Bình đẳng trên cơ sở khập khiễng?
Nghị định 20 có hiệu lực từ 1/5/2017 được đánh giá đã "điểm trúng huyệt" các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) liên tục mở rộng kinh doanh nhưng luôn báo lỗ. Mục tiêu của Nghị định là chống thất thu thuế ở Việt Nam do tác động của chuyển giá giữa các quốc gia của doanh nghiệp FDI, nhưng khoản 3 điều 8 của Nghị định lại được cho là có ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các tập đoàn hoạt động theo mô hình mẹ - con.
Không ít chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang bước vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc. Nghị định 20 không những chống chuyển giá, hạn chế xói mòn nguồn thu mà còn giúp lành mạnh nền tài chính quốc gia, hạn chế các doanh nghiệp vốn mỏng, chủ yếu đầu tư dựa vào vốn vay ngân hàng.
Song, phải nhận định thực tế rằng, Nghị định 20 đặt tỷ lệ khống chế 20% là chưa phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, dù rằng quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Nói một cách khách quan thì tiêu chí đánh giá công bằng còn khá khập khiễng. Bởi rõ ràng, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia đầu tư Việt Nam đều là những tên tuổi lớn, có vốn lớn, việc vay vốn liên kết không phải chịu “áp lực”. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp Việt là doanh nghiệp mới, vốn thấp, cần vay để phát triển sản xuất kinh doanh (vay cổ đông, vay ngân hàng...), việc không chế lãi vay với các bên liên kết, trong khi quy định chưa khống chế vốn vay, dẫn tới khó khăn cho doanh Việt Nam.
Bên cạnh đó, quy định khống chế lãi tiền vay được trừ thu nhập chịu thuế tại Nghị định này còn phát sinh việc đánh thuế trùng đối với cùng một giao dịch kinh doanh - lãi tiền vay. Chẳng hạn, bên cho vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với thu nhập từ lãi tiền vay, bên đi vay phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đối với phần chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Đặc biệt, trong bối cảnh từ năm 2016 đến nay đã có hàng ngàn doanh nghiệp khởi nghiệp. Tuy nhiên, một doanh nghiệp khởi nghiệp luôn vấp phải nhiều khó khăn, trong đó quan trọng là vốn. Nếu những ý tưởng khởi nghiệp “sống được” và trở thành thành viên của các tập đoàn lớn trong nước sau khi mua bán, sáp nhập thì có nhiều cơ hội để phát triển. Việc hạn chế trần chi phí lãi vay theo Nghị định 20 về mục đích là hướng đến ngăn chặn các gian lận chuyển giá và trốn thuế của các doanh nghiệp FDI nhưng lại đang cản trở khá lớn đến việc huy động nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp lớn đến cộng đồng khởi nghiệp. Thay vì tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển thì việc “kìm hãm” vay, thuế chồng thuế, liệu doanh nghiệp còn đủ “tự tin” khởi nghiệp mở rộng đầu tư vào nhiều lĩnh vực? Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay của Nghị định 20 có thể sẽ gây thiệt hại lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.
Theo chia sẻ của một đại diện doanh nghiệp: “Tập đoàn chúng tôi đầu tư vào những lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất công nghiệp nặng… cần nhiều vốn, toàn bộ chi phí lãi vay không được trừ khi tính thuế thu nhập cá nhân. Khả năng huy động tín dụng không vay trực tiếp được qua ngân hàng mà vay qua công ty mẹ tập đoàn. Do đó, việc khống chế chi phí lãi vay 20% sẽ khiến chúng tôi gặp khó khăn vì không được trừ thuế”.
Theo đó, đại diện này đề nghị sửa đổi đối tượng áp dụng phần chi phí lãi vay phát sinh không vượt quá 20% với hai đối tượng là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có quan hệ liên kết qua biên giới và các doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam có giao dịch về vay vốn với các bên có quan hệ liên kết có mức thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau, chứ không khống chế đại trà như Nghị định 20 hiện hành đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp.
Sửa đổi những điểm bất hợp lý
Tại Hội nghị đối thoại về chính sách, thủ tục hành chính thuế và hải quan diễn ra sáng ngày 27/11 mới đây, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết đã nhận được kiến nghị của Công ty cổ phần thương mại CITICOM. Trong đó, CITICOM khẳng định, việc đưa ra quy định lãi vay không vượt ngưỡng 20% tổng lợi nhuận là chưa hợp lý. Bởi theo quy định, các doanh nghiệp đều có thể được khấu trừ các loại chi phí nếu là hợp lý, hợp lệ. Đặc biệt, trong khi doanh nghiệp nước ngoài thường chỉ sử dụng nguồn vốn vay với tỷ lệ nhỏ bên cạnh nguồn vốn chủ sở hữu thì ngược lại, hầu hết doanh nghiệp trong nước đều có chung đặc điểm là sử dụng nguồn vốn vay rất lớn, đến 70 - 80%.
Vì vậy, "quy định này sẽ khiến đa số doanh nghiệp mất tính chủ động và cơ hội trong phát triển kinh doanh, mở rộng đầu tư sản xuất cũng như kém cạnh tranh so với các doanh nghiệp nhà nước”, đơn kiến nghị nêu. Hơn nữa, theo CITIMOM nếu các công ty có liên kết có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp bằng nhau thì tổng thể thuế thu nhập doanh nghiệp là không đổi và không rủi ro khi doanh thu tài chính của công ty này là chi phí tài chính của công ty khác.
Theo LS. Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, quy định này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào các ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.
LS. Trương Thanh Đức nhấn mạnh: “Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện. Hơn nữa, khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính, chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn”.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing TP.HCM: “Chắc chắn việc khống chế mức trần chi phí lãi vay sẽ bị tác động rất lớn tới các doanh nghiệp có lợi nhuận thấp. Đặc biệt đối với các công ty trong giai đoạn đầu tư mới sẽ càng gặp khó khăn khi chi phí lãi vay nhiều lại không được khấu trừ thuế. Từ đó có thể khiến họ rụt rè trong vấn đề mở rộng hoạt động đầu tư. Hiện, quy định về TNDN cho phép các công ty được khấu trừ toàn bộ chi phí hợp lý, hợp lệ. Như vậy, việc khống chế trần tỷ lệ lãi vay ở mức 20% mâu thuẫn với luật thuế hiện hành nên cần phải có sự chỉnh sửa cho phù hợp”.
TS. Thuận cũng cho rằng, vấn đề nằm ở điều khoản “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Muốn làm rõ ràng khoản 3, điều 8 với những bất cập thì cơ quan chuyên ngành, cơ quan quản lý cần phải sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung luật chuyên ngành sao cho phù hợp và không trái với Luật cũng như chồng chéo với các quy định khác.