Aa

Chậm di dời nhà máy ra khỏi nội đô: Luật "đá" luật và thiếu cái "bắt tay"

Thứ Tư, 13/11/2019 - 06:06

Hà Nội đã có đồng bộ từ cơ chế chính sách đến hệ thống khung để thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi nội đô nhưng đến nay quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại.

Sau khi Hà Nội mở rộng, thành phố có một tiềm năng về quỹ đất đòi hỏi phải thay đổi lại để đảm bảo yêu cầu phát triển và hướng tới đô thị thông minh. Để thực hiện được, thành phố cần có một số động thái cụ thể: Di dời các cơ sở công nghiệp, khu công nghiệp ra khỏi nội đô; di dời trụ sở một số bộ ngành ra khỏi vị trí phù hợp quy hoạch; và di dời các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng ra các đô thị vệ tinh.

Việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, về định hướng và kế hoạch đã có sự quan tâm của Chính phủ, nhưng sự phối hợp giữa chủ quản đầu tư (các bộ, ngành), giữa chủ đầu tư (chủ sở hữu các khu công nghiệp) và thành phố còn chưa chặt chẽ.

Luật "đá" luật

Đối với các cơ sở nhà máy, khu công nghiệp: Từ năm 1998, Hà Nội đã có quyết định di dời, đã hình thành lên 6 khu công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để các cơ sở công nghiệp nhỏ, lẻ di dời đến và đã thành công.

Tuy nhiên, thành phố vẫn còn 7 khu công nghiệp lớn, trong đó có 4 khu nằm trong nội đô với tổng diện tích 260ha (Thượng Đình, Minh Khai, Giáp Bát, Văn Điển). Cả 4 khu công nghiệp trên đều rất cần di dời, nhưng việc triển khai đến nay còn rất chậm.

Theo quy hoạch chung của Thành phố, để thực hiện di dời chúng ta đã triển khai 11 khu công nghiệp mới để đảm bảo, như KCN Bắc Thăng Long, Sài Đồng, Quang Minh, Hòa Lạc… nhưng việc triển khai các khu công nghiệp mới trên tính đến nay vẫn đang vấp phải một số khó khăn.

Thứ nhất, khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng. Khi thực hiện di dời, không phải chỉ chủ đầu tư là người có trách nhiệm, mà xen cài tại các khu công nghiệp còn có các hộ dân sinh sống ở đó. Vậy, giải pháp di dời đối với những hộ dân sẽ như thế nào?

Thứ hai, việc xác định chủ thể phải di dời và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý thực hiện. Thông thường các nhà máy này trực thuộc các bộ chủ quản, vậy khi di dời trách nhiệm cơ quan chủ quản đến đâu và trách nhiệm chủ sở hữu đến đâu? - việc này còn chưa rõ ràng.

Mặc dù Chính phủ có xác định lộ trình phải di dời các nhà máy xí nghiệp, trong đó từ năm 2014 đến 2016 đã hai lần Thủ tướng xác định lộ trình di dời này, Hà Nội cũng đã có nghiên cứu và chuẩn bị địa thế, nhưng trách nhiệm, tiến độ và kế hoạch di dời vẫn chưa nhận được sự đồng thuận giữa chủ đầu tư, cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó là việc thiếu giải pháp xử lý. Tại một số cơ sở công nghiệp hiện nay, mặc dù trách nhiệm phải di dời, trong khi công tác giám sát thiếu phân công trách nhiệm nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc như tại nhà máy Rạng Đông vừa qua…

Tại các cơ sở mới, thành phố là đơn vị chuẩn bị tuy nhiên nhiều vị trí vẫn không được giải phóng mặt bằng, đã gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Vấn đề tiếp theo, đó là việc thiếu đồng bộ và thống nhất trong thể chế. Mặc dù Luật Thủ đô 2013 đã thể hiện rõ tại các cơ sở sau khi di dời sẽ được sử dụng vào các công trình công cộng, vườn hoa, cây xanh để phục vụ cho mục tiêu phát triển của thành phố.

Tuy nhiên, theo Luật Đất đai 2013, khi giao đất cho doanh nghiệp tại các cơ sở công nghiệp với thời hạn 30 năm, 50 năm hoặc 70 năm thì họ có quyền quản lý khu đất đó và không có trách nhiệm trả lại cho thành phố.

Ở điểm này, dù có luật rồi nhưng đồng thời cần phải có văn bản dưới luật để khẳng định sau khi di dời, doanh nghiệp cần giao lại khu đất tại cơ sở cũ cho thành phố.

Chính vì thiếu sự đồng bộ trong thể chế cũng là một lý do khiến các cơ sở công nghiệp không chịu di dời. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tìm đối tác để thỏa thuận mà không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư.

Một điểm nữa, đó là nguồn ngân sách kinh phí cho các cơ sở di dời mới. Chúng ta không thể dựa vào nguồn lực tự điều hòa của các chủ đầu tư được, mà phải có sự hỗ trợ từ ngân sách nhưng hiện nay chưa có.

Bắt buộc cơ chế giám sát

Có thể nói, việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp trong nội đô, về định hướng và kế hoạch đã có sự quan tâm của Chính phủ, nhưng sự phối hợp giữa chủ quản đầu tư (các bộ, ngành), giữa chủ đầu tư (chủ sở hữu các khu công nghiệp) và thành phố còn chưa chặt chẽ.

Thí dụ, các doanh nghiệp khi muốn di dời tới Phú Xuyên, Hòa Lạc, Hưng Yên hoặc Bắc Ninh – là những nơi phù hợp với từng loại hình của mỗi khu công nghiệp, nhưng các khu công nghiệp này với chính quyền thành phố Hà Nội chưa có sự phối hợp trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tìm địa điểm thích hợp.

Việc doanh nghiệp di dời tới cơ sở mới, lúc này không chỉ là việc sản xuất mà còn liên quan tới đời sống của người lao động, như nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Vậy, chính sách đó cần được thành phố giải quyết thỏa đáng.

Một điểm nữa là các khu đất sau di dời cần có sự giám sát của cơ quan quản lý và người dân. Mặc dù quy hoạch chung đã có, và việc điều chỉnh quy hoạch luật pháp cho phép, tuy nhiên hiện nay chúng ta thiếu một quy trình thống nhất.

Hà Nội là một trong những tỉnh thành đầu tiên có quy định để xác nhận vai trò tư vấn giám định phản biện từ năm 2013. Tuy nhiên, vừa qua trong Luật Xây dựng mặc dù có nói phải lấy ý kiến cộng đồng và chuyên gia nhưng lại rất ít khi thực hiện. Phần lớn chủ đầu tư không thực hiện, mà cơ quan quản lý cũng không giám sát.

Do đó, phải sửa đổi và điều chỉnh lại Quyết định từ năm 2013 để tạo cơ chế bắt buộc các cơ quan quản lý lấy ý kiến của chuyên gia, người dân khi điều chỉnh quy hoạch.

KTS. Đào Ngọc Nghiêm - Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, 

Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top