Aa

ChatGPT - Làm gì mà phải hốt!

Thứ Ba, 28/02/2023 - 06:20

ChatGPT là từ khóa công nghệ hot nhất hiện nay và như đang tiếp thêm luồng sinh khí mới vào cuộc cách mạng công nghệ 4.0, đồng thời cũng làm dấy lên không ít tranh cãi và lo ngại. Nhưng làm gì mà phải hốt!

Những ngày này, dường như cả thế giới phát sốt lên vì một ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên mạng Internet có tên ChatGPT. Chỉ cần gõ "ChatGPT" lên công cụ tìm kiếm Google, chỉ trong vòng 0,49 giây đã cho ra 649.000.000 kết quả. Hơn sáu trăm triệu kết quả trong chưa đầy một giây, một con số khổng lồ thể hiện sự quan tâm khủng khiếp của dư luận và xã hội. Chẳng thế mà ChatGPT lập kỷ lục là một trong những ứng dụng Internet có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh nhất lịch sử, cán mốc 100 triệu người dùng chỉ sau 2 tháng ra mắt và ChatGPT đang là từ khóa công nghệ hot nhất hiện nay.

Cho đến giờ phút này, có lẽ rất nhiều người dùng ở Việt Nam đều đã biết hoặc ít nhất là nghe nói đến ứng dụng này. Theo các tài liệu công nghệ, có thể nói một cách khái quát về ChatGPT như thế này: ChatGPT, tên gọi đầy đủ là Chat Generative Pre-training Transformer, là chatbot tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty khởi nghiệp OpenAI phát triển. Điểm đáng chú ý của ChatGPT là dựa trên kho kiến thức khổng lồ giúp ứng dụng có thể trả lời tương đối đầy đủ các câu hỏi mà người dùng đưa ra, bất kể về lĩnh vực gì, từ làm thơ, soạn nhạc, viết luận văn, tư vấn tình cảm cho đến lập trình…

Ảnh minh họa: Internet

Quả là một ứng dụng trong mơ!

Nhân loại lập tức đón nhận ChatGPT một cách từ tò mò đến kinh ngạc, từ phấn khích đến e ngại rồi lo sợ. Tò mò, kinh ngạc, phấn khích bởi khả năng của ChatGPT là quá rộng và quá lớn, và nói tóm lại là nó có thể thay thế rất nhiều công việc mà từ trước đến nay vốn có thể coi là "đặc hữu" của con người.

Trò chuyện với con người "như một con người" còn có thể hiểu được, bởi ChatGPT được đào tạo để sử dụng một kho dữ liệu khổng lồ do chính con người tạo ra. Hãy hình dung thế này, Truyện Kiều của Nguyễn Du có 3.254 câu, nhân ra câu sáu câu tám là 11.389 chữ mà đã được coi là bao quát mọi tình huống và trạng thái tình cảm của con người, đến mức sản sinh ra một hình thức bói toán dân gian là "bói Kiều", thì kho dữ liệu khổng lồ của ChatGPT tổng hợp kiến thức toàn nhân loại từ năm 2021 trở về trước và sử dụng sức mạnh điện toán, sẽ dễ hiểu là "thừa" khả năng trả lời các câu hỏi phù hợp với từng hoàn cảnh và trạng thái cảm xúc cụ thể của con người.

Đó là chưa kể, trong quá trình tương tác với con người, ChatGPT sẽ lại "khôn lớn" lên nhanh chóng nhờ tiếp thu thêm trí khôn và nguồn dữ liệu từ người dùng ngay trong quá trình tương tác. ChatGPT càng "khôn" thì càng nhiều người tương tác, và càng nhiều người tương tác thì ChatGPT càng "lớn khôn" lên rất nhanh. Và vòng quay ấy cứ lặp đi lặp lại như được tiếp thêm gia tốc nên sẽ ngày càng "quay" nhanh hơn…

