Tuy nhiên, trong khi hiệu quả của việc chống chuyển giá, nhất là với doanh nghiệp khối FDI còn là dấu hỏi thì khi áp dụng vào thực tế, Nghị định 20 lại khiến các doanh nghiệp Việt lao đao vì bị “khống chế chi phí lãi vay được trừ”. Hàng chục văn bản của doanh nghiệp đã được gửi đến Tổng cục Thuế đề nghị làm rõ.
Phải chăng một số quy định của Nghị định 20 quá cứng nhắc và chưa tính toán kỹ đến hậu quả phát sinh dẫn đến "đánh nhầm đối tượng" theo kiểu "một người đau mắt bắt cả làng đeo kính"? Giải pháp nào để những quy định của Nhà nước khi đi vào thực tiễn có thể đạt được đúng mục tiêu tốt đẹp và không vô tình đẩy doanh nghiệp vào thế khó, làm triệt tiêu động lực phát triển của những doanh nghiệp làm ăn chân chính?
Cà phê cuối tuần sẽ bàn luận xoay quanh vấn đề này. Xin được giới thiệu các chuyên gia: Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico; PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính); Bà Đinh Mai Hạnh, Phó TGĐ Tư vấn Thuế, Deloitte Việt Nam
PV: Nghị định 20 được ra đời trong bối cảnh Chính phủ tìm kiếm một giải pháp về hành lang pháp lý để ngăn ngừa hành vi chuyển giá của các tập đoàn đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về tính hiệu quả của Nghị định 20 sau hơn 01 năm thực thi đã thực sự đạt được mục tiêu của Chính phủ?
Bà Đinh Mai Hạnh: Nghị định 20 ra đời trong bối cảnh Chính phủ hoàn thiện cơ sở pháp lý về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết, có tham chiếu đến 15 chương trình hành động chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (“BEPS”) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (“OECD”).
Nghị định đã cho thấy tính hiệu quả nhờ gia tăng tính minh bạch trong công tác quản lý các doanh nghiệp thực hiện giao dịch liên kết của cơ quan thuế, đồng thời cũng tăng cường ý thức chấp hành quy định của người nộp thuế. Bộ hồ sơ với 03 cấp độ gồm Hồ sơ toàn cầu, Hồ sơ quốc gia và Báo cáo lợi nhuận liên quốc gia đã tạo ra sự minh bạch, nhất quán và cái nhìn toàn diện, tổng thể về toàn bộ chuỗi giá trị, thu nhập cũng như số thuế đã nộp của các tập đoàn tại các quốc gia. Bên cạnh đó, việc đưa ra các trường hợp người nộp thuế được miễn nghĩa vụ kê khai, lập báo cáo nhận được sự đồng tình từ cộng đồng doanh nghiệp do giảm gánh nặng chi phí tuân thủ. Thông qua nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức”, Nghị định cũng đã giúp các doanh nghiệp chú ý hơn đến bản chất của giao dịch liên kết, đặc biệt là các giao dịch liên quan đến phí dịch vụ nội bộ, phí bản quyền. Nếu như trước đây việc tuân thủ các quy định về giao dịch liên kết là một nội dung tương đối chưa được chú trọng tại nhiều doanh nghiệp thì đến nay việc tuân thủ đã trở thành đề tài được ưu tiên xem xét và cân nhắc thực hiện.
Bên cạnh các điểm tích cực, Nghị định 20 vẫn tồn tại một số vướng mắc, trong đó, một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của rất nhiều doanh nghiệp phải kể đến quy định khống chế chi phí lãi vay được trừ cho mục đích tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
PV: Vâng, như bà Đinh Mai Hạnh vừa nhận định, bên cạnh những điểm tích cực, một trong những vướng mắc của Nghị định 20 được nhiều DN phản ánh trong thời gian qua là quy định tại khoản 3 Điều 8 về khống chế chi phí lãi vay. Quy định này đang vô hình chung ảnh hưởng đến cả các doanh nghiệp không có động cơ chuyển giá như các Tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các ngành, lĩnh vực sử dụng đòn bẩy tài chính lớn như bất động sản,… theo đó đi ngược lại với mục tiêu ban đầu. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
Bà Đinh Mai Hạnh: Việc áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay trong Nghị định 20 được tham chiếu đến chương trình hành động số 4 của BEPS. Đối tượng chính mà BEPS hướng đến là các Tập đoàn đa quốc gia lợi dụng thuế suất thuế TNDN ở các nước khác nhau và dùng công cụ vốn vay để điều chuyển lợi nhuận của các công ty thành viên trong Tập đoàn với mục đích tránh thuế.
