Đại biểu lo lãi suất, lạm phát tăng cao
Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) chất vấn Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vì sao lãi suất cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn cao, việc tiếp cận tín dụng khó khăn trong khi gói hỗ trợ lãi suất 2% chưa biết đã triển khai đến đâu.
Về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho hay, giảm lãi suất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ trọng tâm mà Ngân hàng Nhà nước hết sức quan tâm. Thực tế những năm qua, Ngân hàng Nhà nước có nhiều giải pháp để mặt bằng lãi suất giảm mạnh.
Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2022, điều hành chính sách lãi suất của Ngân hàng Nhà nước chịu áp lực lớn từ bên ngoài: lạm phát có xu hướng tăng trên toàn cầu, các ngân hàng trung ương trên thế giới đều tăng lãi suất (trên 100 lượt tăng lãi suất năm 2021 và 135 lượt tăng trong 5 tháng đầu năm 2022). Trong nước, lãi suất phụ thuộc vào cung cầu vốn. Từ đầu năm đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trở lại, tín dụng tăng 8%, khá cao so với định hướng tăng tín dụng cả năm là 14%.
“Áp lực rất lớn, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết và cơ bản ổn định được mặt bằng lãi suất. Lãi suất chỉ tăng 0,09% năm từ đầu năm đến nay”, Thống đốc khẳng định.
Về gói hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách, Thống đốc cho hay Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành Thông tư và tổ chức Hội nghị triển khai trên toàn quốc. Mặc dù Nghị định, Thông tư hướng dẫn gói hỗ trợ lãi suất 2% mới ban hành tháng 5/2022, song tất cả các khoản giải ngân từ 1/1/2022 đáp ứng đủ điều kiện vẫn được hỗ trợ lãi suất.
Cùng nỗi lo về lãi suất, nhiều đại biểu cũng chất vấn Thống đốc về nguy cơ lạm phát. Trả lời câu hỏi về nội dung này của đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Thống đốc khẳng định, áp lực lạm phát trên thế giới là rất cao. Những tháng đầu năm 2022, lạm phát của nước ta vẫn đang trong tầm kiểm soát với mức tăng 2,25%, nhưng chủ yếu do giá hàng hóa, tín dụng cũng phục hồi mạnh. Do đó, thời giant ới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối kết hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả để kiểm soát lạm phát.
Siết tín dụng bất động sản khiến người nghèo khó mua nhà giá rẻ
Chất vấn Thống đốc chiều nay, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi: “Siết tín dụng bất động sản có thể dẫn tới hệ lụy thị trường đình trệ, khiến người nghèo vẫn không được mua nhà giá rẻ, trong khi nhiều doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc, đúng pháp luật thì lại không thể tiếp cận được vốn. Giải pháp nào để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển lành mạnh?”.
Tương tự, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) cũng kiến nghị Thống đốc đưa ra giải pháp giải pháp ngăn chặn tín dụng bất động sản đầu cơ cũng như đảm bảo nhu cầu vay vốn của những tổ chức, cá nhân mua nhà ở thực.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, thị trường bất động sản gồm nhiều chủ thể, thu hút được nhiều nguồn đầu tư khác nhau. Tín dụng là một kênh tham gia đầu tư bất động sản. Nhiều năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước chủ trương mở rộng tín dụng đi đôi với hiệu quả, tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, kiểm soát tín dụng rủi ro.
Theo Thống đốc, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là rủi ro thanh khoản. Hiện nay, ngân hàng huy động vốn chủ yếu là ngắn hạn trong khi tín dụng bất động sản chủ yếu là trung, dài hạn, nếu không kiểm soát rủi ro sẽ rất lớn. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn yêu cầu tổ chức tín dụng khi cho vay phải trên cơ sở đảm bảo an toàn hoạt động của mình và của cả hệ thống.
Riêng với nhu cầu mua nhà để ở, sửa chữa nhà ở, ngành ngân hàng luôn đáp ứng đầy đủ. Thực tế số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 2,2 triệu tỷ đồng dư nợ bất động sản hiện nay, có tới 65% là mua nhà để ở, sửa nhà, phục vụ mục đích tiêu dùng.
Về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thẳng thắn nói, các nhà điều hành khẳng định không siết thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản. Nhưng 5 tháng đầu năm nay, thị trường này chững lại, nhà đầu tư muốn huy động vốn thì rất khó khăn.