Nhưng dù sao đó cũng chỉ là "tám chuyện", còn soạn nhạc, làm thơ, lĩnh vực mà chất lượng và thành công của nó hoàn toàn được chi phối và quyết định bởi phút giây cảm xúc của thăng hoa một con người cá nhân cụ thể, địa hạt mà thậm chí còn được cho là của riêng các tài năng, thậm chí là thần đồng mới chạm tới, thế mà ChatGPT còn làm được thì thử hỏi ChatGPT có khác gì con người và còn việc gì mà ChatGPT không "lấn sân" được? Chính vì vậy, con người bỗng giật mình lo sợ, thậm chí đi đến hốt hoảng thực sự, rằng ChatGPT sẽ "cướp" việc làm của mình. Bác sĩ sợ mất việc, giáo viên sợ ChatGPT sẽ thay thế mình… Đến nhà thơ còn lo ChatGPT chiếm chỗ thì thử hỏi liệu còn có ai có thể cảm thấy "yên ổn" được chăng?

Ảnh minh họa: Internet

Lịch sử không phải không có, nếu không muốn nói là rất nhiều nỗi lo sợ như thế. Đơn cử: Đầu thế kỷ 19, nước Pháp đã chứng kiến những người thợ dệt ở Lyon kéo đến đập phá tan tành chiếc máy dệt tự động đầu tiên do Joseph Marie Jacquard chế tạo, vì họ lo sợ chiếc máy sẽ cướp hết công việc của mình, thậm chí tác giả của phát minh đó còn bị quẳng xuống sông Rhone đó sao. Chẳng nói đâu xa, ngay ở nước ta, khi triển khai các dự án xây dựng những cây cầu vượt sông thay thế cho việc qua sông bằng phà trước đó, như phà bãi Cháy, phà Phả Lại ở phía Bắc, phà Gianh ở miền Trung, phà Mỹ Thuận, phà Cần Thơ, phà Rạch Miễu ở phía Nam… cũng chả dấy lên sự lo ngại về việc giải quyết công ăn việc làm cho các công nhân vận hành các bến phà trước đó là gì…

Vậy mà bây giờ, ChatGPT lại có thể thay thế rất nhiều công việc, và với sự "trưởng thành" lớn nhanh như Phù Đổng của nó, biết đâu chẳng đến lúc ChatGPT thay thế con người…

Thì đấy. Dù chỉ mới ra đời và đang ở khúc dạo đầu, nhưng con người đã thử sử dụng ChatGPT vào vô khối việc và cho những kết quả bất ngờ mà sau đây là một số ví dụ thực tế dẫn từ các thông tin của báo chí:

Vợ ảo: Một lập trình viên ở Nhật đã kết hợp ChatGPT và Stable Diffusion 2, AI vẽ ảnh từ văn bản của Stability AI, để tạo một waifu - vợ ảo (trong tiếng Nhật) đặt tên là ChatGPT-Chan. Cô "vợ ảo" này được tạo ra bằng sự kết hợp hàng loạt công nghệ hiện có như hệ thống tạo ngôn ngữ, bộ giả lập hình ảnh, công cụ chuyển văn bản thành giọng nói, công nghệ thị giác máy tính và tác giả của nó còn chi hơn 1.000 USD cho dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft để "vợ" mình được vận hành trơn tru.

Lập trình: ChatGPT cũng lập tức được các kỹ sư sử dụng để viết phần mềm và tìm lỗi. Theo CNBC, trong một báo cáo nội bộ bị rò rỉ, Google cho biết ChatGPT vượt qua bài kiểm tra cho vị trí lập trình viên L3, với mức lương trung bình một năm là 183.000 USD.

Viết báo: Còn nhà báo Anh Henry Williams thì kể mình đã thử tài ChatGPT bằng cách đặt chatbot này viết một bài về cổng thanh toán. Chỉ 30 giây sau, ông đã nhận được một bài viết với chất lượng nội dung đạt yêu cầu của ông, mà nếu ông viết được như vậy thì cũng phải mất hàng giờ. Sau khi kiểm chứng và hoàn thiện, nhà báo này đã gửi bài báo tới tòa soạn và được xuất bản với mức nhuận bút… 615 USD.

