Aa

CEO Đại Phúc Land: “Tâm thế các doanh nghiệp năm nay là phải đứng lên trong mọi kịch bản“

Hà Thương (Thực hiện)
Hà Thương (Thực hiện) ngthuongreatimes@gmail.com
Thứ Tư, 23/02/2022 - 06:00

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land cho rằng năm 2022 là năm của cơ hội hồi phục, nếu bỏ lỡ nhịp hồi phục trong năm nay, các doanh nghiệp sẽ khó vực dậy để theo kịp quỹ đạo phát triển tiếp theo.

Giới phân tích đánh giá, năm 2022 sẽ là năm của sự hồi phục và tăng tốc ở hầu hết các doanh nghiệp bất động sản. Bởi dịch Covid-19 dù còn phức tạp nhưng khả năng tiêm phủ vắc-xin đã đạt trên 90%, các biện pháp giãn cách xã hội gần như không được thực hiện; nền kinh tế vĩ mô cũng dự báo sẽ hồi phục với mức tăng trưởng GDP lên đến 6,5%. 

Với những lực đỡ nói trên, môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ trở nên ổn định và thiết lập trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn. Nổi bật nhất là những thủ tục pháp lý rườm rà, chồng chéo, chưa bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường suốt nhiều năm nay.

Chia sẻ về vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc Land.

PV: Bước sang năm Covid-19 thứ 3, tình hình dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp. Theo bà, cái khó của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh hiện nay là gì? 

Bà Nguyễn Hương: Số lượng người nhiễm Covid-19 tại nhiều địa phương vẫn tăng cao từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của nó không còn quá nghiêm trọng như những ngày đầu. Tâm lý xã hội hiện nay đã thoải mái hơn với tư tưởng sống chung với dịch. Những doanh nghiệp bất động sản như chúng tôi cũng vậy. Tâm lý của doanh nghiệp khi bước sang năm Covid-19 thứ 3 đã khác hoàn toàn năm Covid-19 thứ nhất. Tôi tin rằng, nỗi lo lớn nhất của mọi doanh nghiệp bây giờ là lo “chết đói” hơn là chết vì dịch bệnh.

Hai năm phải trì hoãn nhiều hoạt động, nhiều công việc để chống dịch đã khiến hầu hết các doanh nghiệp bé cũng như doanh nghiệp lớn lao đao không ít lần. Hàng loạt doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính đã phải rút khỏi thị trường. Rất ít doanh nghiệp bất động sản báo lãi trong hai năm qua. 

bđs
Không phải thiếu vốn, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là khó được phê duyệt trong việc triển khai các dự án  (Ảnh minh hoạ)

Với những doanh nghiệp vẫn còn “sống sót”, ảnh hưởng dịch bệnh trong hai năm liên tiếp cũng khiến tiềm lực kinh tế của họ yếu đi rất nhiều. Bước sang năm thứ 3, dù tâm lý có lạc quan hơn, điều kiện hồi phục tốt hơn, song không thể phủ nhận khả năng kinh tế kém đi sẽ cản trở nhiều hoạt động, dự án của mọi doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới.

Bên cạnh những tổn thương về mặt kinh tế, nhân lực của nhiều doanh nghiệp cũng sụt giảm nghiêm trọng khi các hoạt động giãn cách xã hội kéo dài. Từ đầu năm 2022, một bộ phận lớn nhân sự vẫn chưa quay trở lại công việc, đặc biệt là các công nhân làm việc bên bộ phận xây dựng, thi công.

Cùng những khó khăn trong nội tại các doanh nghiệp là những yếu tố tác động từ bên ngoài. Đơn cử như khó khăn từ thủ tục pháp lý, bất cập trong cơ chế chính sách. Hiện nay, các quy định pháp luật liên quan đến vấn đề bất động sản đang có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các Bộ luật, Nghị định. Nhiều quy định không bắt kịp với xu thế phát triển của thị trường. Vấn đề cấp phép triển khai dự án thì rối như tơ vò, phải trải qua hàng chục bước. Đây là những yếu tố từ bên ngoài nhưng mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp bất động sản lại rất lớn. 

