Aa

Cháy ở chung cư: Bao giờ hết cảnh "điếc không sợ súng"?

Thứ Bảy, 24/03/2018 - 06:00

Ngày hôm qua, dư luận giật mình bởi con số 13 người chết trong vụ cháy chung cư Carina Plaza tại quận 8 (TP.HCM). Chưa bao giờ hậu quả của cháy nổ lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đến như vậy trong tâm trí của rất nhiều người đang sống ở chung cư.

Câu chuyện về mất an toàn trong PCCC ở chung cư chưa bao giờ là vấn đề mới, dù nó đã xuất hiện và đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo trước đó nhưng cuối cùng chỉ sau ít ngày, ít tháng, người ta sục sạo tìm mọi biện pháp phòng cháy rồi sau tất cả, mọi thứ lại về như xưa. Vẫn rất nhiều tòa chung cư bỏ qua việc đầu tư hệ thống PCCC, rất nhiều người dân bất chấp tính mạng chuyển đến những tòa chung cư chưa có nghiệm thu PCCC... Tất cả đều… "điếc không sợ súng". Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm khi các vụ cháy thương tâm xảy ra; vì sao thường diễn ra tình trạng, khi nghiệm thu thì các thiết bị PCCC hoạt động rất tốt nhưng hễ cứ cháy thật là mọi thiết bị lại "căm lặng"?; người dân còn thờ ơ với câu chuyện PCCC trong chung cư đến khi nào...? 

Cà phê cuối tuần sẽ cùng bàn về vấn đề này. Xin giới thiệu các chuyên gia: Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC; KTS Lê Tuấn Long; ông Phùng Hồng Sơn, Giám đốc Ban quản lý Tòa nhà Hong Ha Center.

Thiết kế: Thế Công.

Thiết kế: Thế Công.

PV: Thời gian gần đây có rất nhiều vụ cháy chung cư xảy ra trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM. Điều đáng ngạc nhiên là dù cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát nhưng vẫn xuất hiện rất nhiều nhà chung cư “chây ì” không nghiệm thu PCCC và nhiều người dân "đánh cược" tính mạng chuyển đến ở trong những tòa chung cư bị bỏ qua sự an toàn. Ông nghĩ sao về điều này, thưa Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm?

Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm: Vụ cháy tại chung cư Carina Plaza mới đây tiếp tục là hồi chuông mạnh cảnh báo cho cơ quan quản lý, chủ đầu tư và cư dân về tình trạng đảm bảo an toàn trong công tác PCCC tại các khu chung cư. Thời gian trước đó đã có rất nhiều vụ cháy xảy ra nhưng hậu quả chưa thực sự nghiêm trọng. Thế nên, sau mỗi sự việc, người ta chỉ ồn ào ít hôm rồi đâu lại hoàn đó, vẫn rất nhiều nhà chung cư chưa nghiệm thu PCCC và người dân lại vô tư vào ở.

Trước hết, tôi nghĩ rằng chủ đầu tư quá coi trọng lợi nhuận, khinh thường chế tài xử phạt nên mới bất chấp như vậy. Có những chủ đầu tư xây dựng rất nhiều công trình chung cư, trong đó số chung cư bị vi phạm PCCC chiếm số lượng không hề nhỏ song họ vẫn “coi như không”. Phải chăng họ nghĩ mình có tiền thì có quyền nên mới dám “thờ ơ” như vậy?

Về phía người dân, vì tác động của xã hội mà ý thức bảo vệ tính mạng chưa cao. Nhiều người dân mua được căn nhà là cả một sự cố gắng mưu sinh, vay mượn nên đành “ngậm bồ hòn" nghĩ: “Cứ có nhà ở là tốt”, hay đơn thuần họ có niềm tin rằng chung cư này đã được nghiệm thu PCCC ban đầu nên chủ đầu tư mới bàn giao. Và một cuộc "tự thỏa thuận" ngầm giữa cư dân và chủ đầu tư được diễn ra bất chấp nguy cơ rủi ro lớn có thể xảy ra sau đó.

Vì niềm tin ảo vọng, vì áp lực đồng tiền cũng như chưa có kiến thức về nghiệm thu PCCC mà những cư dân sống trong chính ngôi nhà thực sự của mình lại lãng quên những điều kiện an toàn căn bản.

PV: Điều gì khiến nhiều chủ đầu tư cố tình bỏ qua quá trình nghiệm thu PCCC cho khu chung cư như vậy, phải chăng do các khâu này quá phức tạp?

Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm: Tôi nghĩ rằng, quá trình nghiệm thu PCCC rất đơn giản. Mọi tiêu chí đều quy định rõ ràng như diện tích hành lang là bao nhiêu mét, cửa thoát hiểm cần thiết kế ra sao, cầu thanh thoát hiểm cần có những chức năng gì.... Trong quá trình nghiệm thu, cứ căn cứ vào chỉ tiêu đó là đánh giá được khu chung cư đó đủ điều kiện nghiệm thu an toàn trong PCCC hay chưa.

