Trong thời gian vừa qua, tình hình cháy nổ xảy ra đối với nhà cao tầng trên địa bàn cả nước đang có chiều hướng gia tăng về số vụ và mức độ thiệt hại. Tại Hội thảo “Quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy ở công trình xây dựng và các vấn đề thực tiễn” do Viện Kiến trúc Quốc gia phối hợp cùng Công ty Cổ phần Eurowindow tổ chức sáng 24/8, các chuyên gia đã chỉ ra những lỗ hổng trong công tác Phòng cháy chữa cháy (PCCC) cũng như đưa ra giải pháp lấp “lỗ hổng” để giảm thiệt hại về người và tài sản.
Hiện nay, số lượng các khu đô thị hoặc các dự án riêng lẻ xây dựng nhà cao tầng ngày một tăng. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội của nhà cao tầng, thì nhiều dự án nhà cao tầng xây chen lấn trong các khu dân cư cũ, hoặc nhóm các chung cư cao tầng chất tải lên hệ thống hạ tầng hiện có gây quá tải hạ tầng đô thị với nhiều vấn đề nổi cộm đặc biệt là công tác PCCC. Vụ cháy điển hình tại chung cư Carina Plaza tại TP.HCM ngày 23/3 vừa qua là một minh chứng rõ nhất về những thiệt hại khi cháy nổ xảy ra.
Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, kết quả kiểm tra, rà soát của Cảnh sát PCCC tính đến 31/5/2018 có khoảng 1.109 cơ sở thuộc loại hình công trình nhà cao tầng và siêu cao tầng với 1.407 tòa nhà đang hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số cơ sở không thực hiện tốt công tác bảo quản, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện chữa cháy dẫn đến không đảm bảo duy trì các điều kiện an toàn về PCCC.
Ths. Phạm Việt Tiến, Phó trưởng khoa Cứu nạn, cứu hộ, Trường Đại học PCCC phân tích, tại các chung cư cao tầng luôn tồn tại một lượng chất cháy lớn. Chất cháy tồn tại chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, trang trí nội thất trong từng căn hộ., các loại vật liệu nội thất như bàn, ghế, giường, tủ làm bằng gỗ, vật liệu nhựa tổng hợp, vải… Bên cạnh đó, dưới tầng hầm là xe máy, ô tô là vật liệu xăng, dầu. Các loại vật liệu nói trên khi cháy trong phòng các căn hộ của tòa chung cư, sự trao đổi khí bị hạn chế nên tạo nhiều khói, khí độc như CO, HCI… gây khó khăn cho công tác tổ chức thoát nạn và chữa cháy,
Mặt khác, tại các chung cư cao tầng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy. Nguồn nhiệt gây cháy có thể do ngọn lửa trần, phát sinh do sơ xuất, thiếu ý thức của người dân như đốt vàng mã, vứt tàn thuốc vào chỗ dễ cháy nổ. Tại các chung cư cao tầng luôn có mật độ người tập trung lớn, đặc biệt là các tòa nhà dành cho người thu nhập thấp, các căn hộ có diện tích nhỏ chiếm đa số, trên một tầng có thể có 24 căn hộ, tổng số căn hộ lên tới 1.000. Do đó, tần suất người dân sử dụng chất cháy nguồn nhiệt không an toàn lớn, dẫn tới nguy cơ xảy ra cháy tăng cao. Đặc biệt, đám cháy xảy ra ở các tầng càng cao thì công tác tổ chức dập tắt đám cháy càng khó.
Ths. Phạm Việt Tiến nhấn mạnh: “Thực tế hiện nay, có nhiều tòa nhà cao tầng trên 40 tầng, trong khi đó lực lượng cảnh sát PCCC được trang bị loại xe thang với chiều cao có hạn, cao nhất mới chỉ 72m, còn chủ yếu là 32m và 52m. Đây cũng là trở ngại lớn nhất trong công tác PCCC tại Việt Nam”.
