Aa

ChatGPT có thể trở thành "nhân lực mới" của ngành bất động sản?

Thuý Quỳnh
Thuý Quỳnh quynhbui.reatimes@gmail.com
Thứ Ba, 07/02/2023 - 06:15

Mới ra mắt được vài tháng, ChatGPT đã gây ra những lo ngại về việc có thể thay thế vai trò, vị trí của con người trong một số lĩnh vực, mà môi giới bất động sản cũng không nằm ngoài khả năng đó.

ChatGPT - cơn sốt trí tuệ nhân tạo toàn cầu

Chính thức ra mắt cuối tháng 11/2022, thậm chí chưa mở rộng phạm vi toàn cầu nhưng chỉ sau 2 tháng, ChatGPT đã đạt được con số 100 triệu người dùng - thành quả mà TikTok phải mất 9 tháng, Instagram phải mất 2,5 năm sau khi ra mắt toàn cầu mới có thể đạt được. Ngay cả khi chưa có mặt chính thức tại Việt Nam, ChatGPT cũng đã tạo ra cơn sốt khắp các mặt báo và các trang mạng xã hội. Vậy ChatGPT là gì?

ChatGPT (tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer) là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được phát triển từ mô hình GPT-3.5 của công ty khởi nghiệp OpenAI. ChatGPT đại diện cho thế hệ tiếp theo của Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) của OpenAI, có khả năng tạo ra văn bản với độ chính xác và mạch lạc cao, tương tác với con người dưới hình thức đối thoại một cách tự nhiên như người thật. Khác với Google Search yêu cầu con người phải tìm kiếm và tự tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn để trả lời một câu hỏi nào đó, ChatGPT có thể sản xuất câu trả lời với tốc độ đáng kinh ngạc. 

Giao diện trang chủ của ChatGPT. (Nguồn: OpenAI)

Điểm đặc biệt khiến ChatGPT ưu việt hơn các ứng dụng chatbot AI khác chính là cách nó trả lời dựa trên việc dự đoán mong đợi của con người. ChatGPT hoạt động dựa trên phiên bản mô hình GPT-3, được đào tạo dựa trên lượng văn bản khổng lồ trên Internet để trả lời câu hỏi của con người bằng cách truy tìm và tổng hợp thông tin. Tuy nhiên câu trả lời thường không đáp ứng được kỳ vọng của người hỏi trong tình huống cụ thể.

Để khắc phục điểm yếu này, ChatGPT đã được nâng cao bằng cách sử dụng phản hồi của con người thông qua kỹ thuật "Học tăng cường từ phản hồi của con người" (RLHF) để giảm thiểu lỗi sai trong câu trả lời. Từ đó, ChatGPT có thể đạt được sự hiểu biết sâu sắc hơn về ngôn ngữ so với các chatbot AI trước đây. Ứng dụng này cũng là trường hợp đầu tiên sử dụng RLHF cho một mô hình ngôn ngữ lớn được sử dụng rộng rãi. 

Nhờ vào những đột phá khoa học, ChatGPT được tờ New York Times gọi là "Chatbot AI tốt nhất từng được phát hành". Ứng dụng này có thể viết văn, làm thơ, dịch thuật, tra cứu, sáng tác nhạc, viết code, ra đề bài cho sinh viên, thậm chí là đưa ra lời khuyên. ChatGPT cũng có khả năng ghi nhớ và truy vấn các cuộc hội thoại cũ để tiếp tục trả lời những câu hỏi. Nó cũng được lập trình để không đưa ra câu trả lời chính xác cho những câu hỏi có tính chất tiêu cực, bạo lực như "cách làm ra một quả bom tự chế", mà thay vào đó là các lời cảnh báo hữu ích. 

ChatGPT có thể đưa ra lời khuyên hoặc ý tưởng sáng tạo. (Ảnh: Thúy Quỳnh) 

Đương nhiên, ChatGPT cũng có mặt trái. Các chuyên gia quan ngại rằng, với tốc độ xử lý thông tin và sản xuất văn bản rất nhanh của ChatGPT, kẻ xấu có thể sản xuất hàng loạt tin giả trong thời gian ngắn và phát tán chúng lên Internet, khiến dư luận không thể phân biệt đúng sai. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học và cao đẳng đã bắt đầu cấm sinh viên sử dụng ChatGPT để tránh tình trạng gian lận. Đơn cử, 4 tiểu bang của Úc là New South Wales, Queensland, Western Australia và Tasmania đã ban hành các lệnh cấm nghiêm ngặt đối với ứng dụng trí tuệ nhân tạo này trong các trường công lập. 

Mặc dù vậy, ChatGPT vẫn sẽ được phát triển theo hướng hỗ trợ tích cực cho hoạt động của con người và ngăn chặn hành vi lợi dụng với ý đồ xấu. Mới đây, công ty mẹ OpenAI cũng đã nhận được khoản đầu tư lên đến 10 tỷ USD từ Microsoft để tích hợp ứng dụng này vào các sản phẩm của Microsoft, nhằm cạnh tranh trực tiếp với đối thủ Google. Theo ông Samuel H. Altman, "cha đẻ" của ChatGPT, phiên bản hiện tại là "bản demo ban đầu về những gì có thể". Nghĩa là ứng dụng này có thể tiếp tục mở rộng các tính năng trong tương lai gần và sẽ khiến người dùng còn ngạc nhiên hơn nữa về những gì nó có thể làm được.

Môi giới bất động sản phiên bản AI?