PV: Nhiều người cho rằng, không phải thiếu vốn, nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay là khó được phê duyệt trong việc triển khai các dự án. Bà nghĩ sao về điều này?

Bà Nguyễn Hương: Đúng vậy. Vốn là vấn đề rất quan trọng, không có vốn doanh nghiệp sẽ như thiếu Oxy. Nhưng nếu doanh nghiệp có vốn hay có đủ điều kiện để huy động vốn tạo một tiềm lực tài chính vững chắc, song lại không có dự án để thực hiện, chẳng khác nào là “vốn chết”.

Nhà nước luôn khuyến khích doanh nhân khởi nghiệp, doanh nghiệp tham gia thị trường, doanh nghiệp phát triển kinh tế nhưng không tạo những điều kiện cơ bản để họ phát triển thì những mục tiêu đó sẽ rất xa vời. 

bà Hương
Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng Giám đốc Đại Phúc land

Đối với doanh nghiệp bất động sản, để chúng tôi có thể tồn tại, ngoài vấn đề vốn tự bản thân phải lo, bắt buộc phải có dự án để triển khai và kinh doanh. Trong khi đó, vấn đề cấp phép triển khai dự án hiện nay quá rườm rà, bất cập. Để đi đến sở hữu quỹ đất cho đến việc triển khai dự án, doanh nghiệp phải trải qua hàng chục bước với những thủ tục pháp lý tốn kém và mất nhiều thời gian. Chính vì vậy mà hiện nay thị trường bất động sản đang gặp phải một thực trạng, nguồn cung dự án ngày càng khan hiếm, dẫn đến chênh lệch cung cầu quá lớn khiến giá nhà tăng cao. Chưa kể, khi dự án bị ách tắc, nguồn lực đất đai sẽ không được khơi thông, gây nên lãng phí và thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Có thể nói, những khó khăn chung của pháp lý nêu trên đã kéo dài suốt nhiều năm nay. Thông qua các cuộc họp, các buổi hội thảo, toạ đàm, vấn đề đã được nêu ra, Quốc hội, Chính phủ đều đã nhìn thấy, nhưng những bất cập vẫn còn đó và chưa được giải quyết một cách triệt để. Vì vậy, điều quan trọng hiện nay là cần phải sửa đổi một cách mạnh mẽ, toàn diện những bất cập trong các quy định pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản. 

PV: Nhà nước luôn khuyến khích phát triển thị trường bất động sản theo hình thức tổ chức các cuộc đấu giá, đấu thầu cho các doanh nghiệp tham gia. Song thông tin các cuộc đấu giá đã thực sự được công khai rộng rãi, đến với đầy đủ các đối tượng tham gia hay chưa, hay chỉ dừng lại ở một bộ phận doanh nghiệp nhỏ?

Ví dụ như doanh nghiệp của mình có phải lúc nào cũng tiếp cận được thông tin này một cách nhanh và đầy đủ nhất không, thưa bà?

Bà Nguyễn Hương: Quỹ đất ngày càng ít, trong khi các doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản ngày càng nhiều, việc tổ chức công tác đấu giá đất để triển khai dự án là giải pháp hợp lý nhằm tạo tính cạnh tranh công bằng trên thị trường và giúp đem lại tối đa lợi ích cho ngân sách Nhà nước. 

Tuy nhiên, đúng là hiện nay thông tin các buổi đấu giá, dự án đấu giá chưa được công khai một cách rộng rãi. Là một doanh nghiệp tại TP.HCM, chúng tôi còn chưa thực sự biết hết các buổi đấu giá trong thành phố, chưa kể là các tỉnh thành khác.

