Khan tiền mặt, doanh nghiệp tìm đủ mọi cách huy động vốn
Công ty Cổ phần Tập đoàn PN Holding là đơn vị môi giới, phát triển dự án PNR Estella. Theo thông tin từ công ty này, nhằm chia sẻ, hỗ trợ khách hàng trước diễn khó lường của dịch bệnh Covid-19, đơn vị phát triển dự án PNR Estella tung ra chính sách bán hàng “khủng” không thể tốt hơn tại thời điểm này.Cụ thể, Tập đoàn PN Holding - nhà phát triển dự án PNR Estella đã đưa ra chính sách siêu ưu đãi “Đầu tư mùa dịch - Lợi ích nhân 3”.
Về chính sách cam kết mua lại, PN Holding cho biết, công ty sẽ cam kết mua lại sản phẩm cho khách hàng sau 8 tháng. Đây được xem như một chính sách bảo toàn vốn và lãi tối thiểu cho nhà đầu tư, đồng thời cũng là bảo chứng "vàng" niềm tin dành cho quý khách hàng đầu tư vào dự án PNR Estella (Trảng Bom, Đồng Nai).
“Song song với chính sách mua lại sản phẩm từ nhà đầu tư, PN Holding thực hiện đi kèm chính sách cam kết lợi nhuận tối thiểu 20%/năm. Cam kết này không chỉ là lời khẳng định về khả năng tăng giá của dự án PNR Estella, mà còn thể hiện nỗ lực của doanh nghiệp trong việc đồng hành, sẻ chia và đảm bảo lợi nhuận cho khách hàng.
Mặt khác, hiện lãi suất ngân hàng đang dao động khoảng 7 - 8%; giá vàng liên tục biến động, đổ vốn vào bất động sản ngày càng khó thu lợi trong ngắn hạn, ít nhất phải từ 3 - 5 năm để có mức lợi nhuận lý tưởng. Trong khi đó, đầu tư sản phẩm tại PNR Estella, chỉ sau 8 tháng, khách hàng có thể bán lại cho chính đơn vị phát triển dự án với lãi suất 20% (Tương đương mức lợi nhuận 30%/năm - PV). Mức lợi nhuận này cao hơn rất nhiều lần so với gửi tiết kiệm hay đầu tư vào những kênh rủi ro khác”, PN Holding cho biết.
Không dừng lại ở đó, PN Holding còn tri ân khách hàng mùa Covid, khi giao dịch thành công sản phẩm tại dự án PNR Estella sẽ được nhận liền tay mức chiết khấu cao “bỏng tay”. Theo đó, quý khách hàng thanh toán trước hạn sẽ được nhận chiết khấu 20%/năm. Số tiền chiết khấu sẽ được khấu trừ vào hợp đồng khi khách hàng đồng ý lấy sản phẩm.
Cũng theo giới thiệu từ công ty này, khách hàng đầu tư vào PNR Estella cũng sẽ được tham dự chương trình rút thăm “Mua đất vàng – Vạn tri ân”. Theo đó, khách hàng sẽ có cơ hội trúng các giải thưởng xe Toyota Camry, Honda City, SH 125i, Air Blade và nhiều phần quà giá trị khác tổng giá trị lên đến 8 tỉ đồng. Chương trình “Mua đất vàng – Vạn tri ân” là lời cảm ơn sâu sắc của PN Holding đối với sự tin tưởng, đồng hành của quý khách hàng.
Bài học nhãn tiền từ địa ốc Alibaba, khách hàng coi chừng mắc bẫy
Việc địa ốc Alibaba từng quảng cáo là tập đoàn có vốn điều lệ hàng ngàn tỷ, bán đất với cam mua lại, kết lợi nhuận 28%/năm, từng làm mưa làm gió thị trường. Tuy nhiên, khi công ty không thực hiện được cam kết thì khách hàng bắt đầu căng bang rôn đòi tiền và hậu quả đến nay rất khó khắc phục.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc doanh nghiệp địa ốc nâng giá bán cao hơn nhiều so với giá thực, để trả cam kết lợi nhuận hoặc mua lại sản phẩm, khá phổ biến.
