Vai trò của thiết kế kiến trúc
Theo đánh giá của nhiều kiến trúc sư, chuyên gia xây dựng, trong một công trình, tính tiện nghi và an toàn trong thiết kế luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau. Đảm bảo tốt các tiện nghi sẽ giúp tăng độ an toàn và ngược lại, tai nạn cho cư dân sẽ tăng lên nếu các tiện nghi không được đảm bảo tốt. Thiết kế kiến trúc tòa nhà và căn hộ chung cư thường có độ phức tạp cao, càng đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về an toàn và tiện nghi cho nhiều người.
Bên cạnh những bất cập công tác đảm bảo an toàn PCCC, chuông báo cháy không kêu, nghiệm thu kết quả PCCC,... thì thiết kế kiến trúc, vị trí thoát hiểm, hệ thống giao thông cũng là những khía cạnh quan trọng cần xét đến, liên quan đến vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy. Cần trả lời được các câu hỏi: thang thoát hiểm liệu có đạt tiêu chuẩn chịu lửa và thông gió; giao thông có thuận lợi; khoảng cách an toàn tới vị trí thoát hiểm có đảm bảo,…
Đặc biệt, theo đánh giá từ giới chuyên môn việc ra đời các công trình hỗn hợp nhà ở chung cư có tầng thương mại, văn phòng đòi hỏi giới kiến trúc sư càng phải kì công hơn nữa trong thiết kế để đảm bảo không xung đột về các tiện ích nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho toàn bộ người dân trong tòa nhà.
Nhận xét từ bản vẽ mặt bằng ngang của chung cư Carina Plaza, TS. KTS Trần Minh Tùng, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội chia sẻ với Reatimes: "Chung cư này có một điểm đặc thù là xuất hiện giếng trời, thông từ dưới lên mái, tưởng tượng thì đây giống như một ống khói, do sự chênh lệch áp suất không khí, khi cháy khói từ tầng dưới trượt trong giếng trời lên hết các tầng và ra ngoài qua các lỗ trống và qua mái. Chung cư này đã để lọt khói vào thang thoát hiểm và giếng trời nên mới thấy cháy từ tầng hầm mà lại có khói trên nóc tòa nhà".
Theo phân tích của KTS. Trần Minh Tùng: “Hầu hết trong chung cư sẽ cực kì hạn chế làm giếng trời, khi không còn giải pháp gì nữa thì mới phải làm nhưng phải cần xử lý bằng các biện pháp đảm bảo an toàn. Thứ nhất giếng trời làm mất an toàn, với những tòa nhà hơn hai mươi tầng, nhìn vào trong giếng trời xuống dưới sẽ thấy một hố sâu bởi diện tích giếng trời ở Việt Nam chỉ khoảng 50-100m2, thậm chí là nhỏ hơn sẽ vừa không đẹp mà còn đem lại cảm giác không tốt với người sợ độ cao.
Thêm nữa, giếng trời để trong nhà chung cư sẽ gây ảnh hưởng đến các tầng trong tòa nhà, chưa nói chuyện cháy nổ mà chỉ cần một tầng có tiếng ồn thì gần như tất cả các tầng của cả tòa chung cư đó đều có thể nghe thấy, hoặc một tầng xào nấu gây mùi thì những tầng khác cũng có thể ngửi thấy. Theo đó, khi hướng dẫn sinh viên làm đồ án chung cư cao tầng, chúng tôi cũng khuyến khích sinh viên hạn chế làm giếng trời, gần như yêu cầu sinh viên không làm mà thay bằng giải pháp khác nhưng vẫn đảm bảo thông thoáng cho tòa nhà cũng như các căn hộ thành phần”.
Cụ thể, KTS Trần Minh Tùng đưa giải pháp thay giếng trời bằng việc thiết kế làm sân trong hay “bán giếng trời”. Sân trong có diện tích lớn, xuất hiện khi sắp xếp các đơn nguyên, cánh nhà vây quanh một khoảng không gian nên tăng cường ánh sáng tương đối tốt, thoáng khí cho cả 2 mặt nhà, phù hợp với khí hậu ở Việt Nam.
Với trường hợp “bán giếng trời”, nghĩa là có ít nhất 1 mặt tiếp xúc với môi trường bên ngoài chứ không khép kín cả 4 mặt như giếng trời thì sẽ tốt hơn cả về thông thoáng lẫn giảm thiểu việc dẫn khói, ảnh hưởng tiếng ồn hay mùi theo suốt chiều cao tòa nhà. Một cách khác nữa có thể tạo thông thoáng là “xẻ khe” trên các mặt đứng nhà để tăng diện tiếp xúc của nhà với môi trường bên ngoài. Xung quanh các khe thường bố trí ở các công trình phụ hoặc không gian kỹ thuật yêu cầu kín đáo nhưng vẫn phải thoáng như nhà bếp, chỗ phơi đồ, để cục nóng điều hòa... để hạn chế sự “luộm thuộm” thường thấy của các không gian này, tăng hấp dẫn về thẩm mỹ cho tòa nhà.
Ngoài ra, các khe trên mặt đứng của tòa nhà sẽ tạo ra các rãnh răng cưa, và đây cũng chính là những bẫy hút gió. Từ đó, tạo ra một sự thông thoáng cho mặt đứng, khi bị cháy, khói vào những khe này có thể theo gió bốc sang ngang ra khỏi công trình và hạn chế được việc khói bị đẩy lên cao.