Không thể phủ nhận một phần trong việc kém tiếp cận thông tin đấu giá là do doanh nghiệp chúng tôi chưa chủ động. Song, không chỉ bản thân tôi mà nhiều doanh nghiệp cho rằng, đã là đấu giá một cách công khai, minh bạch thì các thông tin trước, trong và sau thềm đấu giá cũng cần được truyền thông đến cộng đồng doanh nghiệp bất động sản một cách rộng rãi. Đó không đơn thuần chỉ là thông tin mà còn là kinh nghiệm, bài học cho các doanh nghiệp khác muốn tham gia. Hơn hết, nó sẽ tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, chia đều cơ hội tham gia phát triển dự án của các doanh nghiệp.

PV: Trong thời gian tới, là đại diện của một doanh nghiệp, bà có mong muốn gì trong cơ chế chính sách phê duyệt dự án cũng như tiếp cận thông tin đấu giá, đấu thầu?

Bà Nguyễn Hương: Trong năm 2022, Quốc hội và Chính phủ sẽ thông qua sửa đổi một số luật như Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản 2014… Doanh nghiệp chúng tôi mong muốn rằng, việc sửa luật lần này sẽ có sự thay đổi quyết liệt và hiệu quả, không để xảy ra trường hợp sửa xong vẫn còn nhiều “nút thắt”. Đặc biệt là vấn đề cấp phép triển khai dự án, cần rút gọn thủ tục pháp lý, giải quyết vấn đề “đất ở” được quy định trong các văn bản luật trước đó cho các doanh nghiệp.

BĐS
Các cuộc đấu giá, đấu thầu cần được công khai một cách minh bạch, rõ ràng, thông tin đầy đủ đến với mọi doanh nghiêp (Ảnh minh hoạ)

Về việc tổ chức các cuộc đấu giá, doanh nghiệp chúng tôi mong muốn được tiếp cận đầy đủ mọi thông tin một cách công bằng và công khai. Tôi nghĩ rằng, việc công bố thông tin rộng rãi là không khó, cái khó là cơ quan chính quyền cần đặt các doanh nghiệp từ lớn đến bé trên cùng một điểm xuất phát, nhằm tạo tính cạnh tranh công bằng. Ngoài ra, ngay từ vòng lựa chọn các doanh nghiệp được tham gia đấu giá, cũng cần có sự chọn lọc kỹ càng, tránh trường hợp các doanh nghiệp không có năng lực tài chính giành được kết quả rồi lại bỏ cọc.

Bản chất vấn đề cấp phép dự án hay công khai minh bạch thông tin đấu giá, đấu thầu là hai vấn đề đã được phản ánh rất nhiều và Quốc hội, Chính phủ cũng đã nhìn thấy. Điều bây giờ là cần lắng nghe, tiếp thu và sửa đổi các chính sách pháp luật một cách dứt điểm, toàn diện để giải quyết những vấn đề này.

PV: Trong năm 2022, doanh nghiệp của mình sẽ có những thay đổi như thế nào để thích ứng với những tình hình mới?

Bà Nguyễn Hương: Tâm thế của các doanh nghiệp hiện nay là phải đứng lên trong mọi kịch bản. Năm nay, các doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu rất lớn, phải tăng tốc hơn nữa để đạt được thành tích về kinh doanh, lợi nhuận bù lỗ cho hai năm vừa qua.

Riêng bản thân doanh nghiệp tôi, chúng tôi đã có những kịch bản cho mọi diễn biến của dịch bệnh cũng như nền kinh tế vĩ mô. Để trong trường hợp có những vấn đề bất ngờ ập đến, doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đối phó một cách chủ động.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẵn sàng thay đổi một số thứ cần phải thay đổi, chủ động đổi mới, sáng tạo, áp dụng các công nghệ vào hoạt động quản lý, kinh doanh và không ngừng tìm kiếm dự án để tạo ra nguồn sống cho công ty cũng như nguồn cung cho thị trường.

Năm 2022 là năm của cơ hội hồi phục, nếu bỏ lỡ nhịp hồi phục trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản sẽ rất khó vực dậy và phát triển trong những quỹ đạo tiếp theo./.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top