Gần 20 năm Đồng Nai chờ đợi vẫn chưa chốt được phương án
Cầu Cát Lái được quy hoạch xây dựng bắc qua sông Đồng Nai nối quận 2 (nay là TP Thủ Đức), TP.HCM với huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Cầu Cát Lái không chỉ được đánh giá có vai trò quan trọng đối với Đồng Nai khi đây là “cú hích” cần có để phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.
Trong quy hoạch mạng lưới giao thông kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cầu Cát Lái cũng đóng vai trò trong việc hình thành tuyến kết nối thứ 2 từ sân bay này với đô thị lớn nhất cả nước là TP.HCM thông qua tuyến đường tỉnh 25C.
Với vai trò đó của cầu Cát Lái, từ năm 2003, Đồng Nai đã có chủ trương xây dựng cầu Cát Lái với “sứ mệnh” kết nối đô thị mới Nhơn Trạch với TP.HCM. Hơn 15 năm sau, chủ trương này vẫn mãi chỉ là “chủ trương”. Đến tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã giao UBND tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện dự án cầu Cát Lái thay thế phà Cát Lái trên cơ sở đề xuất của tỉnh Đồng Nai.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng cầu Cát Lái, UBND tỉnh Đồng Nai đã tiến hành công tác khảo sát, lập các phương án để thống nhất với TP.HCM về hình thức đầu tư và phương án triển khai thực hiện các hạng mục công trình.
Sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì thực hiện, Đồng Nai đã “gút” 3 phương án xây dựng cầu Cát Lái để gửi các cơ quan chức năng TP.HCM xem xét, thống nhất thực hiện.
Trên cơ sở đó, Đồng Nai đã đưa ra mục tiêu sẽ khởi công xây dựng cây cầu này trong năm 2020. Thế nhưng, từ đó đến nay, trải qua rất nhiều cuộc họp giữa các cơ quan chức năng của 2 địa phương, một phương án hoàn chỉnh để hiện thực hóa “ước mơ” xây dựng cầu Cát Lái vẫn còn dở dang. Cũng vì vậy, mục tiêu về thời điểm khởi công xây dựng cầu Cát Lái lại thêm một lần trễ hẹn.
Sau gần 20 năm có chủ trương, đến thời điểm hiện tại, câu hỏi “Bao giờ có cầu Cát Lái” vẫn chưa có đáp án cụ thể. Đã có khá nhiều lần, thời gian dự kiến xây dựng cây cầu này được các cơ quan chức năng đưa ra, thế nhưng cho đến nay, những dự kiến đó chưa trở thành sự thực.
Coi chừng bẫy “lùa gà” từ các văn bản môi giới tung ra
Theo đánh giá của giới bất động sản, nếu cầu Cát Lái được triển khai thi công thì Đồng Nai là địa phương được hưởng lợi nhiều hơn, trong đó có lợi ích rất lớn của các đại gia sở hữu quỹ đất ở Nhơn Trạch, Long Thành…
Sự ngăn cách chỉ là 1 cây cầu nhưng khoảng cách giá đất quận 2 và Nhơn Trạch khá lớn. Do đó, thông tin cầu Cát Lái sắp triển khai luôn là “mồi nhử” và là chiêu “tạo sốt đất” mà môi giới và doanh nghiệp bất động sản ở Đồng Nai sử dụng trong hàng chục năm qua.
Và để hâm nóng thông tin này, cứ khoảng 2 - 3 tháng môi giới lại tung ra một văn bản với nội dung Đồng Nai mời TP.HCM họp để nghiên cứu phương án triển khai cầu Cát Lái. Hàng chục văn bản kiểu như vậy đã được tung ra trong nhiều năm qua, nhưng những nhà đầu tư nhẹ dạ, thiếu kinh nghiệm vẫn tưởng thật, rằng cầu sắp xây, và sẵn sàng xuống tiền mua.
Chính vì tác động lớn của những văn bản liên quan đến cầu Cát Lái, dù chỉ là mời họp, nên các chuyên gia cảnh báo, người mua nhà đất cần hết sức thận trọng với thông tin dạng này. Không loại trừ khả năng các văn bản bị làm giả để tạo sốt đất, thậm chí các doanh nghiệp địa ốc trực tiếp hưởng lợi từ thông tin này có thể tác động đằng sau, để ra văn bản có lợi cho việc bán hàng của họ.
Điều dễ nhận thấy trong 2 địa phương Đồng Nai và TP.HCM thì phía Đồng Nai “sốt ruột” hơn trong việc xây cầu Cát Lái. Trong khi về phía TP.HCM, có hàng chục dự án hạ tầng quan trọng bị thiếu vốn nhiều năm qua. Điển hình là tuyến Metro số 1, hầm chui Nguyễn Văn Linh, cầu Nguyễn Khoái, cầu Cần Giờ… Xét về mức độ ưu tiên, cầu Cát Lái sẽ không quan trọng bằng những dự án hạ tầng đang mỗi ngày tác động trực tiếp dến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân TP.HCM.
Lấy một ví dụ so sánh, nếu xây cầu Cần Giờ thì dòng tiền đầu tư vào Cần Giờ sẽ tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, xây cầu Cát Lái thì dòng tiền đầu tư sẽ có xu hướng chảy sang Nhơn Trạch và các địa phương thuộc Đồng Nai. Trên góc độ lợi ích của từng địa phương thì cầu Cần Giờ dễ được ưu tiên đầu tư hơn cầu Cát Lái. Và chừng nào TP.HCM chưa đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất thì nỗ lực của Đồng Nai để xây cầu Cát Lái cũng trở nên vô nghĩa.
Để tránh mắc bẫy “lùa gà” bởi những thông tin sắp xây cầu và các văn bản mời họp không rõ nguồn gốc, nội dung “vô thưởng vô phạt”, giới chuyên gia khuyến cáo người dân cần tìm hiểu biên bản nội dung cuộc họp có thông tin gì mới hay không. Để triển khai xây dựng cầu thì phải có đất sạch, phía TP.HCM phải triển khai đền bù giải tỏa xong, việc chọn chủ đầu tư hoàn tất, khi đó mới có thể nói là sắp xây cầu. Còn thông tin mời họp như hàng chục năm qua chỉ là kịch bản tạo sốt đất đã quá cũ.