Viết sách: Và gần đây, ông Brett Schickler, nhân viên bán hàng ở TP. Rochester (bang New York, Mỹ), nhờ sự hỗ trợ của ChatGPT đã nhanh chóng tạo ra phiên bản sách điện tử dài 30 trang với đầy đủ ảnh minh họa cho thiếu nhi. Sau đó ông còn tự xuất bản cuốn sách đó trên kênh Amazon với tựa đề "The Wise Little Squirrel: A Tale Of Saving And Investing" (tạm dịch là "Chú sóc nhỏ thông minh: Câu chuyện về tiết kiệm và đầu tư"), với giá cho phiên bản sách điện tử là 2,99USD (71.000 đồng), trong khi bản in giá 9,99USD. Và tính đến giữa tháng 2, đã có hơn 200 bản sách điện tử trên trang Kindle của Amazon ghi ChatGPT là tác giả hoặc đồng tác giả.

Soạn thông cáo báo chí: Thậm chí, một cơ quan quan trọng của Mỹ như Lầu Năm Góc còn cho biết đã sử dụng ChatGPT để soạn thông cáo báo chí công bố lực lượng đặc nhiệm chống máy bay không người lái mới. Thông báo này được trung tâm Dịch vụ phân phối thông tin trực quan quốc phòng (DVIDS) thuộc Lầu Năm Góc phát đi ngày 8/2, cũng nói rõ "Thông cáo sau đây được tạo bởi ChatGPT của OpenAI". Trong đó, có đoạn nội dung ChatGPT viết rằng, đây là "nhóm binh sĩ được trao quyền chuyên trách thúc đẩy văn hóa đổi mới, cũng như theo đuổi các mối quan hệ đối tác trong ngành nhằm tạo hiệu quả chiến đấu trong tương lai. Nhóm đang tập trung vào việc chống lại mối đe dọa của những hệ thống máy bay không người lái cỡ nhỏ và phát triển các giải pháp sáng tạo cho các thách thức an ninh khác"…

Viết phát biểu cho tổng thống: Và có lẽ, nhiều người cũng không thể tin ChatGPT còn được sử dụng để viết bài phát biểu cho cả Tổng thống Israel, ông Isaac Herzog. Theo Jerusalem Post, ông Isaac Herzog đã có bài phát biểu khai mạc đặc biệt tại hội thảo về an ninh mạng Cybertech Global Tel Aviv 2023 ngày 1/2. Và trước gần 20.000 khán giả, ông tiết lộ rằng phần mở đầu phát biểu này do chính… ChatGPT viết; trong đó có đoạn: "Tôi thực sự tự hào là tổng thống của một quốc gia, nơi là quê hương của ngành công nghệ cao đang thực sự sôi động và sáng tạo. Trong vài thập kỷ qua, Israel luôn đi đầu về tiến bộ công nghệ, cũng như có nhiều thành tựu ấn tượng trong lĩnh vực an ninh mạng, AI và dữ liệu lớn"…

Vân vân và vân vân… Những ví dụ như thế sẽ ngày càng nhiều lên theo cấp số… lũy thừa, và rồi sẽ đến lúc trở thành "chuyện thường ngày ở huyện", chẳng ai buồn nói đến nữa…

Vậy ChatGPT có “đáng lo ngại” hay không?

Câu trả lời hiển nhiên là: Có!