Luật sư Trần Đức Phượng cho rằng dòng tiền để trả cam kết lợi nhuận có thể lấy từ hoạt động, dự án khác để chi trả cho khách hàng, tùy vào sức khỏe của doanh nghiệp đó. Thế nhưng, cần lưu ý là kể cả doanh nghiệp khỏe, nhưng đầu tư tràn lan cũng ảnh hưởng đến dòng tiền. Vì vậy, việc nâng giá bán để trả chi phí cam kết lợi nhuận cũng là một chiêu trò, một nghệ thuật bán hàng, giống như nâng giá sản phẩm rồi làm chương trình khuyến mãi.
“Ví dụ như họ nói giảm 20% cho sản phẩm đó nhưng thực chất giá bán đã được nâng lên đến 40%. Khách hàng phải tỉnh táo trong những trường hợp này. Kể cả khi trả tiền cam kết lợi nhuận cũng vậy, họ trả chậm, nghĩa là họ lấy chính tiền lãi đó để trả cho mình. Khách hàng chỉ nhìn thấy số tiền mình thu về, mà không nhìn thấy sản phẩm bị nâng giá, số tiền phải bỏ ra như thế nào. Tính ra khách hàng bỏ ra cả cục tiền nhưng chỉ thu về một, vài đồng”, ông Phượng nhận định.
Luật sư Phượng cũng nói thêm, hầu như doanh nghiệp đa phần đều xoay vòng vốn. Nếu thị trường không thuận lợi, đến thời điểm khách hàng đồng loạt yêu cầu chủ đầu tư mua lại sản phẩm thì sẽ bị hủy hợp đồng. Thậm chí, doanh nghiệp còn thế chấp dự án cho ngân hàng. Hoặc trong trường hợp khách hàng muốn hủy hợp đồng, yêu cầu chủ đầu tư mua lại thì họ sẽ dùng các biện pháp câu giờ, duy trì vài ba năm. Những doanh nghiệp yếu năng lực tài chính, họ mới phải dùng đòn bẩy như vậy.
Ông Trần Khánh Quang, Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa thừa nhận, nhiều trường hợp chủ đầu tư cam kết lợi nhuận là một hình thức kích thích mua hàng. Khi dự án hoàn thành đã bán hết thì chủ đầu tư lúc đó đã hết trách nhiệm.
Đối với khách hàng, nếu gặp chủ đầu tư không uy tín, sau 2 năm người ta không thực hiện thì cũng khó làm gì được chủ đầu tư, vì đây một sự ràng buộc vô tình chứ không chặt chẽ. Việc cam kết lợi nhuận cũng chỉ mang tính hình thức, trên lý thuyết thôi chứ khó có chủ đầu tư nào tính toán đúng được sau 1 - 2 năm cả.
“Nếu cam kết 1 năm, 2 năm, trong ngắn hạn thì doanh nghiệp sẽ khó khăn do khó quay vòng vốn. Thị trường bất động sản không thể lúc nào cũng tăng trưởng, có thể năm nay tăng, năm sau giảm, có khi tăng đột biến.
Nếu mua bất động sản mà không xem xét kỹ giá đó hợp lý chưa thì khách hàng phải chịu. Hiện tại, chưa tổ chức nào đánh giá uy tín doanh nghiệp một cách khách quan để người mua tham chiếu được. Do vậy, khách hàng cần cẩn trọng trước khi quyết định xuống tiền”, ông Quang nói thêm.
Dự án PNR Estella đã hoàn thiện pháp lý chưa? Năng lực của chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án như thế nào? Mức giá sơ cấp đang bán tại PNR Estella có thực sự hấp dẫn so với những sản phẩm thứ cấp và sản phẩm liền kề? Reatimes tiếp tục thông tin trong những bài tiếp theo.