Aa

CEO WiGroup Trần Ngọc Báu: Việc NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm là khó xảy ra tuy nhiên cũng không có sự thắt chặt

Thứ Tư, 11/10/2023 - 06:10

Theo ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup, trong năm tới, tỷ giá và lạm phát sẽ là các yếu tố khiến NHNN khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023.

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề Data Talk: “Tâm điểm vĩ mô & thị trường chứng khoán quý IV/2023", ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup đã có những chia sẻ liên quan đến bức tranh vĩ mô của Việt Nam và góc nhìn về chính sách tiền tệ trong quý IV/2023.

Theo ông Trần Ngọc Báu, nhìn lại năm 2022 có thể thấy đây là một năm khá thành công đối với kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng lĩnh vực xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất đều ghi nhận những con số ấn tượng. Sang tới năm 2023, Việt Nam có mục tiêu tăng trưởng kinh tế khá khả quan ở mức 6,5%.

Tuy nhiên đến hết quý I/2023, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức. Đặc biệt sau giai đoạn khó khăn bùng nổ năm 2022, xuất khẩu năm nay sụt giảm mạnh, tiêu cực hơn cả giai đoạn Covid-19.

Có thể nói trong vòng hơn chục năm trở lại đây, ngành xuất khẩu chưa bao giờ bị ảnh hưởng nặng nề như vậy. Khu vực xuất khẩu suy giảm mạnh, cùng với đó là những biến cố của ngành bất động sản và trái phiếu, tiêu dùng trong nước bị ảnh hưởng nặng nề. Tổng tiêu dùng trong nền kinh tế phát triển chậm, kéo theo khu vực sản xuất tăng trưởng chậm và từ đó, tăng trưởng kinh tế thấp hơn so với mục tiêu được đặt ra từ đầu năm”, ông Báu nhận định. 

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến. 

Như vậy, ông Trần Ngọc Báu cho rằng, với mức tăng trưởng rất thấp so với mục tiêu đề ra đã bắt buộc Việt Nam phải có những chính sách phải thay đổi để kích thích nền kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát tương đối thấp đã giúp Việt Nam tạo không gian duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng. Ngoài ra, tỷ giá 6 tháng đầu năm tương đối ổn định. 

“Có thể thấy, gần như tất cả các yếu tố đang hỗ trợ cho một chính sách tiền tệ nới lỏng. Với yêu cầu từ phía Chính phủ, NHNN đã có những biện pháp đi trước để ổn định nền kinh tế. Trong khi các nước vẫn tăng lãi suất, Việt Nam là 1 trong 3 nước đầu tiên trên thế giới đẩy mạnh giảm lãi suất”, ông Báu thông tin. 

Thực tế, nhìn lại đầu năm 2023, khi kinh tế bắt đầu có sự suy yếu, lãi suất huy động và lãi suất thị trường đều giảm, đặc biệt khi lãi suất liên ngân hàng đi gần về 0% ở kỳ hạn qua đêm. Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng thấp kéo theo hai hệ lụy: Giá tài sản tài chính tăng tương đối mạnh vì kỳ vọng về giai đoạn siêu nới lỏng như giữa năm 2020 là rất lớn; Mức chênh lệch lãi suất của Việt Nam và thế giới quá lớn, nguy cơ làm dịch chuyển dòng vốn.

Trong 9 tháng đầu năm chúng ta gồng để đợi dòng tiền kịp thẩm thấu vào nền kinh tế. Mặc dù rất cố gng nhưng tăng trưởng cung tiền và tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế năm 2023 vẫn thấp hơn năm 2022 và thấp nhất trong giai đoạn hơn 10 năm qua”, đại diện WiGroup nhận định. Theo chuyên gia, đây là dấu hiệu cho thấy Việt Nam chỉ nới lỏng vể chính sách chứ thực chất nguồn vốn chưa được đưa vào nền kinh tế, chưa thực sự thẩm thấu, từ đó dẫn tới việc nền kinh tế phục hồi tương đối chậm. 

Khi nền kinh tế suy yếu, SBV quyết liệt duy trì chính sách nới lỏng tuy nhiên kinh tế chưa kịp phục hồi và tỷ giá bắt đầu rơi vào trạng thái căng thẳng. Nguyên nhân cốt yếu được ông Báu đưa ra là do chênh lệch về lãi suất. Tuy nhiên, dòng vốn dịch chuyển ra khỏi Việt Nam tương đối mạnh nhưng nhờ lợi thế thặng dư thương mại mạnh nên cân bằng được cán cân tổng thể. Bên cạnh đó, áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau sẽ lớn hơn giai đoạn 2023 rất nhiều bởi bối cảnh thị trường thực tế đã có sự thay đổi. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tỷ giá mất giá nhanh, hàng loạt doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng đều chịu ảnh hưởng nặng nề về mặt tâm lý. 