Hiển nhiên bởi ngay từ khi mới đưa vào thử nghiệm, ChatGPT đã làm dấy lên không ít lo ngại, trong đó chí ít nổi lên là tính chính xác hay vấn đề đạo đức trong việc sử dụng ứng dụng này. Vả lại, cái gì cũng đều có hai mặt của nó. Ngay như phát minh ra Nhựa tổng hợp (Polyethylen - PE,  Polypropylene - PP và Polyvinylclorua - PVC, Nylon - PA…) từ dầu mỏ đánh dấu bước ngoặt lớn trong lĩnh vực vật liệu và mở ra sự ứng dụng mênh mông trong công nghiệp và đời sống, thậm chí còn được coi là "giải pháp bảo vệ môi trường" thì đến bây giờ, người ta cũng thấm thía về mặt trái của loại "siêu vật liệu" này với sự ô nhiễm rác nhựa ngày càng lớn và khó bề khắc phục, ngay cả khi đổ ra những chi phí lớn cho việc thu gom và xử lý loại "chất thải bền vững" này. Đến nỗi, người ta đã phải ví von đây là vật liệu "ra đời là ‘con cưng’, lớn lên là ‘loài quái’ đe dọa môi trường", hay "phát minh đỉnh cao thành kẻ thù của trái đất"… Huống hồ, ChatGPT vừa mới xuất hiện đã gây ra những tranh cãi lớn.

Tạm để sang một bên những tranh cãi và cảnh báo về tính đúng đắn, phạm trù đạo đức hay những hậu quả mà ChatGPT gây ra…, chỉ riêng việc sử dụng ChatGPT để làm luận văn của sinh viên cũng đã làm dấy lên những tranh luận và lo ngại trong lĩnh vực giáo dục. Và không chỉ còn là cảnh báo, trường hợp cụ thể một sinh viên ở Nga sử dụng ChatGPT để hoàn thành một luận văn trong vòng 23 giờ và được Hội đồng thông qua đã đặt ra những bài toán hóc búa cụ thể, thực sự cần sớm có lời giải của ngành giáo dục, các nhà trường, các giáo viên và toàn xã hội.

Ít nhất là nó đặt ra các vấn đề cần phải được xử lý ngay như: Học sinh, sinh viên có được sử dụng ChatGPT để viết luận văn hay không? Nếu được thì liệu có còn đảm bảo sự công bằng giữa một sinh viên phải nỗ lực trong thời gian dài để hoàn thành luận văn của mình với một sinh viên dùng "máy" để viết luận văn chỉ trong chưa đầy một ngày? Còn nếu "không", thì làm thế nào để ngăn chặn việc sinh viên "gian lận", và như thế thì liệu có bỏ phí một thành tựu của nhân loại hay không? Và còn vân vân và vân vân… những câu hỏi khác, thậm chí còn hóc búa hơn, mà ngành giáo dục cần trả lời ngay chứ không thể lẩn tránh, bởi nó đã hiện hữu và đã xảy ra những tình huống cụ thể…

Nhưng tôi sẽ không đi vào trả lời những câu hỏi cụ thể ấy, bởi đơn giản là sẽ không thể trả lời hết được, vì trả lời xong (xin nhấn mạnh là "xong" chứ không phải là "được", vì sẽ khó có sự minh định "được" hay "không được" của các kết quả đó) câu hỏi này, thì hiển nhiên sẽ có vô số câu hỏi khác phát sinh, và việc đi tìm kiếm các câu trả lời sẽ là vô nghĩa.

Vì vậy, thay cho câu trả lời, tôi xin phép đưa ra câu hỏi khác là: Có cần thiết và liệu có ngăn chặn được ChatGPT hay không?

Đến đây, có lẽ sự việc đã được rút đến tối giản bằng câu phủ định: Không cần và cũng không thể ngăn cản được ChatGPT.

Và nếu sự xuất hiện cũng như sử dụng ChatGPT là hiển nhiên thì chỉ còn cách "chung sống" với nó và tìm cách sử dụng ChatGPT một cách hiệu quả nhất cũng như hạn chế đến mức thấp nhất mặt trái của nó.

Lịch sử nhân loại phát triển theo hướng đi lên bằng một chuỗi những phủ định theo cách cái mới, cái tiến bộ phủ định cái cũ, cái lạc hậu… và cứ thế kéo dài bất tận đưa xã hội phát triển không ngừng. Khi một cái cũ bị phủ định tất nhiên cũng không tránh khỏi gây ra những hậu quả nhất định và kéo theo sự kháng cự, chí ít cũng là sự nuối tiếc, nhưng sự thay thế là tất yếu. Vì vậy, việc thích ứng, chung sống và tìm cách sử dụng chúng một cách hiệu quả nhất cũng là tất yếu và là sự lựa chọn duy nhất.