Một nguyên nhân nữa là ở nhiều tòa nhà chung cư, lối thoát nạn đã bị bịt để sử dụng những mục đích khác nhau, dẫn đến khi có cháy, nổ xảy ra việc thoát nạn của người dân gặp nhiều khó khăn, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của họ. Cuối cùng đó là, việc chấp hành các quy định của pháp luật về PCCC trong tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thiết kế, nghiệm thu và đưa công trình vào hoạt động của chủ đầu tư, đơn vị quản lý, ban quản trị chung cư vẫn chưa đầy đủ, còn những tồn tại vi phạm phát sinh trong quá trình hoạt động, phổ biến là vi phạm về các điều kiện ngăn cháy lan, thoát nạn, hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC.
Cùng quan điểm, TS. Phan Anh, Trường đại học Phòng cháy chữa cháy cho hay: “Những sai phạm còn tồn tại ở các nhà chung cư cao tầng hiện nay còn liên quan đến nhà đầu tư, ban quản trị, hệ thống PCCC. Trong đó phải kế đến nhiều tòa nhà chưa nghiệm thu PCCC nhưng vẫn đưa vào hoạt động. Tâm lý của nhiều người vẫn là cháy ở chỗ nào đó nhưng chưa cháy đến chỗ chúng ta đâu nên lơ là về phòng cháy. Quy chuẩn và tiêu chuẩn đã xây dựng và đưa ra nhưng điều kiện thực tế ở Việt Nam công trình xây dựng không tuân theo. Chúng ta vẫn đổ lỗi cho quy chuẩn, tiêu chuẩn là chưa hợp lý và đưa ra giải pháp cần phải thay đổi. Nhưng trên góc độ nghiên cứu tôi cho rằng quy chuẩn không thể chạy theo thực tế. Do đó, đối với những sai phạm của công trình do không làm theo quy định thì bắt buộc phải có chế tài xử lý. Bởi mỗi chung cư có nhiều mặt, nếu cảnh sát PCCC tiếp cận một mặt gặp khó khăn thì nguy cơ thiệt hại về người và của khi cháy chung cư cũng tăng lên”.
Dưới góc độ của kiến trúc sư, ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trường Viện Kiến trúc quốc gia cho hay: “Việc ra đời các mô hình kiến trúc mới như nhà ở chung cư hỗn hợp, hiện cũng đang làm khó cho kiến trúc sư bởi việc sử dụng chung cùng lúc các chức năng ở - thương mại - văn phòng trong cùng tòa nhà dễ gây nên các xung đột về tiện ích sử dụng cũng như làm gia tăng các nguy cơ cháy nổ, mất an toàn cho người sử dụng. Hiện nay hệ thống các tiêu chuẩn thiết kế cho mô hình này còn thiếu các hướng dẫn cụ thể và kiến trúc sư phải tự “vận dụng, sáng tạo” từ các cơ sở thiết kế khác nhau như phần nhà ở thiết kế theo bộ tiêu chuẩn nhà ở cao tầng, phần trung tâm thương mại lấy theo tiêu chuẩn thiết kế chợ…”
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc Quốc gia cũng cho hay: “Vấn đề an toàn sinh mạng cho người dân, an toàn PCCC là vấn đề bức xúc trong thời gian vừa qua, tính trong 6 tháng đầu năm cả nước đã có khoảng 2.000 vụ cháy xảy ra. Họ mất nhiều tiền để mua một căn nhà, một tổ ấm nhưng lúc nào cũng phải sống trong nỗi lo lớm lớp về an toàn tính mạng cho bản thân và gia đình. Chung cư là ngôi nhà lớn cho hàng vạn người dân, do đó câu chuyện PCCC thực sự rất cần thiết và là vấn đề quan trọng mà nhà nước, giới chuyên gia, kiến trúc phải đặc biệt quan tâm”.