Với mục tiêu ban đầu như vậy, nhưng trên thực tế việc áp dụng khống chế chi phí lãi vay đang tác động lớn đến các Tập đoàn tư nhân trong nước hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đòi hỏi vốn lớn như bất động sản. Mô hình công ty mẹ - con, trong đó có công ty mẹ chuyên thực hiện chức năng quản lý vốn tập trung của Tập đoàn đang trở thành một mô hình hoạt động phổ biến. Đơn cử như để thực hiện các dự án cần tiếp cận nguồn vốn lớn nhưng các công ty thành viên của các Tập đoàn trong nước thường không đủ năng lực để được vay vốn từ các ngân hàng thương mại.
Do đó, các Tập đoàn, Tổng công ty phải thực hiện huy động vốn tập trung tại công ty mẹ để chuyển vốn cho các công ty con, các công ty thành viên. Hơn nữa, Tập đoàn huy động vốn tập trung thông thường sẽ có mức lãi suất ưu đãi hơn, giảm chi phí và tăng hiệu quả hoạt động. Việc khống chế tổng chi phí lãi vay tạo ra rào cản trong việc cho vay nội bộ trong Tập đoàn và cơ hội đầu tư dài hạn vào các ngành nghề cần vốn lớn, làm phát sinh thêm chi phí do đánh thuế trùng đối với một giao dịch kinh doanh: bên cho vay phải nộp thuế TNDN đối với thu nhập từ lãi tiền vay, trong khi bên đi vay phải nộp thuế TNDN đối với chi phí tiền vay vượt mức khống chế.
Một ví dụ nữa là đối với các doanh nghiệp bất động sản cần nguồn vốn rất lớn và hoạt động kinh doanh theo chu kỳ gồm giai đoạn đầu tư, giai đoạn phát triển sản phẩm, giai đoạn bán hàng. Giai đoạn đầu tư ban đầu cần có chi phí rất lớn trong khi chưa phát sinh doanh thu (doanh thu tăng dần theo thời gian khai thác, vận hành kinh doanh của dự án). Do đó, việc áp dụng mức khống chế lãi vay trong giai đoạn đầu tư (đối với chi phí lãi vay không được vốn hóa) và khống chế chi phí lãi vay đứt đoạn theo từng năm sẽ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, không phản ánh đúng chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
PV: Nhìn ở góc độ của người làm luật, LS. Trương Thanh Đức lý giải ra sao về những điểm không phù hợp với thực tế của Nghị định 20?
LS. Trương Thanh Đức: Đúng là mục tiêu ban đầu của Nghị định 20 nhằm hạn chế việc chuyển thu nhập của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đến một doanh nghiệp khác (trong cùng tập đoàn đa quốc gia) tại vùng lãnh thổ, quốc gia có thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn so với Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Bởi một trong những cách thức các doanh nghiệp này chuyển giá là thông qua chi trả lãi vay vốn sản xuất kinh doanh từ công ty mẹ sang công ty con để chuyển hết lãi về nước.
Tuy nhiên, hiện điều này sẽ không phù hợp với tất cả doanh nghiệp trong nước khi đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc khống chế chi phí lãi vay được trừ 20% trên lợi nhuận thuần trước lãi và khấu hao lại là các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn. Bởi lẽ, các doanh nghiệp cùng công ty con đều hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nên đều phải áp dụng các quy định về chính sách thuế của pháp luật Việt Nam.
