Aa

CEO P&N Holdings: "Năm 2017 chưa phù hợp để đánh thuế căn nhà thứ 2 ở Việt Nam"

Thứ Hai, 02/01/2017 - 06:01

Đó là nhận định của ông Ismail Gafoor, CEO P&N Holdings, Tập đoàn mẹ của PropNex – Công ty BĐS lớn nhất Singapore về việc sử dụng công cụ thuế để điều chỉnh thị trường BĐS Việt Nam.

 Theo đó, ông Ismail Gafoor chia sẻ: “Chính phủ Singapore không muốn người dân mua nhiều BĐS, hoặc mua rồi bán nhanh. Như vậy sẽ tạo ra bong bóng thị trường”.

Ông Ismail cho biết, tại Singapore, khoảng 5 năm trước, thị trường BĐS phát triển mang tính chất khá hoang sơ, trong đó rất nhiều người Singapore và người nước ngoài đầu tư vào thị trường địa ốc. Ở thời điểm đó, một người không chỉ sở hữu 1 – 2 BĐS mà có thể mua đến 6 - 7 BĐS dẫn đến giá nhà đất tăng lên chóng mặt.  Ngoài ra, quỹ đầu tư quốc tế đầu tư vào Singapore cũng khiến giá tăng cao. Vì thế, Chính phủ lo ngại thị trường sẽ hình thành bong bóng giá, người dân không thể sở hữu được BĐS dù là căn nhà đầu tiên.

Trong bối cảnh đó, Chính phủ Singapore đã cho áp dụng những chính sách để hạ nhiệt thị trường BĐS, trong đó có chủ trương đánh thuế BĐS thứ 2 trở đi đối với người mua nhà. Cụ thể, người Singapore mua BĐS thứ nhất sẽ được hưởng thuế suất 0%. Nếu mua thêm BĐS thứ hai, người mua sẽ phải chịu thêm 7% thuế bổ sung, từ BĐS thứ 3 trở đi, thuế suất bổ sung là 10%. Nếu người mua là người có hộ khẩu thường trú, thuế suất của BĐS thứ nhất là 5%, BĐS thứ hai trở đi là 10%. Nếu người mua là tổ chức nước ngoài, thuế suất sẽ là 15% cho mọi BĐS.

ông Ismail cho rằng, việc đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên chưa phù hợp để triển khai ở Việt Nam trong năm 2017, vì  thị trường BĐS chưa có dấu hiệu phát triển quá nóng.

Ông Ismail cho rằng, việc đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên chưa phù hợp để triển khai ở Việt Nam trong năm 2017, vì thị trường BĐS chưa có dấu hiệu phát triển quá nóng. Ảnh: Nhật Bình.

Đối với người bán nhà, theo ông Ismail, khi bán 1 BĐS cũng có thuế đánh vào đó. Nếu người mua BĐS và bán BĐS đó ngay trong năm đầu tiên thì phải trả thuế là 16% giá trị BĐS, năm thứ hai là 12%, năm thứ ba là 8% và năm thứ tư là 4%. Sau 4 năm người bán sẽ không phải đóng thuế. Chính sách của Singapore là như vậy. Do đó, không mua và không bán trong phạm vi 4 năm. Singapore không muốn có sự phỏng đoán về giá BĐS để tránh tình trạng người giàu có thể mua 6 – 7 BĐS, người nghèo lại chỉ mua được nhiều nhất 1 BĐS. Chính phủ Singapore đã điều tiết thị trường BĐS rất khắt khe.

Cũng theo ông Ismail, mọi cá nhân khi vay mua tài sản, ngân hàng không được phép cho vay quá nhiều. Ví dụ: Khi vay mua căn nhà đầu tiên, ngân hàng sẽ cho vay 80%, căn thứ 2 sẽ là 60%, căn thứ 3 là 40%. Càng mua nhiều BĐS, mức cho vay càng thấp đi.

“Chính sách đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi giúp bình ổn thị trường, kìm hãm sự tăng giá BĐS nhưng đã có những ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư và nhà môi giới. Họ sẽ khó khăn hơn trong việc bán hàng, giảm hiệu quả kinh doanh và thu nhập. Đây là một sự đánh đổi phải chấp nhận”, ông Ismail cho biết.

Theo vị này, mục tiêu của chính sách thuế đối với BĐS thứ 2 trở đi tại Singapore là nhằm giúp thị trường BĐS phát triển bền vững. Trong khi đó, để đạt được mục tiêu này, cần cân bằng hai yếu tố là tỷ lệ lạm phát và sức mua. Người dân có thể chấp nhận giá nhà đất tăng 4%, 6%, 8%, nhưng không thể chấp nhận mức tăng lên tới 15%, 20%, 30% hay 100% chỉ trong một vài năm, trong khi tiền lương không tăng lên tương ứng.

Những chính sách nói trên sau khi áp dụng đã có nhiều tác động lớn đến thị trường BĐS Singapore. Lượng giao dịch BĐS sụt giảm mạnh, khoảng 40%. Giá BĐS cũng theo đó giảm xuống. Trong đó, phân khúc cao cấp có giảm nhiều nhất do sức mua của đối tượng người nước ngoài (phải trả phí 15%) giảm 35 – 40%. Riêng giá BĐS bình dân không giảm nhiều mà duy trì ổn định. Điều này giúp cho những người có thu nhập trung bình và thấp trước đây không thể thì nay đã có thể sở hữu căn nhà của riêng mình.

Liên hệ đến Việt Nam, ông Ismail cho rằng, Việt Nam cũng có thể áp dụng chính sách đánh thuế đối với BĐS thứ 2 trở đi, tuy nhiên cần lưu ý về sự khác biệt giữa hai thị trường để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Cụ thể, chính sách thuế này chỉ áp dụng khi thị trường phát triển quá nóng, giá tăng cao, nguy cơ xảy ra bong bóng BĐS. Vì vậy, đây là công cụ giúp điều hòa, làm mát thị trường, không phải chính sách cố định lâu dài. Nếu thị trường BĐS Việt Nam đang phát triển ổn định thì chính sách này là không cần thiết. Điều quan trọng ở đây là các nhân viên kinh doanh, các nhà đầu tư phải được đào tạo một cách bài bản, làm sao để thực hiện tốt các giao dịch và góp phần đưa thị trường phát triển một cách lành mạnh, đúng hướng.

Ngoài ra, so với Việt Nam, thị trường BĐS Singapore có mức độ minh bạch về thông tin cao hơn. Do đó, nếu Chính phủ Việt Nam muốn thực hiện đánh thuế từ BĐS thứ 2 cần xét đến tính hợp lý trên nhiều khía cạnh và lưu ý đến những mục tiêu vĩ mô. Khi áp dụng chính sách này vào thời điểm không hợp lý có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển của thị trường.

Theo đó, ông Ismail cho rằng, việc đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở lên chưa phù hợp để triển khai ở Việt Nam trong năm 2017, vì  thị trường BĐS chưa có dấu hiệu phát triển quá nóng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn cần theo dõi sát sao mọi diễn biến trên thị trường để kịp thời đưa ra những chính sách phù hợp, bởi thị trường BĐS luôn tiềm ẩn những yếu tố bất ngờ có thể xảy ra. Khi cần thiết, chính sách thuế này cũng sẽ là công cụ đắc lực giúp Chính phủ Việt Nam bình ổn, tránh được những đổ vỡ không đáng có của thị trường. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top