Tuy nhiên, để đầu tư vào hệ thống PCCC ở chung cư cần một khoản chi phí rất lớn. Khoản phí này được tính vào chi phí, đồng nghĩa sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì lợi ích kinh tế mà rất nhiều doanh nghiệp từ bỏ hạng mục “sống còn” này với cư dân. Có vẻ như họ thà bị phạt chục triệu còn hơn đầu tư hàng tỷ đồng cho hệ thống PCCC ở chung cư.

Ông  Phùng Hồng Sơn: Thủ tục hoàn thiện công tác nghiệm thu hệ thống PCCC của tòa nhà cần có: Giấy chứng nhận thẩm duyệt về PCCC và biên bản kiểm tra thi công về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC; Báo cáo của chủ đầu tư, chủ phương tiện về tình hình kết quả thi công, kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm và nghiệm thu các hệ thống, thiết bị và kết cấu PCCC; Văn bản, chứng chỉ kiểm định thiết bị, phương tiện PCCC đã lắp đặt trong công trình; Biên bản thử nghiệm và nghiệm thu từng phần và tổng thể các hạng mục, hệ thống PCCC; Các bản vẽ hoàn công hệ thống PCCC và các hạng mục liên quan đến PCCC; Tài liệu, quy trình hướng dẫn vận hành, bảo dưỡng các thiết bị, hệ thống PCCC của công trình, của phương tiện; Văn bản nghiệm thu các hạng mục, hệ thống, thiết bị kỹ thuật khác có liên quan đến PCCC.

Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu như chủ đầu tư thực hiện đúng các quy định về hồ sơ và công tác thẩm định như trên thì việc nghiệm thu sẽ không gặp khó khăn gì. Ngược lại, chủ đầu tư không đáp ứng đủ các nội dung thì sẽ gặp khó khăn khi các cơ quan chức năng yêu cầu buộc phải thực hiện theo đúng cam kết.

PV: Ngoài lý do chưa nghiệm thu PCCC ở chung cư, rất nhiều người đang đặt câu hỏi rằng, tại sao ở các chung cư hay xảy ra tình trạng, quá trình diễn tập PCCC vẫn diễn ra bình thường, có thể vài ngày trước chuông báo cháy vẫn kêu khi tập huấn, diễn tập nhưng đến lúc xảy ra cháy thật, chuông báo cháy "câm lặng". Đáng lo ngại hơn khi chính cửa thoát hiểm lại trở thành “điểm chết”. Vậy nguồn gốc của hiểm họa này chính xác là từ đâu, thưa Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm?

Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm: Thực tế có rất nhiều chung cư đã nghiệm thu PCCC xong nhưng trong quá trình đưa vào sử dụng lại gặp vấn đề nghiêm trọng. Hôm nay có thể tín hiệu báo cháy kêu nhưng không có nghĩa nó đang hoạt động hiệu quả. Trong trường hợp thiết bị không được bảo trì thường xuyên hay lỗi thiết bị thì khi cháy thật, chuông báo cháy sẽ không kêu.

Ở trường hợp khác, tín hiệu báo cháy phát nhưng đến phòng trực điều khiển chống cháy, nơi yêu cầu người có chuyên môn về PCCC phải túc trực 24/24, lại bị lỗi. Nếu không có chuyên môn xử lý, việc phát tín hiệu đến điểm báo cháy khác sẽ không đồng bộ, hoặc chỉ phát tín hiệu đến một tầng và bỏ qua các tầng khác. Tính “nhạy” của chuông báo cháy sẽ không giống như quá trình thử nghiệm.

Công tác bảo trì và kiểm tra thường xuyên cũng cần người có chuyên môn về PCCC hoặc nhà thầu có năng lực trong việc duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Có thể hệ thống PCCC được kiểm tra hàng ngày, hàng tuần nhưng đối tượng kiểm tra là đội ngũ bảo vệ thì e rằng tính hiệu quả của hệ thống PCCC là không ổn.

Ngoài ra, hiệu quả của hệ thống PCCC còn phụ thuộc vào chất lượng. Giả sử chủ đầu tư không có tâm sẽ mua hệ thống PCCC chất lượng kém, giá rẻ đồng nghĩa với nó là khả năng hoạt động không tốt.

Đối với cửa thoát hiểm, theo yêu cầu của Luật PCCC, cửa thoát hiểm phải được thiết kế có khả năng chống khói, lửa trong khoảng thời gian nhất định. Cửa thoát hiểm phải có hệ thống thủy lực để tự đẩy ra, đẩy vào đồng thời buộc phải kín để chống khói. Nếu sai về mặt kĩ thuật thì khói của vụ cháy vẫn tràn xuống cửa thoát hiểm. Mà trong các vụ cháy xảy ra, đa phần tử vong hay thương vong đều do khói. Lúc đó, khu thoát hiểm sẽ trở thành “điểm chết”.

