Aa

Châu Âu nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Thứ Hai, 05/11/2018 - 23:30

Nhựa đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, cũng như đời sống của con người. Tuy nhiên, cách thức thiết kế, sản xuất, sử dụng và thải bỏ các sản phẩm nhựa đang gây ra những tác hại đến môi trường.

Lượng rác thải nhựa trên biển đang ngày càng gia gia tăng, càng làm tăng thêm các tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái, đa dạng sinh học và sức khỏe con người. Vì thế, các quốc gia, khu vực cần phải chung tay giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa và giảm thiểu tác hại từ rác thải nhựa đối với môi trường, kinh tế và xã hội.

Với đặc tính bền, tiện lợi, được sử dụng rộng rãi trong đời sống, nhưng nhựa cũng có tính độc hại và không phân hủy sinh học nên gây ra nhiều tác động xấu đến môi trường biển. Bên cạnh đó, rác thải nhựa trên biển cũng gây thiệt hại cho các hoạt động du lịch, thủy sản, tàu biển và đe dọa đến chuỗi thức ăn, đặc biệt là hải sản. Trước những tác hại của nhựa đối với môi trường và hệ sinh thái biển, thời gian qua, thế giới đã có nhiều sáng kiến để giải quyết thách thức này, trong đó có châu Âu - nơi được xem là nguồn cung cấp sản phẩm nhựa chủ yếu của thế giới, nhưng đồng thời, cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ rác thải nhựa trên biển.

Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến rác thải nhựa

Nhận thấy rõ trách nhiệm trong vấn đề trên, Châu Âu đã cam kết sẽ triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa không chỉ trong khu vực, mà còn trên phạm vi toàn cầu. Cam kết đó được thể hiện rõ trong Chiến lược Nhựa của Ủy ban châu Âu (EC), cụ thể, châu Âu sẽ có các hành động mạnh mẽ hơn nữa để giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển dựa vào nỗ lực của các nước thành viên trong Liên minh châu Âu (EU). Rõ ràng, rác thải nhựa trên biển là vấn đề toàn cầu, vì rác di chuyển trong môi trường biển và rác của đất nước này có thể ảnh hưởng đến môi trường biển của nước khác. Vì thế, việc các quốc gia cùng hành động là cần thiết, đồng thời, cũng để đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn môi trường và pháp lý cho doanh nghiệp. Sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa trên biển của EC là một phần của phương pháp tiếp cận toàn diện hơn, có tên là Chiến lược Nhựa, Kế hoạch hành động về nền kinh tế tuần hoàn và quy định sửa đổi rác thải. Chiến lược Nhựa đã đưa ra cách tiếp cận mới đối với việc tái chế túi ni lông, gắn với quy định sửa đổi về rác thải. Chiến lược cũng đề cập đến hạt vi nhựa, nguồn rác thải đáng kể gây ô nhiễm biển. Đặc biệt, trong Dự thảo Chỉ thị Chất thải sửa đổi của EC đã bổ sung các nguyên tắc và mục tiêu cơ bản, trong đó có mục tiêu đến năm 2030, phải thực hiện tái chế chất thải đô thị và túi ni lông.

Bên cạnh kế hoạch tái chế túi ni lông, Liên minh châu Âu (EU) còn đang nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm BVMT. Mới đây, EU đã đề xuất lệnh cấm đối với các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần, nhằm ngăn chặn, giảm thiểu lượng rác thải ni lông trong sản phẩm nhựa dùng một lần và các dụng cụ đánh bắt cá (thông qua việc hạn chế thị trường, hoặc nhà sản xuất phải trả chi phí để xử lý môi trường…). Lệnh cấm có thêm các nội dung liên quan đến hoạt động thiết kế, tái chế, hạt vi nhựa... Qua đó, sẽ tạo ra mô hình kinh doanh mới (mô hình tái sử dụng) và tăng cường các vật liệu thay thế, cũng như vật liệu đa dụng; đồng thời, giải quyết được 2 vấn đề chủ yếu của rác thải biển ở châu Âu, đó là các sản phẩm nhựa dùng một lần và ngư cụ (chiếm 84% rác thải nhựa trên biển). Lệnh cấm cũng đưa vào danh sách 10 loại sản phẩm nhựa dùng một lần được tìm thấy nhiều nhất trên các bãi biển của châu Âu, chiếm tới hơn 1/2 lượng rác thải nhựa trên biển. Đây cũng là những loại rác thải nhựa tại các vùng biển của Mỹ và các quốc gia khác.