Đưa ra những dự báo cho quý IV/2023, ông Báu cho rằng có 3 biến số lớn tác động lớn hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Thứ nhất về tỷ giá, lạm phát của Mỹ bắt đầu quay trở lại, tiệm cận 4%, cùng với sức khỏe nền kinh tế Mỹ thì nhiều khả năng Fed tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, giữ nền lãi suất ở mức cao. Đến giữa tháng 6/2024, nhiều khả năng mới đảo chiều. Như vậy chênh lệch lãi suất của Việt Nam và Mỹ vẫn tương đối lớn, tạo áp lực của tỷ giá vào cuối năm nay và năm sau.

Thứ hai, lạm phát sẽ tiếp tục là vấn đề cần được quan tâm đầu năm 2024. Lạm phát trong 3 tháng vừa qua tăng trưởng rất nhanh và 9 tháng tăng 3,66% so với cùng kỳ. Theo ước tính của CEO WiGroup, chỉ số giá tiêu dùng CPI có thể lên tới mốc 115 trong trạng thái giá dầu được giữ ở mức hiện tại. Với quán tính lạm phát tăng như tốc độ hiện tại, lạm phát cuối năm nay dự báo ở mức 3,46%, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ. Nhưng tới tháng 1, tháng 2/2024, lạm phát của Việt Nam có thể tăng vọt lên 4,6%, 4,7% vượt xa con số trung bình các năm trước. 

Như vậy, theo ông Báu, tỷ giá và lạm phát sẽ là các yếu tố khiến NHNN khó có thể duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng như năm 2023. Do đó, trong năm 2024, có thể thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ không được tốt như năm 2023. 

Cuối cùng, tại Việt Nam các doanh nghiệp phụ thuộc khá nhiều vào dòng vốn tín dụng nhất là trong khi các thị trường khác đều đang gặp khó. Và muốn phục hồi sản xuất bắt buộc tín dụng phải tăng trưởng trở lại. 

Đưa ra những điểm cần chú ý đối với nhà đầu tư, ông Báu cho rằng, muốn nhìn trước được sự phục hồi của nền kinh tế, nhà đầu tư cần quan sát câu chuyện tăng trưởng huy động và tăng trưởng tín dụng vào giai đoạn cuối năm nay 2023, đầu năm 2024.

“Đây là sợi kim chỉ nam cho chúng ta nhìn thấy sự phục hồi sớm của lĩnh vực sản xuất và thị trường bất động sản”, ông Trần Ngọc Báu lưu ý. 

 NHNN luôn phải giữ được sự cân bằng, trung lập trong ổn định lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. (Ảnh minh họa: Tạp chí Tài chính) 

Với những biến số bất định, trong năm 2024, theo ông Trần Ngọc Báu, câu chuyện NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ thêm là khó xảy ra tuy nhiên cũng không có sự thắt chặt trong thời gian tới. Thực tế, NHNN luôn phải giữ được sự cân bằng, trung lập trong ổn định lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng. Cụ thể, Việt Nam vẫn duy trì chính sách lãi suất huy động, lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng đủ tốt nhằm hỗ trợ kinh tế. Nhưng ở thị trường 2 vẫn phải nhấc nền lãi suất liên ngân hàng lên khoảng 2 - 4% để hệ thống ngân hàng hoạt động ổn định và tỷ giá không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi chính sách nới lỏng.

Về cơ bản, nền kinh tế năm 2024 có thể sẽ ghi nhận mức tăng trưởng chậm vì Việt Nam là một quốc gia phục thuộc nhiều vào xuất khẩu. Dự báo triển vọng kinh tế các đối tác thương mại chính như EU, Mỹ vẫn tiêu cực. Vì vậy chưa thể kỳ vọng sự bứt phá mạnh đến từ khu vực tiêu dùng nước ngoài. Trong khi đó, tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào thị trường bất động sản, đặc biệt ngành này vẫn đang chờ sự hoàn thiện về pháp lý và đến cuối năm 2024, ngành bất động sản mới có sự phục hồi rõ nét. 

Do đó, CEO WiGroup đánh giá, tổng thể nền kinh tế năm 2024 chưa thể kỳ vọng có sự bứt tốc mạnh mẽ và Chính phủ vẫn phải giữ chính sách tiền tệ ở trạng thái cân bằng./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top