Tại cuộc họp Ban chỉ đạo dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tổ chức tại tỉnh Bắc Ninh ngày 17/8 vừa qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng - Trưởng Ban chỉ đạo dự án nhấn mạnh: “Đây là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa rất quan trọng, thời gian thì không chờ, chậm một ngày là đi rất xa, nên tất cả chúng ta phải cố gắng phấn đấu”.
Đến nay, tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án tại 3 tỉnh thành là Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên đạt 86,42%, đã thu hồi 1.194,71/1.382,38 ha. Tiến độ di chuyển các ngôi mộ đạt 41,35%, trong đó đã di chuyển 7.000 ngôi mộ, còn 9.929 ngôi mộ chưa thể di dời.
Trong đó, TP. Hà Nội đã thu hồi 694,20/793,80ha (đạt 87,45%) và di chuyển 6.262/10.034 ngôi mộ (đạt 62,37%); tỉnh Hưng Yên đã thu hồi 192,63/230,19ha (đạt 83,68%) và di chuyển 699/4.207 ngôi mộ (đạt 16,6%); tỉnh Bắc Ninh đã thu hồi 307,88/358,39ha (đạt 85,91%) và di chuyển 39/2.688 ngôi mộ ngôi mộ (đạt 1,5%).
Về tiến độ chung, việc khởi công thi công xây dựng công trình đã được TP. Hà Nội triển khai đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên, việc khởi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh dự kiến chậm hơn so với tiến độ yêu cầu khoảng 3 - 4 tháng.
Phát biểu tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, hiện tỉnh đang quyết tâm hoàn thành các phần việc cần thiết để khởi công dự án thành phần 2.2 (xây dựng đường song hành qua địa phận tỉnh) trong tháng 9/2023, tuy nhiên vẫn gặp phải khó khăn lớn đến từ việc di dời cơ sở của 17 doanh nghiệp, dự án. Tỉnh dự kiến sẽ thuê tư vấn để định giá tài sản trên đất làm căn cứ đền bù, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Về phía tỉnh Bắc Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hương Giang cho biết, hiện tỉnh đã phê duyệt tổng mức đầu tư dự án thành phần 1.3 là 2.479 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá trị tổng mức đầu tư thực tế dự kiến tăng 2.874 tỷ đồng so với giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư, lên khoảng 5.354 tỷ đồng do xác định đơn giá bồi thường đất ở theo giá thị trường. Do đó, tỉnh Bắc Ninh kiến nghị ban chỉ đạo báo cáo xem xét, quyết định làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo của dự án.
Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết đã nhận được thông tin tại Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng. Sau đó, thông báo kết luận số 139 ngày 25/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ, giá trị tổng mức đầu tư thực tế được phép cao hơn giá trị sơ bộ tổng mức đầu tư.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cũng chỉ ra một khó khăn khác với nhà thầu là giá vật liệu thực tế đang cao hơn đáng kể so với giá đã được phê duyệt (giá phê duyệt là 170.000 đồng/m3, giá thực tế khoảng 250.000 đồng/m3). Đây là vấn đề cần được làm rõ và tháo gỡ sớm để đảm bảo tiến độ thi công dự án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội Đinh Tiến Dũng biểu dương nỗ lực và quyết tâm của 3 địa phương đã có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và tổ chức chính trị - xã hội, đạt được một số kết quả tương đối tốt trong việc thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Bí thư Đinh Tiến Dũng đề nghị tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh phối hợp với Bộ Xây dựng thẩm định hồ sơ thiết kế, cơ sở dự toán để xây dựng dự án thành phần 2.1, 3.1 để lựa chọn nhà thầu, khởi công 2 dự án thành phần vào cuối tháng 9 năm nay. Bên cạnh đó, thúc đẩy tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, bố trí các khu tái định cư, đất ở cho người dân với tinh thần “nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” và phấn đấu hoàn thành giải phóng mặt bằng 100% trước ngày 31/12/2023.
Ông Đinh Tiến Dũng cũng đề xuất các tỉnh nếu không kịp bố trí khu tái định cư cho các hộ dân trước Tết Nguyên đán thì có thể học tập cách của Hà Nội là tính toán phương án hỗ trợ tạm cư cho người dân.
Về vấn đề vật liệu phục vụ thi công dự án, Bí thư Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo cần tính toán tổng thể và cụ thể cho từng phần việc theo tiến độ, đồng thời giám sát, quản lý chặt chẽ việc mỏ vật liệu phục vụ cho dự án Vành đai 4 thì không được phép khai thác để bán ra bên ngoài hay phục vụ dự án khác cũng như những nguy cơ liên quan.
Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, khởi công ngày 25/6/2023 là một trong những dự án giao thông trọng điểm của cả nước, được kỳ vọng kiến tạo không gian phát triển mới cho Hà Nội và các tỉnh thành lân cận. Tổng chiều dài của dự án gồm cả đường trên cao, dưới thấp dự kiến là 112km, đi qua 3 tỉnh thành Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Việc các tỉnh, thành phụ trách thực hiện dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cùng quyết tâm đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án đúng hạn đang mở ra những hy vọng về lực đẩy phát triển cho khu vực xung quanh từ kết nối giao thông thuận lợi. Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô cũng tạo tiền đề để mạng lưới liên kết Hà Nội với các tỉnh thành lân cận và liên kết vùng được chặt chẽ hơn, từ đó đem lại cơ hội tăng trưởng cho khu vực Đông Bắc./.