Năm 2015, Báo cáo về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn của EC đã đề xuất cần phải làm mới pháp luật liên quan đến chất thải tại EU và đến tháng 12/2017, Luật mới đã đạt được sự đồng thuận của các cơ quan liên quan. Luật mới bao gồm các quy định chung về ngăn chặn rác và rác thải trên biển. Ngày 16/1/2018, EC đã thông qua Chiến lược của châu Âu về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn, trong đó xác định, rác thải trên biển vẫn là vấn đề của châu lục và nhựa là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Chiến lược nhấn mạnh, trong kế hoạch hành động của châu Âu, sẽ tăng cường các hành động đối với ngư cụ, bao gồm thúc đẩy trách nhiệm của nhà sản xuất và các phương án ký quỹ.

Lượng rác thải nhựa tại các bờ biển ở châu Âu ngày càng gia tăng

Lượng rác thải nhựa tại các bờ biển ở châu Âu ngày càng gia tăng

Ngoài Chiến lược trên, Quy định Kiểm Soát chính sách chung trong ngành thủy sản cũng đề cập đến các biện pháp báo cáo và tìm lại ngư cụ bị mất, thủ tục đánh dấu ngư cụ. Quỹ Hàng hải và thủy sản châu Âu (EMFF) đề nghị các nước thành viên hỗ trợ tài chính cho việc thu gom rác thải biển, cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng cho cảng biển để thu gom rác thải. Quy định pháp lý của EC năm 2018 đối với cơ sở tiếp nhận tại cảng biển bao gồm các biện pháp đảm bảo chất thải phát sinh trên tàu, hoặc trên biển được đưa về đất liền và quản lý đầy đủ. Ngày 30/5/2018, EC đã thông qua một đề xuất về đánh giá Hệ thống kiểm soát thủy sản, qua đó, cải thiện các quy định về báo cáo ngư cụ bị mất, cụ thể trong việc giới thiệu và thu hồi báo cáo.

Thúc đẩy sự quan tâm của người dân châu Âu đối với rác thải nhựa

Khảo sát của Tổ chức Eurobarometer cho thấy, người dân châu Âu rất quan ngại về tác động của các sản phẩm nhựa đối với sức khỏe (74%) và với môi trường (87%); 33% người dân cho rằng, ô nhiễm biển là vấn đề môi trường quan trọng nhất hiện nay. Vấn đề rác thải nhựa trên biển đã nhận được sự quan tâm của người dân ở nhiều nơi tại châu Âu thông qua các phim tài liệu của Đài BBC như Đại dương nhựa, Hành tinh xanh (phần II). Bên cạnh đó, sự đồng thuận của người dân trong việc thực hiện Chỉ thị Túi ni lông cũng đạt được kết quả tốt đẹp. Điều đó thể hiện qua việc giảm thiểu tiêu thụ túi ni lông khi áp dụng khoản thu phí nhỏ đối với túi ni lông nhẹ (khoảng 0,10 €) trong một thời gian ngắn. Tại Ai-len, việc áp dụng thuế đối với mua sắm túi ni lông không chỉ giúp giảm 90% túi ni lông ở các cửa hàng bán lẻ, mà còn giảm số lượng túi ni lông trên các bãi biển, trung bình 18 túi /500 m (năm 1999) đến 5 túi/500 m (năm 2003).

