Aa

Bất động sản 24h: Cắt lỗ chung cư vùng ven

Chủ Nhật, 05/03/2023 - 10:00

Cắt lỗ chung cư vùng ven; Savills: Giá bán chung cư ở Hưng Yên đã đắt hơn khi chỉ thấp hơn Hà Nội 14%... là những tin tức bất động sản đáng chú ý trong 24h qua.

Cắt lỗ chung cư vùng ven

Nhiều nhà đầu tư đang phải bán cắt lỗ chung cư vùng ven để tất toán khoản vay do lãi suất tăng cao, tuy nhiên nhiều người có tiền mặt vẫn muốn chờ giá giảm thêm.

"Thực chất là do mình tham, tin vào lời hứa hẹn từ môi giới nên giờ phải gánh chịu hậu quả", đây là chia sẻ của chị Thúy Oanh (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) trong những ngày này khi rao bán cắt lỗ căn chung cư tại quận 9 cũ (nay thuộc TP. Thủ Đức).

Cuối năm 2020, chị Oanh có mua một căn hộ một phòng ngủ, diện tích 48m2 với gần 3 tỷ đồng. "Căn này được chủ đầu tư xếp vào hàng hoa hậu khi mở bán, vị trí đẹp nhất phân khu. Nếu chị mua vào thời điểm này, đến giai đoạn bàn giao nhà chắc chắn em sẽ bán được lời cho chị 10%. Còn nếu không lời, cũng có thể bán giá rẻ hơn thị trường và chắc chắn ra hàng được", đó là những gì môi giới bất động sản nói với chị Oanh.

Thực tế, đến tháng 6/2022, khi chủ đầu tư bàn giao nhà - thời điểm thị trường bất động sản bắt đầu có những biến động tiêu cực - người môi giới cho chị Oanh cũng theo đó mà biến mất.

Chị thừa nhận môi giới rất giỏi trong việc thuyết phục những người đang lấp loáng ý định đầu tư như chị. "Thời điểm đó, tôi cọc 15% giá trị nhà và có đóng thêm 60 triệu đồng tiền phí bảo trì. Đến nay, khi hết thời gian ân hạn lãi và gốc, tôi bắt đầu đóng lãi khoản vay 85% giá trị căn nhà, tức 22 triệu đồng mỗi tháng, chiếm gần 70% thu nhập".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Savills: Giá bán chung cư ở Hưng Yên đã đắt hơn khi chỉ thấp hơn Hà Nội 14%

Theo Savills, giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ ở Hung Yên đạt 41 triệu đồng/m2, thấp hơn 14% so với Hà Nội nhưng cao hơn 110% so với Bắc Ninh.

Năm 2022, nguồn cung căn hộ tại tỉnh đạt 18.600 căn hộ từ 30 dự án. (Ảnh: Nhịp sống thị trường)

Theo đánh giá của Savills, sự phát triển công nghiệp đã gia tăng nhu cầu nhà ở từ các chuyên gia, công nhân và các nhà đầu tư. Hưng Yên sẽ đáp ứng 50% nhu cầu nhà cho công nhân khu công nghiệp đến năm 2025, tương đương với 17.000 nhà ở xã hội. Theo Chương trình phát triển nhà của Hưng Yên, thị trường sẽ cần 7.000 căn hộ từ nay đến 2025. Từ 2023 trở đi, các dự án tương lại sẽ mở bán khoảng 95.300 căn hộ.

Năm 2022, nguồn cung căn hộ tại tỉnh đạt 18.600 căn hộ từ 30 dự án. Trong đó, Huyện Văn Giang chiếm tỷ trọng lớn nhất với 88%. Xét về tăng trưởng, nguồn cung căn hộ tăng 15% theo năm, cao hơn 14 điểm % so với Bắc Ninh và 11 điểm % so với Hà Nội. Giá bán sơ cấp trung bình của căn hộ đạt 41 triệu đồng/m2, thấp hơn 14% so với Hà Nội nhưng cao hơn 110% so với Bắc Ninh.

