Aa

Cháy chung cư, Kỳ 1: Thiết kế lối thoát hiểm là việc cấp bách

Hồng Vũ
Hồng Vũ pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 25/03/2018 - 20:40

Vụ cháy chung cư Carina Plaza gây thiệt hại nặng nề về người và của mới đây một lần nữa đánh thêm tiếng chuông báo động về tình hình an toàn PCCC tại các tòa nhà chung cư, công trình cao tầng. Câu hỏi đặt ra là: Đâu là nguyên nhân dẫn đến rủi ro và làm sao để kiểm soát, hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả khi xảy ra cháy?

Lối thoát ở đâu? 

Sau hàng loạt vụ cháy chung cư, cơ quan chức năng chủ yếu đưa ra kết luận nguyên nhân dẫn đến xảy ra cháy do chập cháy đường điện, ổ điện... hệ thống báo cháy không hoạt động, lỗi kỹ thuật, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo, thậm chí có cả nguyên nhân bởi sự vô ý của cư dân sinh sống trong tòa nhà.

Rất nhiều lần các đơn vị quản lý PCCC tòa nhà chung cư đã chỉ ra rằng, nhiều chủ đầu tư xây nhà cao tầng, chung cư chỉ tìm mọi cách để bán được hàng, trong khi hệ thống PCCC của nhiều khu chung cư không được bảo trì, bị hỏng. Chưa kể các trường hợp dù hệ thống, phương tiện PCCC chưa được lắp đặt hoàn chỉnh và chưa được cơ quan chức năng kiểm tra, phê chuẩn nhưng tòa nhà vẫn được đưa vào vận hành với hàng trăm hộ dân cùng sinh sống. Hoặc đường thoát hiểm khi xảy ra cháy bị xâm phạm... Đây chính là những yếu tố khiến các vụ cháy nổ nhà chung cư, nếu xảy ra, càng thêm hậu quả nặng nề. 

Trao đổi với chuyên gia thiết kế dân dụng, PGS.TS Nguyễn Đình Thám, Trưởng Bộ môn Công nghệ và Quản lý xây dựng, Đại học Xây dựng Hà Nội, ông nhấn mạnh, ngoài việc tuân thủ theo các quy định về PCCC, chủ đầu tư còn phải tính đến lối thoát hiểm cho người dân, đảm bảo an toàn cao nhất cho người sử dụng.

PGS.TS Nguyễn Đình Thám phân tích: “Trên nguyên tắc thiết kế đã là nhà ở đông người thì phải có lối thoát hiểm và thường bố trí ở cách đường trung tâm giao thông chính của tòa nhà một khoảng cách đủ xa để người dân có thể thoát một cách dễ dàng. Ví như đường thoát hiểm phụ cầu thang thường bố trí ở đầu hành lang để khi sự cố tắc đường giao thông chính thì mọi người có thể thoát được.

Tầng hầm ở chung cư cũng là nơi dễ cháy nổ nhất vì ở đó tập trung xe cộ, có xăng dầu đều là các vật liệu dễ cháy, nên lối thoát hiểm sẽ không được nối xuống tầng hầm. Bởi có thể khi xảy ra cháy hơi nóng sẽ từ tầng thoát hiểm bốc lên phía trên làm đường thoát hiểm trở nên mất tác dụng. Theo đó, khi thiết kế lối thoát hiểm và lối đi xuống tầng hầm phải không được trùng nhau. Thường thì các tòa nhà sẽ ngắt quãng lối thoát hiểm ở tầng 1 để người dân xuống dưới sảnh tòa nhà”.

hết bàng hoàng sau vụ hỏa hoạn giữa đêm

Người dân chưa hết bàng hoàng sau vụ hỏa hoạn giữa đêm tại chung cư Carina Plaza

PGS. TS Nguyễn Đình Thám cũng cho hay, để các cư dân có thể thoát cháy nhanh trong trường hợp hỏa hoạn, có một số nguyên tắc là bố trí đường thoát hiểm chính, đường thoát hiểm phụ, phải có một số ô vừa đủ về chiều ngang để người dân có thể thoát ra và người cứu hỏa cũng có thể vào dễ dàng, nếu là cửa kính thì phải có thiết bị đập cửa kính.

“Hiện nay, điều kiện thiết bị chữa cháy còn nhiều hạn chế, việc bảo trì thiết bị PCCC cũng bị các đơn vị chủ quan bỏ qua thì việc thiết kế lối thoát hiểm hợp lý, an toàn còn cấp thiết hơn rất nhiều. Nếu chung cư nào chỉ có một loại thang thì khi cháy, khói bít bùng, không còn đường thoát thân, chắc chắn sẽ đe dọa đến người dân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như vụ cháy vừa xảy ra”, PGS. TS Nguyễn Đình Thám nhấn mạnh.