Trong một cuộc tham vấn cộng đồng trong thời gian từ tháng 12/2017 - 2/2018 đã nhận được hơn 1,800 lượt đóng góp ý kiến, qua đó có thể thấy, cả các cơ quan liên quan, cũng như cộng đồng đều nhận thức rõ sự cần thiết triển khai hành động đối với nhựa dùng một lần (98,5% số người được hỏi cho rằng, hành động xử lý rác thải nhựa dùng một lần là cần thiết; 95% người cho rằng, hành động đó là cần thiết và cấp bách; hơn 70% nhà sản xuất, 80% cơ sở tái chế cũng cho rằng, xử lý rác thải nhựa dùng một lần là cần thiết và cấp bách).

Máy bán hàng tự động đổi chiều thu gom chai lọ nhựa tại các siêu thị và khu vực công cộng ở Ai-len

Máy bán hàng tự động đổi chiều thu gom chai lọ nhựa tại các siêu thị và khu vực công cộng ở Ai-len

Mặc dù, nhận thức rõ về vấn đề trên, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng và thải bỏ các loại nhựa dùng một lần không hợp lý. Để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới năm 2018 (5/6), EC đã phát động Chiến dịch nâng cao nhận thức trên toàn châu Âu về sự lựa chọn của người tiêu dùng và nêu bật vai trò của mỗi cá nhân trong việc chống ô nhiễm nhựa, cũng như rác thải biển. Chiến dịch nhằm mục đích giúp cho người dân - những người đã hiểu được tình hình nghiêm trọng của rác thải trên biển, nhưng vẫn chưa thay đổi sự lựa chọn trong tiêu dùng hàng ngày của mình. Qua đó, thúc đẩy việc lựa chọn những vật liệu thay thế nhựa dùng một lần, thu hút sự tham gia hành động của cộng đồng dân cư châu Âu trong cuộc chiến giảm thiểu sản phẩm nhựa dùng một lần.

Các nước EU nỗ lực giảm thiểu rác thải nhựa

Ngoài nỗ lực chung của cộng đồng EU, thời gian qua, nhiều nước thành viên EU đã và đang triển khai các hoạt động mạnh mẽ để giải quyết vấn đề rác thải nhựa.

Hà Lan: Đổi mới trong xử lý chất thải

Hà Lan được xem là một trong những nước châu Âu sáng tạo nhất trong hoạt động giảm thiểu và xử lý nhựa. Trong công tác thu gom rác thải, người dân phải trả tiền cho việc xử lý rác, chứ không phải trả tiền cho rác tái chế. Điều đó có nghĩa là bạn càng thải bỏ nhiều, bạn càng phải trả nhiều tiền, từ đó góp phần tăng cường tái chế rác thải.

Đặc biệt, Công ty Ioniqa Hà Lan có kế hoạch xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa hiện đại trong năm tới. Khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp loại bỏ tất cả các tạp chất có trong chai nhựa và làm cho nhựa trong chai đó trở thành nguyên liệu thô để tạo ra một sản phẩm nhựa mới. Vì thế, việc phân loại và tái chế nhựa sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết và Unilever đã ký kết hợp đồng đối tác với Công ty Ioniqa Hà Lan về vấn đề này.

Na Uy: Máy bán hàng tự động đổi chiều

Các nước ở Bắc Âu từ lâu đã nổi tiếng về thực hiện trách nhiệm đối với môi trường, đặc biệt là Na Uy. Từ năm 1972, Na Uy đã sử dụng "máy bán hàng tự động đổi chiều" để thu gom các vật liệu có thể tái chế. Máy được đặt ở bên ngoài các siêu thị, trường học và những khu vực công cộng. Các máy bán hàng tự động trên là một phần trong Chương trình đổi vỏ chai lấy tiền trên toàn quốc và người dân Na Uy đem chai lọ nhựa đưa vào máy, rồi nhận phiếu mua hàng siêu thị, hoặc tiền mặt. Hiện nay, tại Na Uy, 97% các chai, lọ nhựa được tái chế và hệ thống máy bán hàng trên đã đạt được những kết quả tích cực và nhiều quốc gia khác đang học tập mô hình này.