Đối với phân khúc biệt thự liền kề, nguồn cung đến từ 23 dự án, chủ yếu tại huyện Văn Giang. Nhà liền kề chiếm tỷ trọng lớn nhất với 43%. Trong năm 2022, nguồn cung biệt thự liền kề tại Hưng Yên tăng 40% theo năm, cao hơn 31 điểm % so với tốc độ tăng trưởng của Bắc Ninh và 37 điểm % cao hơn của Hà Nội. Giá sơ cấp trung bình của biệt thự liền kề đạt 149 triệu đồng/m 2 đất do sự hiện diện của các dự án đại đô thị mới, thấp hơn 17% so với giá nhà tại Hà Nội và 77% cao hơn giá tại Bắc Ninh.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Gói 120 nghìn tỷ làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân triển khai như thế nào?

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều 3/3/2023, thông tin về việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho thị trường bất động sản, tập trung vào việc xây nhà ở công nhân, nhà ở xã hội, Phó Thống đốc NHNN - ông Phạm Thanh Hà nhận định: "Khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan đến vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng".

Phó Thống đốc cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho NHNN ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất NHNN bố trí gói tín dụng ưu đãi liên quan 2 phân khúc nhà ở này. Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Nhà đầu tư thận trọng vì giá bất động sản vẫn đang "neo cao"

Như mọi năm, khi ra Tết các nhà đầu tư sẽ bắt đầu một năm đầu tư kinh doanh mới, cũng là thời điểm thị trường bất động sản sôi động, các môi giới làm việc hết công suất để tư vấn sản phẩm cho khách hàng.

Các nhà đầu tư đang có nguồn tiền mặt lớn vẫn rất dè chừng trong việc "xuống tiền" vào bất động sản. (Ảnh minh họa: Đình Sơn)

Còn năm nay, các nhà đầu tư đang có nguồn tiền mặt lớn vẫn rất dè chừng trong việc "xuống tiền" vào bất động sản. Có người tiếp tục chờ đợi nghe ngóng, quan sát thị trường, có người thì quyết định gửi tiền vào ngân hàng vì lãi suất vẫn đang cao.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam tháng 1/2023 của Viện Nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services (FERI), tỷ lệ khách hàng giữ tiền chờ thời điểm phù hợp để xuống tiền ước chiếm đến 88,7%.

Với phân khúc đất nền, mặc dù nhiều chủ đất đã sẵn sàng giảm mạnh giá bán từ 20 - 30%, tư vấn nhiệt tình cho khách hỏi mua, thế nhưng để chốt được giao dịch vẫn hoàn toàn khó khăn.

Chị Thu Nga (33 tuổi, ở thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội), môi giới đất nền tại khu vực huyện Mê Linh chia sẻ rằng: "Mọi năm trước đây, thời điểm cuối năm và đầu năm là lúc thị trường nhộn nhịp nhất, khách hỏi mua, chủ bán đất trao đổi thường xuyên và giao dịch chốt cũng rất nhanh chóng".

Xem thông tin chi tiết tại đây

Bất động sản năm 2023: Doanh nghiệp phải tự tái cơ cấu, "cứu" chính mính

Quý I/2023, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Trong báo cáo của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ rõ: "Trong khoảng hai năm qua, có hàng ngàn dự án đang được các doanh nghiệp triển khai, đầu tư trên cả nước phải dừng lại để xem xét sự phù hợp về pháp lý với tổng giá trị ước đạt khoảng 30 tỷ USD. Sự việc này đã làm giảm nguồn cung và nghiêm trọng hơn là dẫn đến tình hình đóng băng tạm thời của thị trường".

Tình trạng khan hiếm nguồn cung, khó khăn về dòng tiền càng làm giảm sức mua của người tiêu dùng, thanh khoản yếu, doanh nghiệp khó thu hồi dòng tiền… làm "tắc mạch" thị trường.

Bên cạnh đó là dòng vốn cho thị trường bất động sản vẫn đang được kiểm soát, chính sách đối với thị trường tài chính cũng chưa ổn định.

Phát biểu tại Hội nghị "Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững" vừa qua, thông điệp của Thủ tướng đã rõ: Các doanh nghiệp bất động sản phải tái cơ cấu, phải điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của người mua để có giao dịch trở lại, có thanh khoản và có dòng tiền lúc cấp bách.

Xem thông tin chi tiết tại đây

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top