Aa

CBBank, GPBank và OceanBank lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng

Thứ Ba, 20/10/2020 - 16:52

CBBank, GPBank và OceanBank bị mua lại bắt buộc từ năm 2015 nhưng đến cuối năm 2019 vẫn ghi nhận khoản lỗ lũy kế hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tình trạng của các ngân hàng bị mua lại bắt buộc vừa được hé lộ qua báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) gửi đến Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, báo cáo của KTNN cho biết, chưa có phương án cơ cấu khả thi được phê duyệt đối với ba ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước mua bắt buộc, trong khi tình hình tài chính của các ngân hàng này ngày càng khó khăn, lỗ lũy kế tiếp tục tăng.

Từ tháng 3/2015, Ngân hàng Nhà nước lần lượt ra quyết định mua lại bắt buộc giá 0 đồng đối với Ngân hàng Xây Dựng (VNCB, nay đổi thành CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).

Trong hơn 5 năm, hoạt động của các nhà băng trên bước đầu dần ổn định. Nợ xấu, tài sản không sinh lời được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, quản trị điều hành được củng cố lại. Tuy nhiên, những kết quả này gần như chỉ giữ hiện trạng các ngân hàng không xấu đi quá nhanh, trong khi khoản lỗ lũy kế vẫn ghi nhận con số cao đột biến và liên tục tăng.

Cụ thể, KTNN cho biết đến cuối năm 2018, lỗ lũy kế của Ngân hàng Đại Dương là 15.412 tỷ đồng, Ngân hàng Xây dựng Việt Nam là 29.755 tỷ đồng và Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu là 13.380 tỷ đồng.

Sang năm 2019, do các nhà băng trên tiếp tục thua lỗ, lỗ lũy kế lần lượt tăng lên 17.971 tỷ đồng, 31.681 tỷ đồng và 16.280 tỷ đồng.

Trong lần trả lời chất vấn Quốc hội năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng từng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chủ trương không dùng đến tiền ngân sách để cấp bổ sung vốn điều lệ cho các ngân hàng 0 đồng. Ông Hưng thời điểm đó giải thích, khi đề xuất, phương án Nhà nước cấp vốn để tăng vốn điều lệ được xem là tạo cơ hội lớn nhất và nhanh nhất giúp 3 ngân hàng này phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, phương án này cần sự hỗ trợ về nguồn lực tài chính khá lớn từ Nhà nước trong khi ngân sách còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên phương án bán cho nhà đầu tư mới hoặc sáp nhập/hợp nhất thông qua việc yêu cầu 3 ngân hàng này tìm kiếm đối tác có tài chính tốt, có kinh nghiệm quản trị, điều hành tham gia cơ cấu lại (mua lại hoặc sáp nhập, hợp nhất).

Ngoài vấn đề về các "ngân hàng 0 đồng", KTNN cũng chỉ ra, hoạt động mua bán nợ xấu theo giá thị trường của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam còn hạn chế.

Đến ngày 31/12/2019, tổng số nợ xấu mua bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt (hay mua nợ theo giá thị trường) là 3.599 tỷ đồng, chỉ chiếm 3,25% tổng số nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt là 110.694 tỷ đồng.

Ngoài ra, một số tổ chức tín dụng tăng trưởng vượt mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước, đơn cử như Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVcomBank) là 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BaoVietBank) 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank (Hàn Quốc) 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh TP.HCM 83 tỷ đồng và Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga 69 tỷ đồng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top