Tại quần đảo Isole Tremiti (Ý), tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần đều bị cấm hoàn toàn

Tại quần đảo Isole Tremiti (Ý), tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần đều bị cấm hoàn toàn

Ý: Các hòn đảo không có nhựa

Khi nói đến tỷ lệ tái chế rác thải, Italia luôn xếp hạng cao trong danh sách các nước châu Âu tái chế nhiều nhất. Đặc biệt, tại quần đảo Isole Tremiti (Ý) đã đi đầu trong cuộc chiến giảm thiểu rác thải nhựa. Từ ngày 1/5/2018, chính quyền Isole Tremiti đã cấm tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần, nếu vi phạm quy định trên sẽ phải nộp phạt khoảng 500 Euro. Ngoài ra, các hòn đảo khác, trong đó điểm du lịch nổi tiếng Adriatic cũng có kế hoạch giảm thiểu rác thải nhựa trên biển, để bảo vệ tài nguyên sinh vật biển.

Ai-len: Thuế dành cho túi ni lông

Ai-len cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc giảm thiểu ô nhiễm từ túi ni lông. Năm 2002, Chính phủ Ai-len đã đưa ra mức thuế tiêu thụ túi ni lông là 15 cent và đã nhanh chóng đạt được kết quả. Tại thời điểm đó, ở Ai-len, trung bình mỗi người dân tiêu thụ 350 túi ni lông. Đến năm 2012, con số này đã giảm xuống còn 14 túi. Tiền thu được từ thuế tiêu thụ túi ni lông được sử dụng để hỗ trợ cho công tác quản lý chất thải và các chương trình môi trường khác trên đấy nước. Mô hình trên đã được nhân rộng trên toàn thế giới và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác nhằm áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn thông qua việc thực hiện tất cả các lệnh cấm. Bên cạnh các chính sách của Nhà nước, người dân Ai-len cũng có các sáng kiến để giảm thiểu túi ni lông, gần đây nhất là phong trào "mua sắm và vứt bỏ túi ni lông" được phát động trên phạm vi toàn quốc. Người mua hàng bỏ lại túi ni lông ở siêu thị để các công ty và người tiêu dùng buộc phải cắt giảm nhựa không cần thiết.

Pháp: Cấm các loại túi và tất cả các sản phẩm nhựa dùng một lần

Cách đây 2 năm, Pháp đã thông qua một bộ luật về các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tháng 9/2016, Chính phủ Pháp đã thực hiện kế hoạch 4 năm để giảm thiểu các loại cốc nhựa, dao kéo và đĩa không phân hủy được, trong đó đề ra mục tiêu đến năm 2020, sẽ cấm tất cả các loại nhựa dùng một lần trên phạm vi toàn quốc. Trước đó vào năm 2014, Pháp đã ban hành lệnh cấm mua sắm với túi ni lông và hầu hết các cửa hàng đều cung cấp túi giấy, hoặc các túi có thể tái sử dụng để thay thế túi ni lông. Ngoài các chính sách pháp luật trên, các chính sách môi trường khác cũng được Chính phủ Pháp ban hành trong những năm gần đây.

Có thể nói, với quyết tâm chống lại ô nhiễm chất thải nhựa và túi ni lông, thời gian qua, châu Âu đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng như xây dựng các chính sách, chiến lược kiên quyết nhằm ngăn chặn việc gia tăng rác thải nhựa; thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức cho người dân; tăng cường tái chế và tái sử dụng chất thải; phát minh chế tạo những sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường… Những sáng kiến và giải pháp của châu Âu đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đó là động lực để toàn thế giới cùng chung tay giải quyết vấn đề cấp bách này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top