Hiểu rõ hơn là chi phi của doanh nghiệp này lại là thu nhập của doanh nghiệp kia và kiểu gì doanh nghiệp cũng phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ 18 - 20%. Trong khi đó, hầu hết các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính hạn chế, họ đều phải vay vốn sản xuất, tức là những doanh nghiệp làm ăn chân chính họ có nhu cầu làm thật chứ không phải vì mục đích lách quy định để trốn thuế, chuyển giá. Điều đó cho thấy, việc áp trần chi phí lãi vay theo Khoản 3, Điều 8 về hình thức rất hợp lý song thực tế lại là lực cản gây khó khăn cho hoạt động của nhiều doanh nghiệp.
Điều này hoàn toàn trái với mục tiêu ban đầu khi ban hành Nghị định. Đó là còn chưa kể, các doanh nghiệp trong nước vốn ít, phần lớn phải vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tài chính khác. Đối với những doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm, không có uy tín, dự án có nhiều rủi ro nên khó được vay vốn từ ngân hàng sẽ phải vay từ bên ngoài để duy trì sản xuất kinh doanh và phải chấp nhận mức lãi suất có thể lên tới hàng chục phần trăm.
Tóm lại, căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành không có quy định về khống chế lãi tiền vay như quy định khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20. Quy định này tại Nghị định 20 cũng chưa phù hợp với Luật Thuế thu nhập hiện hành nên không có cơ sở để thực hiện theo quy định này. Hơn nữa, Khoản 3, Điều 8 không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, cào bằng theo kiểu thấy một người đau mắt nhưng bắt cả làng đeo kính, chỉ khiến cộng đồng doanh nghiệp gặp thêm nhiều khó khăn.
PV: Theo LS. Trương Thanh Đức nhận định thì trong Nghị định 20 có khoản không phân biệt doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước là cách áp dụng rất cứng nhắc, có thể dẫn đến "đánh nhầm" đối tượng, khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt gặp thêm nhiều khó khăn. Thưa PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, ông có quan điểm như thế nào về vấn đề này?
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh: Thực ra trong nền kinh tế thị trường, đặc biệt là khi chúng ta đã tham gia vào WTO thì các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư tại Việt Nam phải được đối xử bình đẳng như các doanh nghiệp Việt Nam. Theo đó, phải rõ ràng là các quy định trong các bộ luật đều không có chuyện phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nếu có sự phân biệt trong các văn bản pháp lý thì sẽ dễ dẫn đến các khiếu kiện hoặc các vấn đề liên quan đến pháp lý, điều đó là không được phép.
Do đó, nếu có sự thay đổi thì chỉ có thể thay đổi ở các văn bản hướng dẫn thực hiện thì mới có thể chấp nhận được. Ví như hướng dẫn trong một khoảng thời gian cụ thể với những doanh nghiệp và địa bàn cụ thể thì có thể có những ưu tiên, phân biệt khác nhau. Tuy nhiên, thông thường về nguyên tắc, Nhà nước cũng cố gắng tối đa để không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
PV: Theo các chuyên gia, để khắc phục vướng mắc nêu trên, quy định này cần được sửa đổi, bổ sung thế nào để vẫn đảm bảo mục tiêu ngăn ngừa hành vi chuyển giá, đồng thời không ảnh hưởng đến hoạt động sử dụng vốn vay của các doanh nghiệp làm ăn chân chính?
Bà Đinh Mai Hạnh: Một trong những nguyên nhân khiến việc áp dụng khống chế mức lãi vay bộc lộ những điểm bất cập như trên là vì chưa cân nhắc đến hết các khuyến nghị của BEPS và đặt trong mối tương quan với điều kiện thực tiễn hoạt động của các doanh nghiệp trong nước, môi trường đầu tư và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tôi khuyến nghị nên có thêm các nghiên cứu, khảo sát đánh giá mô hình hoạt động, thực trạng cơ cấu vốn, chu kỳ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Thông qua đó đưa ra các hướng dẫn cụ thể hơn cho các mô hình hoạt động và ngành nghề đặc thù điển hình như hình thức huy động vốn thông qua mô hình công ty mẹ - con vì mục đích phát huy hiệu quả các hoạt động kinh tế hợp pháp của Tập đoàn, hoặc các công ty phải sử dụng nguồn vốn rất lớn như lĩnh vực bất động sản. Việc áp dụng quy định nên có lộ trình và tham khảo thông lệ quốc tế BEPS cũng như có sự cân nhắc đến thực tế phát triển và cơ cấu vốn của các doanh nghiệp trong nền kinh tế hiện nay của Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ ban hành Nghị định 20 để quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Do đó, quy định này nên chỉ áp dụng khi doanh nghiệp vay vốn từ bên liên kết và tính trên phần chi phí lãi vay phát sinh với bên liên kết, không áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp phát sinh lãi tiền vay từ giao dịch vay với các bên độc lập (các ngân hàng, tổ chức tín dụng...).