Các quy tắc bất di bất dịch trong quản lý vận hành để giảm thiểu rủi ro

Trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Công ty Cleve Việt Nam, thạc sĩ quản lý - Southern Leyte State University cho biết, thực tế hiện nay, nhiều chủ đầu tư, đơn vị quản lý tòa nhà vẫn chưa ý thức cao về công tác đảm bảo an toàn PCCC hoặc cố tình lờ đi, làm các công tác này một cách đối phó. Do đó, khi gặp sự cố cháy thì ứng phó thụ động và dẫn đến nhiều thiệt hại về người và vật chất.

Cũng là chuyên gia về quản lý rủi ro và vận hành tòa nhà, ông Sơn cho biết, có 5 hình thức bảo trì riêng biệt là: Bảo trì thường xuyên; Bảo dưỡng ngăn ngừa rủi ro; Bảo trì sửa chữa; Bảo trì thẩm mỹ; Bảo trì trì hoãn. Để phòng chống cháy nổ trong chung cư đạt hiệu quả, giảm thiệt hại tối đa, cần chú ý những điểm sau trong công tác quản lý, vận hành tòa nhà: 

Điều đầu tiên, phòng cháy quan trọng được đặt lên hàng đầu đó là công tác tuyên truyền và hướng dẫn cho toàn dân biết sử dụng các phương tiện chữa cháy, cách thoát hiểm, thoát nạn tại chính tòa nhà mình.

Thứ hai là tăng cường công tác kiểm tra bảo trì thường xuyên máy phát điện, máy bơm nước PCCC, tủ điện PCCC. Lưu ý đến thời gian sử dụng các thiết bị để tránh rủi ro khi sự cố xảy ra mà hệ thống PCCC không hoạt động như bình ắc quy không có điện nên không thể vận hành máy phát điện. Máy bơm nước PCCC, tủ điện PCCC luôn để chế độ “Auto” để sẵn sàng hoạt động khi có sự cố.

Máy phát điện cần có lộ điện ưu tiên phục vụ cho công tác chữa cháy vì nhiều sự cố cháy tòa nhà khi cúp điện nhưng máy phát điện hoạt động 1 lúc gặp nước gây điện giật chết người hoặc gây chạm điện làm “nhảy CB” dừng máy phát điện. Lúc này thì toàn bộ hệ thống PCCC của tòa nhà đều không hoạt động. Các lăng trụ chữa cháy ngoài nhà và vách tường phải luôn trong tình trạng có nước, bình cứu hỏa bột và khí luôn được kiểm tra định kỳ theo ngày, tuần, tháng, quý để đảm bảo bình luôn trong tình trạng tốt nhất.

Kiểm tra bảo trì thường xuyên hệ thống báo khói, báo nhiệt ở chung cư. Một số chung cư thường không kiểm tra định kỳ thường xuyên. Ban quản lý cắt giảm chi phí kiểm tra do trung bình tòa nhà chung cư có hàng nghìn các đầu báo này nên không đủ nhân sự, thiết bị và thời gian đi kiểm tra.

Việc báo cháy giả ở khu chung cư vẫn diễn ra thường xuyên gây nhiều hoang mang cho cư dân, nhiều Ban quản lý thiếu kinh nghiệm đã chọn giải pháp tắt luôn hệ thống này. Đến khi có cháy thật sự thì cư dân không hề hay biết.

Bên cạnh đó là kiểm tra thường xuyên vòi chữa cháy. Nhiều trường hợp vòi chữa cháy lâu năm không sử dụng và không kiểm tra thường xuyên hoặc không được phơi khô sau khi sử dụng, đến khi sử dụng thì đường ống đã bị mục và rách không chữa cháy được.

Có một điều là chủ đầu tư và cư dân thường bỏ qua đó là mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Luật đã quy định các khu chung cư cần mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc. Tuy nhiên, thực tế nhiều chung cư không thực hiện và các chủ sở hữu căn hộ cũng không được Ban quản lý hướng dẫn cùng mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc và bảo hiểm tài sản vật chất cho riêng căn hộ.

Từ vụ cháy chung cư Carina Plaza ông Sơn cho hay: “Nếu cháy từ tầng hầm thì việc đầu tiên là đóng toàn bộ cửa thoát hiểm dẫn từ hầm lên, dùng các vật dụng như giẻ, chăn, hay tương tự nhúng nước bịt các khe cửa. Sau đó xuống đến tầng gần tầng trệt nhất và thoát ra nơi có ban công hoặc các căn hộ gần tầng trệt nhất đóng kín cửa chèn khe cửa để hạn chế cho khói xông vào đồng thời di chuyển ra đứng ngoài ban công căn hộ ra tín hiệu cho đội cứu hộ, lúc đó xe chữa cháy hoàn toàn có thể cứu người và đảm bảo an toàn. Chung cư cần có sơ đồ thoát hiểm và thường xuyên tuyên truyền về kỹ năng thoát hiểm, thoát nạn, nâng cao ý thức về PCCC trong cư dân”.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top