Ngay khi ChatGPT nổi lên như một siêu AI có thể giao tiếp như con người, nhiều người đã lo lắng rằng ứng dụng này có thể thay thế nhân sự của một số ngành nghề liên quan đến giao tiếp và viết lách như nhân viên truyền thông, nhà báo, tư vấn luật... Môi giới bất động sản cũng không nằm ngoài danh sách đó. Vậy câu hỏi đặt ra là, với việc ChatGPT có thể chiếm lĩnh kiến thức bất động sản và giao tiếp như một người thực thụ, liệu môi giới bất động sản có bị thay thế trong tương lai?

Có lẽ không có câu trả lời hoàn toàn có hoặc không cho câu hỏi này, mà phụ thuộc vào cách con người tiếp cận với vai trò của AI trong công việc và đời sống hằng ngày. Không chỉ là ChatGPT, các ứng dụng khác của AI sẽ tiếp tục được phát triển với trí thông minh đáng kinh ngạc và tốc độ xử lý/phản ứng thông tin tính bằng giây, vượt xa khả năng của một người bình thường. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ của con người là học cách làm chủ và điều khiển AI để tối ưu hóa hiệu suất làm việc, chứ không phải đặt mình vào vị trí có thể bị thay thế bởi trí tuệ nhân tạo và lo lắng về sự mở rộng của chúng. 

Các môi giới bất động sản tại một số quốc gia được chính thức sử dụng ChatGPT tỏ ra khá thích thú với ứng dụng này. Chia sẻ với tờ CNN trong một bài viết được xuất bản ngày 28/1/2023, anh Johannes - một môi giới bất động sản, hào hứng nói rằng ChatGPT có thể giúp anh sản xuất một bài viết quảng cáo cho một căn hộ 4 phòng ngủ trong vòng chưa đầy 5 giây - công việc mà thông thường anh phải mất hàng giờ để làm. Anh Frank Trelles, một môi giới bất động sản làm việc tại Miami (Mỹ), cũng sử dụng ChatGPT để tính toán các khoản thanh toán thế chấp hoặc lợi tức đầu tư cho khách hàng. Anh Trelles cảm thấy rất ngạc nhiên, khi ChatGPT cho anh câu trả lời chỉ trong 2 giây. 

ChatGPT có thể sản xuất bài quảng cáo sản phẩm bất động sản trong thời gian rất ngắn. (Ảnh: Thúy Quỳnh)

ChatGPT có thể giúp nhà môi giới tiết kiệm thời gian nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó để tư vấn cho khách hàng. Ông Filippo Incorvaia, Giám đốc điều hành của Công ty môi giới bất động sản FI, không hiểu rõ ngành chăn nuôi gia cầm nhưng ông cần tư vấn cho một khách hàng thương mại về trung tâm phân phối gia cầm. Thay vì mất hàng tiếng đồng hồ để nghiên cứu về ngành chăn nuôi, ông Incorvaia chỉ mất 5 phút làm việc với ChatGPT cho những kiến thức mà mình cần. Phần việc còn lại là kết nối với khách hàng. 

Ông Incorvaia chia sẻ: "Đó là cách tôi tối ưu hóa dịch vụ của mình và sau đó vận dụng chuyên môn, kiến ​​thức mà tôi có về khách hàng để mang lại kết quả tốt nhất. Đó cũng là cách khiến bạn trở thành một nhà môi giới siêu hạng và với ChatGPT, mọi người đều có thể trở thành một nhà môi giới siêu hạng".

Hầu hết các chuyên gia đều nhất trí rằng việc ChatGPT ngày càng mở rộng vai trò trong ngành công nghiệp bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành của những công ty môi giới bất động sản đang thử nghiệm ChatGPT trong chu trình làm việc của mình đều cho rằng, ứng dụng này hỗ trợ nhân viên làm việc hiệu quả nhiều hơn là thay thế họ. Bởi môi giới bất động sản hay cố vấn tài chính đều là những công việc không chỉ đòi hỏi kiến thức về thị trường và pháp luật, mà còn thành công dựa vào mối liên hệ cá nhân với khách hàng - thứ mà AI không thể thay thế được. Khách hàng vẫn sẽ cảm thấy đáng tin hơn khi trò chuyện với một chuyên gia tư vấn có cảm xúc hơn là với người máy được lập trình sẵn. 

Ông Ian Bel, Giám đốc điều hành tại Olive Tree Holdings, công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Hoa Kỳ đang thử nghiệm ChatGPT chia sẻ rằng, trong tương lai của ngành bất động sản, mất việc làm là tình trạng có thể xảy ra nhưng nó "không kinh khủng như nhiều người đang lo sợ". Điều quan trọng hơn cả là công nghệ giúp con người tập trung vào việc đánh giá tiềm năng của khách hàng và nâng cao hiệu suất. 

Như vậy, ChatGPT có thể rút ngắn khoảng cách về kiến thức giữa các môi giới bất động sản và nhấn mạnh tầm quan trọng của các mối quan hệ cá nhân và sự thấu hiểu khách hàng. Thay vì quan ngại bị thay thế, nhân lực ngành bất động sản nên học cách điều khiển ứng dụng này để nâng cao năng suất làm việc, tăng cường giá trị cho bản thân. Trước sự phát triển của bất kỳ công nghệ mới nào, người có thể nắm bắt nhanh chóng công nghệ sẽ tự đem đến cho mình cơ hội thăng tiến và không lo ngại bị đào thải./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top