Aa

Chào sàn trong tâm bão, lộ rõ tình trạng "sức khỏe" của các ngân hàng

Thứ Tư, 11/07/2018 - 12:37

Trong ba mã mới chào sàn năm 2018 duy chỉ có HDB đang giữ được mức giá cao hơn giá chào sàn còn TPB và TCB đều “có những vấn đề” với những rủi ro đi kèm...

TCB

Rủi ro của cổ phiếu TCB nằm ở dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản có tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tín dụng của Ngân hàng, hiện chiếm khoảng 16% tổng dư nợ - đây cũng là lĩnh vực từng gây hậu quả nặng nề cho TCB trong giai đoạn trước.

Thăng trầm cùng cổ phiếu ngân hàng

Năm 2017 có thể coi là năm thăng hoa của thị trường chứng khoán Việt Nam khi tăng vượt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Đặc biệt là giai đoạn quý I/2018 đã thiết lập đỉnh cao mới ở vùng giá 1.200 điểm. Thành tích này có sự đóng góp không hề nhỏ từ cổ phiếu ngân hàng - một trong những nhóm cổ phiếu trụ cột của thị trường.

Trước đà tăng trưởng vượt bậc của Vn-index cùng nhiều yếu tố thuận lợi, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục được đánh giá khả quan trong năm 2018 khiến hàng loạt các ngân hàng lớn thi nhau niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) như HDB, TCB, TPB... Bên cạnh đó các ngân hàng Maritimebank, Seabank, OCB, ABBank, Saigonbank, Nam Á Bank, Việt Á Bank cũng dự kiến niêm yết trong thời gian tới.

Tuy nhiên, với những diễn biến bất lợi về tình hình kinh tề vĩ mô như lo ngại về việc tăng lãi suất của FED, chiến tranh thương mại giữa Mỹ - Trung… đã khiến thị trường chứng khoán liên tục trồi sụt và giảm điểm mạnh trong thời gian gần đây.

Trong “tâm bão” của thị trường, liệu các mã ngân hàng này có ngược dòng được không khi giai đoạn từ quý II/2018 tới nay nhóm cổ phiếu ngân hàng lại là tác nhân chính khiến Vn-index “lao dốc” một cách không phanh?

Những "tân binh" năm 2018 có gì?

May mắn của HDBank khi đã niêm yết gần 981 triệu cổ phiếu trên HOSE vào ngày 5/1/2018 với giá tham chiếu 33.000 đồng/cổ phiếu và lọt vào top 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HOSE. Qua đó góp phần đưa Vn-index lên những tầm cao mới.

Tuy vậy, sau khi thiết lập đỉnh ở vùng giá 50.000 đồng/cổ phiếu, HDB cũng “đi” theo xu hướng chung của dòng ngân hàng. HDB đã điều chỉnh mạnh theo Vn-index và tính đến hết phiên giao dịch 10/7 chỉ còn 35.100 đồng/cổ phiếu – tương đương với tỷ lệ giảm 30%.

Dù sao HDB cùng các cổ đông đã được nếm trải đủ cảm giác từ thăng tới trầm, từ lập đỉnh đến tạo đáy cùng Vn-index.

Còn hai cái tên TPB - ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong và TCB – ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam có vẻ như chọn chưa đúng "điểm rơi", thời điểm chào sàn khi niêm yết đúng lúc thị trường tạo đỉnh và bước vào chu kỳ giảm.

s

Sau hơn 2 tháng giao dịch, cổ phiếu này đã “kịp” giảm 15%.

Ngày 19/4/2018, 555 triệu cổ phiếu TPB chào sàn với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 32.000 đồng/cổ phiếu, trở thành ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 9 trên thị trường chứng khoán.

Sau hơn 2 tháng giao dịch, cổ phiếu này đã “kịp” giảm 15%. Nguyên nhân một phần do thị trường chung điều chỉnh cũng như trên thị trường OTC, TPB đã tăng khá mạnh từ vùng dưới mệnh giá đến quanh mức 28.000 – 30.000 đồng/cổ phiếu. Một phần do TPBank đã mắc sai phạm trong thẩm định hợp đồng tín dụng, cầm cố và kiểm tra sau cho vay trong vụ án liên quan đến “đại án” Phạm Công Danh.

Các khoản tiền sai phạm lên đến hàng nghìn tỷ trong vụ án này cũng có phần dính đến 6 ngân hàng gồm VNCB, Sacombank, BIDV, Agribank, TPBank và OceanBank thông qua các khoản vay và cho vay.

Cụ thể, TPBank đã cho 11 công ty vay 1.660 tỷ đồng để Phạm Công Danh sử dụng cho Tập đoàn Thiên Thanh. Để hợp thức hóa việc rút tiền của VNCB, ông Danh đã chỉ đạo Phan Thành Mai (Tổng giám đốc VNCB) mượn pháp nhân của 11 công ty lập khống hồ sơ vay 1.666 tỷ đồng của TPBank để mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh.

Sau khi được TPBank giải ngân, các công ty đã chuyển toàn bộ tiền cho Tập đoàn Thiên Thanh. Ông Danh rút ra trả nợ bà Hứa Thị Phấn (mua TrustBank), trả nợ cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh, chi chăm sóc khách hàng... Số tiền này không có khả năng thu hồi, gây thiệt hại cho VNCB 1.740 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên bản cáo bạch của TPBank cũng cho biết ngân hàng đang có tranh chấp với khách hàng trong các giao dịch cho vay/thu hồi nợ.

Bản chất các tranh chấp này liên quan đến hợp đồng dân sự, thương mại (hợp đồng tín dụng), với tổng giá trị tranh chấp đến thời điểm 31/12/2017 đạt hơn 652 tỷ đồng trong các năm từ 2014 đến 2017 khiến ngân hàng phải trích lập dự phòng gần 189 tỷ đồng cho các khoản này.

Mới đây nhất, ngày 4/6/2018 TCB - Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) chính thức lên sàn với giá tham chiếu 128.000 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đã không tránh được cơn bão giảm giá của Vn-index bằng việc giảm gần 19% chỉ trong khoảng 1 tháng sau khi niêm yết.

Điều này cũng dễ hiểu bởi với mức chào sàn giá khủng và có phần “ảo” như trên đã khiến TCB bị chốt lời mạnh, thậm chí dư bán sàn hàng trăm ngàn đơn vị. Cùng với đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 200% sẽ mang lại nhiều rủi ro trong bối cảnh thị trường như hiện nay.

Nếu để hưởng cổ tức, nhà đầu tư sẽ phải chịu mức điều chỉnh giá quá lớn trong ngày giao dịch không hưởng quyền (từ 81.000 đồng/cổ phiếu xuống còn 27.000 đồng/cổ phiếu). Một chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán đã cảnh báo không nên giữ cổ phiếu để ăn cổ tức trong “downtrend” như thế này.

Thêm nữa, rủi ro của TCB nằm ở dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản có tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tín dụng của Ngân hàng, hiện chiếm khoảng 16% tổng dư nợ - đây cũng là lĩnh vực từng gây hậu quả nặng nề cho TCB trong giai đoạn trước.

Tựu chung lại, trong đợt “bão giá” của thị trường hiện nay, hầu hết các mã cổ phiếu ngân hàng đều không tránh được những thiệt hại nặng nề, kể cả những mã mới niêm yết. Với 3 mã mới chào sàn năm 2018 duy chỉ có HDB đang giữ được mức giá cao hơn giá chào sàn còn TPB và TCB đều “sấp mặt” với những rủi ro đi kèm.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top