Ảnh minh họa: Internet

Do đó, thay vì việc bới móc, cố tìm ra những điểm yếu, mặt trái của ChatGPT để chê bai, dè bỉu…, thì có lẽ nên tư duy theo cách tích cực hơn. Chẳng hạn như, nếu đã có máy "sản xuất" luận văn thì có cần "bắt" sinh viên phải làm công việc này hay không? Hay cụ thể hơn là: Một sản phẩm (luận văn) mà máy móc đã có thể làm được, thì có nên đánh giá sinh viên bằng việc yêu cầu họ làm ra sản phẩm đó hay không? Một việc làm vừa lãng phí vừa rủi ro, bởi vừa bắt sinh viên làm cái việc mà AI đã làm được, lại còn làm nhanh hơn, lại phải nghĩ ra cách để giám sát không cho sinh viên "gian lận" sử dụng "máy móc" để hỗ trợ làm ra sản phẩm đó…

Như thế, thay vì hạn chế sinh viên sử dụng ChatGPT, hãy nghĩ ra cách khác để đánh giá năng lực sinh viên, thậm chí cần cả một cuộc cách mạng trong giáo dục bắt đầu từ sự thay đổi về triết lý giáo dục. Chẳng hạn, thay bằng việc viết luận văn rồi lấy đó làm căn cứ để cho sinh viên "tốt nghiệp", có thể chỉ cần xét tốt nghiệp qua điểm thi tốt nghiệp và bảng điểm qua các năm. Đồng thời, nghĩ ra một phương pháp khác để đánh giá năng lực thực sự của sinh viên (như phương pháp tư duy, sự sáng tạo…) qua những ý tưởng hay công trình nghiên cứu khoa học thực sự và lấy đó để xếp loại tốt nghiệp. Khi đó, đây mới là căn cứ quyết định trong quá trình tìm việc của sinh viên… Thậm chí, còn có thể táo bạo đến mức bỏ qua sự đánh giá sinh viên một cách máy móc, rập khuôn, cứng nhắc, và hãy để thực tế cuộc sống, lao động làm việc đó thông qua kết quả hữu ích.

Tất nhiên đây chỉ là giả dụ, chứ nếu tôi mà nghĩ ra được phương pháp mới để đánh giá sinh viên tốt nghiệp thì có lẽ tôi đã hơn AI rồi sao. Nhưng đại loại hãy theo nguyên tắc, cái gì mà máy móc, AI đã làm được thì hãy để máy móc và AI làm, còn con người hãy tìm cách sử dụng máy móc và AI một cách hữu hiệu hơn, hãy nghĩ ra việc cho AI làm còn con người thì sáng tạo ra những điều mới mẻ và làm những việc mà máy móc và AI không làm được. Muốn vậy, hãy làm một cuộc cách mạng trong giáo dục, và các lĩnh vực khác như ngành y, viết báo, lập trình, thống kê tổng hợp hay kể cả viết sách, làm thơ… cũng vậy.

Như vậy, AI sẽ dần thay thế con người (hay gọi là chiếm chỗ cũng được) trong từng công việc nhất định, và buộc con người phải động não để tìm ra những phương pháp tiên tiến hơn, xác lập vị thế mới của mình, để rồi chính điều đó sẽ lại thúc đẩy sự phát triển của xã hội cũng như con người. Thực ra, xã hội loài người từ trước đến nay vẫn tiến lên theo con đường như thế.

Vậy thì việc gì mà phải hốt!

Chỉ có những người không biết và không thể tự điều chỉnh mình theo xu thế của thời đại thì mới hoảng hốt trước sự phát triển của khoa học công nghệ và trước những đổi mới của xã hội mà thôi./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top