Trong thời đại hội nhập và phát triển, chất lượng cuộc sống con người ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là sự cạnh tranh khốc liệt của cơ chế thị trường. Chính điều đó đã khiến giới trẻ hiện nay luôn áp lực trước những thử thách và chênh vênh giữa những lối đi riêng.
Người bám trụ thành phố, cố gắng phấn đấu, nuôi hy vọng được “an cư lập nghiệp” thành công. Người lại chọn con đường về quê, thà lương thấp nhưng cuộc sống nhẹ nhàng, bớt bỏ áp lực.
Đó cũng là câu chuyện của anh B. V. Ngọc và vợ Tr. T. Hoa quê ở Nghệ An, cố gắng bám trụ Hà Nội sinh sống trong suốt 5 năm nay.
Anh Ngọc và chị Hoa là vợ chồng trẻ, quen và yêu nhau từ thời sinh viên do cùng học trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Nam Định. Tuy khác ngành, nhưng cùng quê đã giúp anh chị có những cơ duyên đến được với nhau.
Từ lúc đang là sinh viên, cả hai người đã nuôi ý chí lên Hà Nội lập nghiệp. Với đôi vợ chồng trẻ, Hà Nội lúc đó chính là tương lai, hy vọng, là nơi anh chị có thể theo đuổi mọi ước mơ và xây dựng một tổ ấm viên mãn.
Thực hiện nguyện vọng, khi tốt nghiệp, anh Ngọc, chị Hoa về chung một nhà và lựa chọn ra Thủ đô tìm việc thay vì ở lại quê nhà. Là những người đến từ ngoại tỉnh, cầm tấm bằng cử nhân cũng không phải hạng xuất sắc hay của một ngôi trường quá danh tiếng nên hành trình xin việc của cả hai cũng chẳng dễ dàng.
Phải vất vả khoảng 1 năm tìm việc, thử việc rồi lại đổi việc, cả hai vợ chồng mới dừng chân tại hai công ty đúng với chuyên ngành. Chấp nhận mức lương không cao, chế độ thấp nhưng cả hai vẫn nuôi ý chí và không ngừng phấn đấu.
“Cũng gian nan và khó khăn lắm mới xin được việc phù hợp với ngành học, tuy nhiên, lương khởi điểm của cả hai vợ chồng lúc đó rất thấp, khoảng 6,5 triệu đồng. Lương thấp kèm tiền thuê phòng, tiền ăn, sinh hoạt phí mỗi tháng khiến vợ chồng tôi luôn trong tình cảnh chật vật. Đỉnh điểm là lúc vợ tôi có bầu và sinh con.
Có con là vui nhưng cũng là nỗi lo của cả nhà do điều kiện kinh tế còn quá yếu, cuộc sống cũng chưa được ổn định, nhà cửa chưa có, vợ lại phải nghỉ việc sinh và chăm con mất một thời gian”, anh Ngọc cho biết.
“Tuy nhiên, cái khó khăn nhất khi ở Hà Nội là mua được một căn nhà. Sinh sống ở quê thì sẽ không phải lo chuyện nhà cửa, đất đai vì ít ra vẫn còn nhà của bố mẹ nhưng xác định lên Hà Nội là phải bắt đầu từ con số 0”, anh Ngọc chia sẻ thêm.
Bám trụ thành phố, cố gắng lập nghiệp từ con số 0, việc khiến nhiều gia đình trẻ luôn chật vật là có được một ngôi nhà để "an cư lập nghiệp". Thường nhiều gia đình trẻ khi phải mất 5 đến 10 năm đầu mới gắng mua góp được một căn hộ nhỏ nếu như chỉ đi làm công chức và tiết kiệm hết mực.
Gia đình anh Ngọc cũng vậy. Đến nay đã hơn 5 năm từ ngày hai vợ chồng anh lên Hà Nội lập nghiệp nhưng vẫn chỉ đang ở trong một căn phòng trọ cho thuê. Phải tích góp đủ bề và vay mượn nhiều nơi, anh Ngọc mới dám dự định mua trả góp căn hộ chung cư 65m2 tận bên Đông Anh vào cuối năm nay. Trải qua những thiếu thốn, áp lực về kinh tế, công việc, không ít lần đôi vợ chồng nản lòng nhưng chưa bao giờ từ bỏ ý định sống lại Hà Nội.
Quyết tâm ở lại Thủ đô đến cùng là điều mà không phải nhiều bạn trẻ, gia đình trẻ hiện nay có thể làm được. Khi hỏi về nguyên nhân cho những động lực phấn đấu trên, anh Ngọc cười và nói: “Tất cả vì con cái của mình thôi. Ít ra con mình sẽ không còn cảnh bắt đầu đầy khó khăn như bố mẹ nó hiện tại.
Ở thành phố, môi trường học tập sẽ năng động hơn, con được khám phá nhiều thứ và đặc biệt là có một nền tảng tốt để phát triển mà không cần bận tâm quá nhiều về chỗ ở như mình hôm nay”.
Đây cũng là lý do khiến nhiều gia đình trẻ hiện nay quyết tâm bám trụ thành phố. Cuộc sống luôn là chuỗi những thử thách và khó khăn nhưng theo một cách nào đó nó vẫn đẹp nếu mục đích hướng đến của mỗi người, mỗi gia đình là chính đáng./.