Aa

Cấp bách xây dựng Nghị định về lấn biển

Thứ Tư, 03/03/2021 - 20:54

Việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành Nghị định quy định về lấn biển là một yêu cầu cấp bách để giải quyết vấn đề thực tiễn đã đặt ra từ rất lâu trong quản lý, kiểm soát các hoạt động lấn biển.

Thiếu các quy định cụ thể

Bên cạnh những giá trị thu được thì hoạt động lấn biển có thể làm thay đổi điều kiện tự nhiên, địa hình, cảnh quan; làm thay đổi chế độ thủy động lực của khu vực, thay đổi dòng chảy ven bờ, gây bồi lắng, sạt lở ở khu vực lân cận và gây xói lở bờ, làm mất an toàn cho chính các công trình; hoạt động lấn biển cũng có thể tác động không nhỏ đến hệ sinh thái, đa dạng sinh học và các nguồn lợi, tác động tới đời sống người dân ven biển...

Ngày 17/11/2020, Quốc hội đã giao Chính phủ ban hành quy định về hoạt động lấn biển trong năm 2021 theo Nghị quyết 134/2020/QH14 của Quốc hội.  

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Trong khi đó, pháp luật hiện hành gần như chưa có các quy định cụ thể đối với hoạt động này. Cụ thể, pháp luật đất đai chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích hoạt động khai hoang, lấn biển. Pháp luật về đầu tư chỉ quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định đầu tư.

Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo chỉ quy định việc khai hoang, lấn biển trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Thế nhưng, hoạt động lấn biển lại không thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển (vì nằm ngoài đường mực nước triều cao trung bình trong nhiều năm).

Pháp luật bảo vệ môi trường có quy định một số dự án lấn biển có quy mô lớn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên không có quy định cụ thể đối với các dự án có hoạt động lấn biển…

Việc thiếu các quy định cụ thể điều chỉnh đối với hoạt động lấn biển sẽ gây ra những phức tạp, hệ lụy chưa lường hết được trong thời gian tới. Chính vì vậy, việc xây dựng Nghị định về lấn biển là hết sức cần thiết.

Pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích khai hoang, lấn biển. (Khu đất lấn biển Mũi Tấn, TP. Quy Nhơn
Pháp luật đất đai hiện hành chỉ quy định nguyên tắc chung về việc khuyến khích khai hoang, lấn biển. (Khu đất lấn biển Mũi Tấn, TP. Quy Nhơn. Ảnh minh họa: Nguyên Linh)

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phải có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án, đặc biệt là quy định về việc chuyển nhượng các dự án có hoạt động lấn biển; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án là tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Sớm trình dự thảo quản lý lấn biển

Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị xem xét vị trí lấn biển phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch có phạm vi liên quan đến khu vực dự kiến lấn biển, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh trên cơ sở lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan và sẽ được lồng ghép trong quy định về đánh giá, xác định vị trí lấn biển trong quá trình lập, xem xét, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra hai phương án lấy ý kiến: Một là, không giao cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý hoạt động lấn biển, các cơ quan quản lý trong phạm vi chức năng và quyền hạn được giao. Hai là, giao một cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý nhà nước đối với hoạt động lấn biển. Bộ đề nghị lựa chọn phương án hai.

Đối với các yêu cầu lấn biển, Bộ cũng đưa ra hai phương án để lấy ý kiến: một là, quy định cụ thể các yêu cầu về việc lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự án có hoạt động lấn biển trong quá trình lập, xem xét, thẩm định, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển. Hai là, không quy định các yêu cầu đối với dự án lấn biển; các bộ ngành, địa phương tự đánh giá tính khả thi của dự án đối với từng nội dung theo chức năng nhiệm vụ và các quy định hiện hành. Căn cứ trên thực trạng và nội dung đánh giá tác động, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị chọn phương án một.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tập trung nguồn lực hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về lấn biển. Dự thảo nghị định gồm 6 chương, 40 điều quy định về nguyên tắc, yêu cầu đối với hoạt động lấn biển; việc xem xét, quyết định cho phép thực hiện các hoạt động lấn biển; quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án có hoạt động lấn biển; nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành trong quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động lấn biển.

Bộ cũng có văn bản gửi Bộ Tư pháp đưa Nghị định này vào Danh mục các văn bản quy định chi tiết ban hành trong năm 2021, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top