Để đảm bảo an toàn trong PCCC ở chung cư không chỉ cần một hệ thống PCCC tốt mà còn đến từ kết cấu thiết kế của chung cư và ý thức của chính những người dân ở đó. Theo Luật PCCC quy định rõ ràng, tùy thuộc vào mật độ dân cư sẽ quy định diện tích hành lang, diện tích của cầu thang thoát hiểm như các bậc cầu thang phải đều nhau, trọn một bàn chân để tránh trường hợp chen lấn, xô đẩy dễ ngã; hay tay vịn của lối thoát hiểm sử dụng sơn gì để chống trượt. Tất các các thông số này cần phải đảm bảo ngay từ khâu thiết kế công trình chung cư.

PV: Như PGS.TS Ngô Văn Xiêm vừa trao đổi, khâu thiết kế công trình chung cư có thể là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự an toàn của công tác PCCC ở chung cư, vậy phải chăng chưa có quy chuẩn cho thiết kế ở các chung cư hay khâu này chưa được giám sát, thẩm định chặt chẽ, thưa KTS Lê Tuấn Long?

KTS Lê Tuấn Long: Quan điểm của tôi, nếu tuân thủ theo đúng quy trình, đúng các chính sách quy hoạch và pháp luật thì xác suất xảy ra những rủi ro sẽ hạn chế. Hiện tại ở Việt Nam, các chính sách pháp luật cơ bản đã đồng bộ và nhất quán, đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều người lại cố tình lách luật vì tư lợi riêng.

Trước khi đưa vào triển khai công trình, các bản vẽ thiết kế công trình chung cư đã được phê duyệt và thẩm định. Quá trình thẩm định cho biết các tiêu chí về mặt thiết kế và kỹ thuật đã đáp ứng đúng với nguyên tắc đảm bảo PCCC ở chung cư chưa. Sau khâu này, thiết kế mới được đưa vào giai đoạn triển khai. Nhưng khi đưa vào thực hiện triển khai, quá trình thi công có thể bóp méo bản vẽ khiến các tiêu chí bị sai lệch.

Quan trọng nhất là việc kiểm soát, thanh tra trong quá trình xây dựng thường xuyên và nghiệm thu công trình buộc phải chặt chẽ nếu không sẽ tạo ra một sản phẩm chưa đủ đáp ứng các quy định trong luật.

Trong quá trình điều tra nguyên nhân vụ cháy, lực lượng chức năng sẽ căn cứ sai phạm xảy ra ở khâu nào để truy cứu trách nhiệm. Cứ căn cứ theo pháp luật để xử lý, sai ở khâu nào thì xử lý những người có trách nhiệm liên quan.

PV: Theo Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm, sau những đau thương mất mát về người lẫn của ở vụ cháy chung cư Carina Plaza thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? và làm thế nào để hàng triệu cư dân đang sống ở những toà nhà chung cư thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên cháy, nổ?

Đại tá, PGS. TS Ngô Văn Xiêm: Riêng với sự việc ở chung cư Carina Plaza thì cần có sự điều tra kỹ lưỡng để tìm ra nguyên nhân, từ đó mới có thể quy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai. Còn với rất nhiều vụ cháy đã từng xảy ra ở nước ta thì trách nhiệm đều có thể đến từ 3 phía. Đó có thể là sự quản lý lỏng lẻo của nhà quản lý, sự thờ ơ thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư, là ý thức bảo vệ mình kém của cư dân.

Đừng hoàn toàn trách chủ đầu tư bởi lẽ đâu phải có một hệ thống PCCC ở chung cư tốt là sẽ đảm bảo tuyệt đối sự an toàn PCCC ở chung cư. Nếu người dân không trang bị cho mình kiến thức sử dụng thiết bị PCCC thì nguy cơ rủi ro về hậu quả khi cháy xảy ra là rất cao. Ở nhiều chung cư vẫn xảy ra tình trạng người dân vô ý thức như đốt vàng mã ở lô gia, vứt tàn thuốc bừa bãi, khoan đục nhà chưa có sự cấp phép hay giám sát của ban quản lý... tất cả đều có thể tạo ra nguy cơ về cháy nổ.

Cần có sự tương trợ, phản hồi thông tin giữa chủ đầu tư và cư dân. Thay vì bức xúc hay hành động thiếu tích cực thì chính người dân cần là thể hiện vai trò làm chủ trong ngôi nhà của mình. Họ có thể đoàn kết cùng nhau kiến nghị, thay đổi các quyết sách của chủ đầu tư. Mỗi một cư dân có ý thức bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng, mỗi một chủ đầu tư có tâm và nhà quản lý kiểm tra chặt chẽ các khâu thì chắc chắn rủi ro trong cháy nổ ở chung cư sẽ được xóa bỏ.

Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trò chuyện!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top