HoREA cũng dẫn theo đường link tới một số Facebook để làm chứng. Vào những trang này, chủ yếu rao bán nhà đất tại TP.HCM và các tỉnh vùng ven như Đồng Nai, Bình Dương, Long An. Rất nhiều thông tin rao bán căn hộ, đất nền được đăng tải ở đây.
Trong văn bản, HoREA đề nghị các doanh nghiệp và người dân cảnh giác với các trang Facebook giả mạo HoREA, để tránh bị lừa đảo hoặc bị thiệt hại. HoREA cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông xem xét xử lý các trang Facebook giả mạo HoREA theo quy định của pháp luật.
Chính quyền các quận như Thủ Đức, Tân Phú, quận 12, quận 7... vừa liên tiếp lên tiếng cảnh báo về tình trạng phân lô đất nền trái phép, chuyển nhượng nhà đất, rao bán dự án không có thực.
Không chỉ có Hiệp hội TP.HCM bị các đối tượng mạo danh trang mạng, Facebook để rao bán đất, nhiều cơ quan tổ chức khác trên địa bàn TP.HCM trước đó cũng đã phải ra cảnh báo về tình trạng mạo danh bán đất này. Đơn cử như vừa qua UBND phường Trường Thạnh, quận 9 (TP.HCM) cũng đã phải phát đi cảnh báo tình trạng mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo trên địa bàn.
Cũng tương tự trong một hội nghị về trật tự xây dựng mới đây, lãnh đạo UBND quận Bình Tân cho biết đã thống kê được 10 trường hợp rao bán các dự án đất nền ảo trên địa bàn quận. Một số doanh nghiệp tự quy hoạch rồi công bố trên mạng với giá bán rất rẻ vì dự án không có thật.
Luật pháp chưa nghiêm?
Xảy ra tình trạng các đối tượng lừa đảo ngang nhiên mạo danh các cơ quan, tổ chức để bán đất, nhiều nạn nhân phải than rằng, không lẽ luật pháp phải “bó tay” xử lý các trường hợp này?
Về vấn đề trên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng để xảy ra tình trạng mao danh này do chính quyền các địa phương xử phạt chưa nghiêm và còn thụ động. Như trường hợp Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba bán hàng chục dự án “ma” ở khắp nơi mà cơ quan chức năng loay hoay chưa giải quyết được.
Luật sư Lâm Hiền Phước, Đoàn luật sư TP.HCM, cho rằng cơ quan chức năng, khi phát hiện hành vi vi phạm vẫn có thể xử lý nghiêm thông qua các biện pháp hành chính. Theo Luật sư Phước, hiện nay, theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì dấu hiệu phạm tội là “Khoản 1. Dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng...”.
Trường hợp các đối tượng mạo danh Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để rao bán đất (hành vi gian dối) những nếu chưa chứng minh được việc chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì chưa cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, các đối tượng chỉ lập facebook mạo danh, lấy thông tin khách hàng sau đó cung cấp thông tin trung thực về bất động sản cho khách hàng thì pháp luật chưa thể kết tội chiếm đoạt tài sản được.
Tuy nhiên hiện nay, các đối tượng lừa đảo ngày càng trở nên manh động khi mạo danh cả cơ quan chức năng trực thuộc UBND TP.HCM. Các địa phương không có cách giải quyết triệt để chỉ biết đưa ra các cảnh báo bằng cách cắm biển cảnh báo cho người dân tại một số khu vực.
LS Phước cho rằng, trong khi, Bộ luật Tố tục Hình sự chưa thể xử lý được các đối tượng mạo danh, các địa phương có thể xử phạt hành chính, đồng thời kiến nghị áp dụng các biện pháp ngăn chặn như buộc phải gỡ thông tin, xóa bỏ facebook...