Aa

Chậm phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế Việt Nam khó duy trì mức tăng trưởng hiện tại

Chủ Nhật, 30/07/2017 - 15:00

Lượng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đang tăng ở mức cao nhất từ trước tới nay, mang lại nhiều nguồn lợi quý, tuy nhiên nếu không cơ cấu lại phương hướng và cách thức đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc nắm bắt được những nguồn lợi này là rất khó.

Đó là những phân tích của trang Asean Today về tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thời gian sắp tới.

Cụ thể, theo Asean Today, nền kinh tế Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn “bùng nổ” kể từ năm 2000. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về đầu tư cơ sở hạ tầng đã kìm hãm sự tăng trưởng của quốc gia. Nếu không nhận thức rõ và đưa ra cách giải quyết hợp lý, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế như hiện tại trong những năm tới.

Biến động tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 1 thập kỷ qua.

Biến động tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 1 thập kỷ qua.

Theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bằng nguồn vốn đầu tư nước ngoài

Để thực hiện cam kết GDP ở mức 6,5 - 7%, Chính phủ đã hướng đến việc thu hút và tận dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Các dự án đầu tư quy mô lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài trong cả lĩnh vực sản xuất và BĐS đã và đang trở thành mục tiêu theo đuổi của Việt Nam. Nhiều rào cản đã được gỡ bỏ, quá trình giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển cũng được đẩy nhanh. 

Các công ty đa quốc gia quy mô lớn trên thế giới như Samsung hay LG đang muốn tăng số vốn đầu tư tại Việt Nam. Cam kết đầu tư 14,8 tỷ USD vào Việt Nam, tính đến đầu năm 2017, Samsung đã giải ngân được 10,1 tỷ USD. Số nhân công của Samsung tại các nhà máy ở Việt Nam đã lên tới 140.000 người.

Danh sách những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn nhất đang trong quá trình xây dựng

Danh sách những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy mô lớn nhất đang trong quá trình xây dựng

Bên cạnh những dự án quy mô lớn với giá trị lên đến hàng tỷ đô la Mỹ, Chính phủ Việt Nam cũng đang khuyến khích đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực BĐS trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở đang tăng cao như hiện nay. Với số lượng BĐS khổng lồ mới được xây dựng mỗi năm tại Hà Nội và TP.HCM, mảnh đất màu mỡ này đang có sức hấp dẫn rất lớn đối với các nhà đầu tư ngoại.

Số lượng liên doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực này đang tăng lên nhanh chóng. Đây được coi là con đường dễ dàng và ngắn hơn để giúp họ tiến vào thị trường địa ốc Việt Nam. Dẫn chứng cho điều này là đã có rất nhiều thương vụ hợp tác trên thị trường, trong đó các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hồng Kông là nhiều hơn cả. Có thể kể đến các tập đoàn như Haseko, Fujita, Mitsubishi, Lotte, HongkongLand... 

Thiếu hụt cơ sở hạ tầng, nhân tố làm kìm hãm tăng trưởng kinh tế

Với rất nhiều nhà máy sản xuất, nhà máy năng lượng và BĐS mọc lên, Việt Nam đang rất cần một hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ để tận dụng được hết những nguồn lợi này. Thế nhưng, kế hoạch phát triển quy mô này đang gặp phải vấn đề trầm trọng và bị trì hoãn khi không thể huy động đủ nguồn vốn đầu tư.

Nhiều dự án đường sắt trên cao, metro... tại 2 thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM liên tục gặp trục trặc về nguồn vốn. Đặc biệt là tuyến metro tại TP.HCM thường xuyên bị "gọi tên" vì trong  hoàn cảnh thiếu vốn trầm trọng, phải xin tạm ứng nhiều nghìn tỷ đồng. 

Để tận dụng được nguồn lợi từ những dự án đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế đã được lên sẵn kế hoạch, Chính phủ Việt Nam cần phải dành 489 tỷ USD vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu. Tuy nhiên, ngoài hướng đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, cần phải có thêm các hình thức huy động vốn khác mạnh, nhanh hơn. 

Hợp tác công - tư, cách duy nhất để tháo gỡ khó khăn

Chính phủ Việt Nam ước tính rằng Ngân sách chỉ có thể đáp ứng được 1/3 trong tổng nhu cầu vốn trên, phần còn lại chắc chắn phải dựa vào khu vực tư nhân.

Hiện tại đóng góp của khu vực tư nhân vào đầu tư cơ sở hạ tầng mới chỉ ở mức 10%. Việc đẩy mạnh hợp tác hơn nữa giữa khu vực này và Nhà nước sẽ là vô cùng cần thiết để Việt Nam hoàn thành và cung cấp một hệ thống cơ sở hạ tầng mạnh mẽ, làm nhân tố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bởi suy cho cùng khu vực tư nhân có nhiều kinh nghiệm hơn và sáng kiến hơn trong việc đầu tư và thi công các dự án xây dựng, họ có thể đưa ra những lời khuyên cho Chính phủ ở cả việc đầu tư vốn ban đầu đến việc thu lại nhiều nhất những lợi ích sau đầu tư.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top