"Chúng ta thanh tra, kiểm tra và giám sát từ sớm từ xa, chứ để "mất bò mới lo làm chuồng" thì rất dở. Nhưng nếu để xảy ra trường hợp mất bò rồi mà không dám làm lại chuồng, thì còn dở hơn", Chủ tịch Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các thị trường là thông suốt, do đó, một mặt cơ quan quản lý phải giám sát, quản lý chặt, nhưng mặt khác cũng phải tạo thị trường cho phát triển. "Chúng ta chấn chỉnh méo mó của thị trường chứ không phải hạn chế nó phát triển. Vì thế, chính sách tài chính, kinh tế phải nhất quán, thông suốt, tránh giật cục”, Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
Trước đó, chia lửa với Bộ trưởng Bộ Tài chính trong phiên chất vấn sáng nay, Thống đốc cho biết, 5 tháng qua cũng xuất hiện một số diễn biến bất thường trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Trong 5 tháng qua, Thủ tướng Chính phủ liên tục có các công điện để chỉ đạo các bộ, ngành phải rà soát vấn đề này. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã luôn thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo cho các tổ chức tín dụng phải thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về chứng khoán và các quy định pháp luật về ngân hàng.
“Hoạt động ngân hàng là trung gian tài chính. Khi các tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này, điểm quan trọng nhất là phải kiểm soát được rủi ro. Nếu không sẽ không có khả năng thu hồi được các khoản đầu tư và như vậy cũng sẽ khó khăn cho việc đáp ứng nhu cầu chi trả của người gửi tiền. Các văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước đã được quy định rất cụ thể”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng phát biểu.
Về trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cũng cho biết, tổ chức tín dụng tham gia thị trường với một số vai trò.
Thứ nhất, đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức tín dụng là người đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Khi các tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đã quy định các tổ tín dụng phải thẩm định, thẩm tra như một khoản tín dụng để đảm bảo được khoản đầu tư phải an toàn.
Thứ hai, với vai trò các tổ chức tín dụng là phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Thống đốc cho biết, đây cũng là một hoạt động như hoạt động huy động vốn bình thường của các tổ chức tín dụng. Hình thức này tạo nhiều thuận lợi cho tổ chức tín dụng trong cân đối vốn dài hạn bởi trái phiếu doanh nghiệp thường là dài hạn. Đối với người dân, việc nắm giữ trái phiếu do tổ chức tín dụng phát hành cũng như một khoản tiền gửi. Nhưng thuận lợi là người dân có thể lựa chọn, nếu như trái phiếu đó là trái phiếu chuyển đổi thì thay vì tiền gửi sẽ là nắm cổ phần của ngân hàng.
Thứ ba, các tổ chức tín dụng tham gia với vai trò cung ứng các dịch vụ cho doanh nghiệp. Thống đốc cũng cho biết, trong quá trình phát hành trái phiếu, tất cả hành lang pháp lý đã được NHNN quy định rất rõ ràng, cụ thể.
Đã có phương án xử lý ngân hàng yếu kém, kéo dài Nghị quyết 42 rất cần thiết
Tại buổi chất vấn Thống đốc chiều nay, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) đặt vấn đề việc xử lý ngân hàng mua lại bắt buộc vẫn "dậm chân tại chỗ", trong khi một số đại biểu khác lại tỏ ra lo lắng vì việc kéo dài Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Về xử lý ngân hàng mua lại bắt buộc, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, trong điều kiện bình thường, việc xử lý cơ cấu ngân hàng yếu kém đã rất khó, trong bối cảnh 2 năm Covid-19 và kinh tế thế giới biến động khôn lường vừa qua lại càng khó khăn hơn. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết, cơ quan này đã trình phương án xử lý và sẽ tích cực triển khai sau quyết định của cấp có thẩm quyền.
Đánh giá Nghị quyết 42, Thống đốc khẳng định Nghị quyết có hiệu quả hết sức quan trọng trong xử lý nợ xấu. Nếu không được kéo dài, việc xử lý nợ xấu rất khó khăn. Tuy nhiên, hai năm qua, do tác động của Covid-9 nên nợ xấu có nguy cơ tăng mạnh. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành để xử lý các vướng mắc của Nghị quyết 42 cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các quy định về cho vay, trích lập dự phòng rủi ro… Trong thời gian Nghị quyết gia hạn thì Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ, ngành khác nghiên cứu về hình thức luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu./.