Bên cạnh đó, BEPS có khuyến nghị tổng chi phí lãi vay dùng để tính mức khống chế là chi phí lãi vay thuần, tức là phần chênh lệch sau khi bù trừ chi phí lãi vay với thu nhập từ lãi vay trong kỳ. Điều này sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng tới các hình thức huy động vốn và cho vay lại giữa công ty mẹ và các công ty thành viên.
Nghị định cũng nên cân nhắc về thời điểm áp dụng mức khống chế chi phí lãi vay hoặc cho phép áp dụng cơ chế bù trừ, chuyển tiếp (ví dụ như chi phí lãi vay vượt mức khống chế được phép chuyển sang khấu trừ vào kỳ sau) để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án, phù hợp với đặc thù hoạt động, chu kỳ sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
LS. Trương Thanh Đức: Nghị định 20 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết là cột mốc lớn trong ngăn chặn chuyển giá. Tuy nhiên, trước những bất cập từ thực tế thì cần xem xét lại một số điểm chưa hợp lý trong quy định.
Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Tổ chức này cho phép tính trên chi phí lãi vay ròng (phần chi phí lãi vay vượt thu nhập lãi vay); cho phép doanh nghiệp chuyển sang kỳ sau chi phí lãi vay bị loại vì vượt quá mức khống chế. OECD áp dụng thêm một tỷ lệ biến động bên cạnh tỷ lệ cố định 20%. Cụ thể, nếu tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba trên lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao lớn hơn 20% thì cho phép áp dụng tỷ lệ này cho từng công ty thành viên trong tập đoàn.
Trường hợp tập đoàn có công ty thành viên có EBITDA (lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao) âm hoặc thậm chí EBITDA của toàn tập đoàn âm thì công ty thành viên vẫn sẽ được khấu trừ toàn bộ chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ nếu tổng chi phí lãi vay được khấu trừ của tập đoàn không vượt quá tổng chi phí lãi vay của tập đoàn từ bên thứ ba trong kỳ. Các công ty có EBITDA dương vẫn áp dụng quy định khống chế 20% hoặc tỷ lệ chi phí lãi vay với bên thứ ba trên lợi nhuận trước thuế chưa trừ chi phí lãi vay và chi phí khấu hao nếu tỷ lệ này lớn hơn 20%.
PGS. TS Đinh Trọng Thịnh: Chống chuyển giá là câu chuyện có thể xảy ra đối với cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Đặc biệt, ở Việt Nam khi chúng ta còn có chính sách ưu tiên, ưu đãi về thuế đối với các ngành nghề, các lĩnh vực, các địa bàn khác nhau thì chuyện chuyển giá từ ngành này sang ngành khác, từ trong nước ra nước ngoài đều có thể xảy ra đối với cả doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
Bởi vậy, trong các luật về chuyển giá đều có quy định chung, không phân biệt. Quan trọng ở đây là doanh nghiệp có chứng minh được mình không chuyển giá hay không. Nếu nói không chuyển giá thì phải chứng minh bằng số liệu bằng thực tiễn.
Với câu chuyện Nghị định khống chế chi phí lãi vay được trừ không quá 20% thì việc khống chế mức trần 20% có thể xem xét kỹ lưỡng hơn, dựa trên việc khảo sát tình hình chung của doanh nghiệp và có trường hợp ngoại lệ. Cụ thể, cần có những văn bản hướng dẫn thực thi, trong đó có thể có những ưu tiên theo từng loại doanh nghiệp như doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ở vùng sâu vùng xa, hoạt động trong các ngành đặc thù với các chính sách vay vốn khác nhau, đảm bảo ưu tiên cho doanh nghiệp một cách tốt nhất.
Xin chân thành cảm ơn các chuyên gia!