KTS. Trần Minh Tùng phân tích: “Thực tế là khi xây chung cư, nhà ở thì không ai muốn có chuyện cháy nổ xảy ra và đó là nơi người ta sống cả đời cho nên gió tự nhiên luôn luôn được xem là hấp dẫn nhất, tốt nhất và kinh tế nhất. Về nguyên tắc thì ta vẫn ưu tiên tận dụng gió tự nhiên trước. Tuy nhiên gió cũng là nguyên nhân gây cháy to hơn, và không thể vì “sợ cháy” mà chúng ta phải đóng kín toàn bộ khối nhà, đặc biệt là trong điều kiện khí hậu nóng ẩm Việt Nam việc đóng kín này là bất hợp lý.
Theo đó, để phòng chống cháy thì vẫn phải có các thủ thuật khác ví dụ như phân vùng chống cháy trong công trình thông qua hệ thống các tường ngăn lửa. Nếu có đám cháy xảy ra thì tường ngăn được hạ xuống ngăn chia từng khu vực lửa, “nhốt” lửa lại không cho lan rộng. Tường ngăn lửa đó cũng có tác dụng ngăn gió thổi thông giữa các khu vực để tránh truyền nhiệt lượng trong tầng nhà và tòa nhà”.
KTS Trần Minh Tùng nhấn mạnh: “Khi nói về kiến trúc thiết kế an toàn phòng hỏa và thoát người khi có sự cố, ngay từ trong môn học thiết kế đồ án kiến trúc, chúng tôi đều nhấn mạnh với sinh viên nguyên tắc là phải làm sao tạo ra nhiều khả năng nhất, cơ hội nhất để con người có thể thoát nạn và an toàn. Ví dụ như đối với chung cư cao tầng, tối thiểu nhất khi có cháy, mỗi căn hộ ít nhất phải có 2 lối thoát vì nếu cháy ở lối này thì còn sử dụng lối kia, đặc biệt là các nhà ở cuối hành lang, cơ hội thoát nạn cũng có thể giống như nhà ở giữa hành lang”.
Cứu nạn bằng trực thăng có khả thi?
Nhìn lại các vụ cháy nhà chung cư, công trình cao tầng, có thể thấy nếu đám cháy xảy ra ở những tầng trên cùng, các tầng dưới có đường thoát là cầu thang bộ xuống dưới. Nhưng nếu đám cháy bắt nguồn từ tầng giữa, hoặc tầng cao thì việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn bởi các nguyên nhân tòa nhà quá cao, thang cứu hộ, tay cẩu không với tới. Nhiều chuyên gia cho rằng phải có thiết bị chữa cháy hiện đại như trực thăng mới có thể dập cháy cứu hộ cứu nạn nhanh chóng nhất.
Trao đổi với Reatimes, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội phân tích: “Bao năm qua, trong công tác phòng cháy chữa cháy, chúng ta mới tính đến trên diện mặt bằng, còn cứu hộ cứu nạn bằng trực thăng thì đã có quy hoạch nhưng vẫn còn vương ở vấn đề an ninh quốc phòng. Ngay như tại Hà Nội mới chỉ có một số khu vực, một số tòa nhà có xây dựng nóc để đậu trực thăng như bệnh viện 108, khu vực hồ Trúc Bạch, khu vực phía nam cầu Thăng Long. Nhưng hiện nay, tại các đô thị lớn, nhiều công trình cao tầng được xây dựng cũng là lúc cần đặt ra câu hỏi phải chăng một phương án cứu hộ từ đường hàng không là bức thiết?"
Dù vậy, KTS. Đào Ngọc Nghiêm cũng cho rằng, để xây dựng các phương án cứu hộ bằng trực thăng cần rất nhiều sự cố gắng, vào cuộc của các bên để đưa ra các giải pháp đồng bộ. Bởi trên thực tế, vấn đề này rất phức tạp. Cần phải xem xét cả quy hoạch các công trình cao tầng để kết hợp yếu tố cứu hộ một cách tốt nhất.
"Như ở viện 108 đã buộc phải di dời cả đường điện cao thế", KTS. Đào Ngọc Nghiêm lấy ví dụ.
Bên cạnh đó, vấn đề kinh phí cũng cần được tính toán kỹ lưỡng. Theo KTS. Đào Ngọc Nghiêm: "Ví như thang chữa cháy bao nhiêu năm nay Hà Nội cũng mới chỉ mua được có vài chiếc. Hơn nữa, ngay khi đặt vấn đề cứu hộ bằng trực thăng thì phải rà soạt kết cấu, quy hoạch các tòa nhà. Gần 600 nhà cao tầng thì phải tính đến phương án cứu hộ ở một số nhà có nguy cơ nguy hiểm nhất. Song song với đó, yếu tố an ninh vẫn là điều mà cơ quan quản lý còn đang cân nhắc. Ngoài ra, phải quy định là dự án có quy mô số căn hộ như thế nào thì cần có sân đỗ trực thăng để cứu hộ”.
Hơn hết, để đảm bảo an toàn PCCC, các đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà vẫn cần đáp ứng các quy chuẩn đã chỉ rõ về nguồn nước dự trữ cho chữa cháy, khoảng cách với tòa chung cư, có cấp nước thường xuyên, khối lượng bể chứa nước là bao nhiêu, nhà cao tầng bao nhiêu thì có bể chứa nước ở bên ngoài…những điều này cần phải được giám sát chặt chẽ.
"Đặc biệt với thiết kế lối thoát nạn, phải căn cứ vào số tầng cao, căn cứ vào dân số trong tòa nhà để tính chiều rộng của lối thoát nạn. Điều này đã được quy định rõ như ở nơi có 50 người dân trở nên thì phải có 2 lối thoát nạn. Quy chuẩn đã rõ chỉ là giám sát thực hiện theo quy chuẩn vẫn yếu và thiếu, chưa vận hành được hết vào thực tế", KTS. Đào Ngọc Nghiêm nhận định.