Aa

Chạy Tây càn, tránh bom Mỹ và câu chuyện Covid-19

Thứ Bảy, 04/09/2021 - 06:00

Với sự biến chủng liên tục, cuộc chiến chống Covid-19 sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Mà đã lâu dài thì phải học cách sống chung, học cách bình thường hóa nó. Bình thường hóa để tiếp tục phát triển, không đứt đoạn.

Đại dịch lan tràn khắp thế giới. Nước ta cũng đang trải qua những ngày khốc liệt. Có người ví đại dịch Covid-19 chẳng khác gì cơn đại hồng thủy quét qua trái đất. Sự quái ác của nó không phải chỉ bởi lây lan nhanh, tàn phá mạnh… mà còn bởi nó vô hình, không thể nhìn thấy để mà tiêu diệt hay chí ít là né tránh.

Nhân loại đã phải đi từ bất ngờ, hoảng hốt, lo sợ đến bình tĩnh đối phó quyết liệt rồi lại đi đến lúng túng.

Ban đầu người ta dự báo đại dịch sẽ kéo dài hết năm 2020, cho đến khi loài người tìm ra được vắc-xin. Nhưng vắc-xin đã có, đã tiêm mà đại dịch chưa có dấu hiệu được khống chế. Cách ly, giãn cách, phong tỏa, mọi biện pháp được thực hiện nhưng vẫn không thể quét sạch được F0 trong cộng đồng. Trước giãn cách một đợt 14 ngày đã thấy khủng khiếp, bây giờ hết đợt lại gia hạn. Một tháng, hai tháng… TP.HCM đã sang tháng thứ tư rồi mà vẫn chưa thấy dịch dịu đi chút nào.

Ở nhà lắm người tù túng, bức bối, rồi sinh trầm cảm. Đã đành. Còn cuộc sống nữa. Không làm thì lấy gì ăn. Một vùng bị thiên tai còn có cả nước giúp đỡ. Một nước bị tai họa thì còn có thế giới cứu trợ. Đằng này cả nước dịch, cả thế giới dịch thì còn đâu để giúp đỡ. Ngay cả đi vay thì cũng có giới hạn. Mà nói cho cùng kỳ chi lý, vay được tiền rồi nhưng nếu không sản xuất thì cũng lấy đâu ra hàng hóa mà mua…

Chính phủ nói phải chống dịch như chống giặc. Anh em chúng tôi bảo nhau, cái con Covid, cái con Corona này nó còn nguy hiểm hơn cả giặc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên nhân dân, kiểm tra công tác bảo đảm an sinh xã hội tại địa bàn đang thực hiện tăng cường giãn cách. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chúng tôi đã trải qua chiến tranh biên giới Tây Nam, đồng đội tôi lại trải qua những năm tháng giúp bạn, đánh nhau với lính Pôn Pốt hết sức khốc liệt. Nhưng suy cho cùng thì kẻ địch vẫn là bằng xương bằng thịt, còn nhìn thấy để mà đối phó.

Đằng này cái con virus nó nhỏ đến mức mà có nhà khoa học đã ví, nếu gom toàn bộ số virus Corona đang hoành hành trên toàn thế giới lại thì cũng chỉ đựng đầy vài… lon Coca Cola. Vì vậy có thể coi như nó là vô hình. Vô hình vì mắt ta không nhìn thấy. Vì không nhìn thấy nên không thể biết nó ở đâu mà tránh, không biết nó ở đâu mà tiêu diệt. Vì vậy nó còn nguy hiểm hơn bất cứ kẻ thù bằng xương bằng thịt nào của nhân loại…

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ lại thời kỳ Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc. Chưa kịp nhìn thấy gì đã xẹt ngang trên trời tưởng thủng màng nhĩ. Rồi tiếng pháo cao xạ nổ chát chúa. Rồi tiếng bom. Thực ra tiếng bom nổ gần nghe không to như nổ xa, nhưng nó như xoáy vào óc, tai ù đi. Rồi nhà cửa cháy ngùn ngụt. Thú thực, ban đầu ai cũng hoảng sợ. Mỗi lần có báo động, có tiếng máy bay, u con tôi lại dắt díu nhau chạy đến nhà ông ngoại để “tránh”, vì nhà ông tôi có đào được cái hầm tăng-xê trong nhà.

Những ngày ấy, u tôi và các bà thường than vãn: Ngày trước bọn Tây (ý nói giặc Pháp) cũng khiếp, nhưng cũng không khiếp như thằng Mỹ bây giờ. Ngày ấy thấy Tây càn lúc đầu cũng sợ lắm, nhưng lâu dần, chạy nhiều rồi cũng quen… Thấy nó càn đến đầu làng thì chạy ra cuối làng. Sợ nó đốt nhà thì bê chum thóc hoặc cho quần áo vào cái cong rồi giấu ngoài vườn. Đằng này cái thằng Mỹ nó ghê lắm. Chỉ kịp nghe xoẹt một cái thì bom nó đã nổ oành oành rồi. Nó từ trên trời nó đến, không biết đằng nào mà tránh.

Rồi lúc thư thả, các bà lại thi nhau kể chuyện chạy càn ngày trước với cái giọng nhẹ như không, thậm chí còn như thèm thuồng, ước ao nếu so với cái việc ném bom của máy bay Mỹ. U tôi kể, dạo nào Tây càn gắt quá thì đi tản cư. Tức là chạy đến những vùng bớt nóng hơn. Làng tôi có nghề dệt vải. Cái khung cửi thủ công ngày trước cũng đơn giản. Vì vậy mọi người làng tôi, trong đó có u tôi, thường tháo khung cửi, gánh theo đi tản cư. Đến đâu lại dựng khung cửi dệt vải. Vì vậy mà chạy giặc nhưng cũng còn kiếm sống được. Kể xong u tôi lại ngân nga mấy câu trong chuyện Phạm Tải – Ngọc Hoa, đoạn hai anh em Tiến Lực, Nghi Xuân bỏ nhà ra đi:

“Em ơi cởi áo giả dì

Rồi anh sẽ dẫn em đi ăn mày”.

“Áo này là áo mẹ may

Sao anh lại bảo cởi ngay giả dì…”.

Còn thầy tôi và các bác, các chú thì thường kể lại chuyện vác chum, vác cong ra vườn giấu. Các cụ thường hỉ hả: Gớm! Sao cái lúc ấy sức nó ở đâu ra mà khỏe thế. Có khi một mình vác cái cong vèo một cái đã ra đến vườn. Mà chạy qua cái cửa bé tí hin nhưng tịnh không va chạm mới lạ chứ. Lúc Tây nó rút rồi, phải mấy người khênh, lại còn phải lách mãi mới qua được cái cửa buồng. Nói rồi cười ha hả.

Các cụ kể những chuyện đúng là “cháy nhà, chết người” mà cứ như chuyện vui. Thế mới lạ. Kể để mà ôn chuyện cũ, kể để mà so sánh với chuyện Mỹ ném bom. Nhưng có lẽ trong sâu xa, kể lại chuyện cũ cũng là một cách tự động viên mình, rằng khó khăn, nguy hiểm nào rồi thì cũng vượt qua. Bởi quả thực, lúc đầu máy bay Mỹ ném bom, người dân có sự hoang mang, hoảng hốt thực sự. Thậm chí những ngày đầu, nhiều người không dám đi làm đồng, thậm chí có người không dám ra đường. Nói dại, ngồi trong nhà, mà hồi ấy toàn nhà tranh vách đất, nếu máy bay có ném bom thì cũng khác gì ngoài đường đâu. Nhưng vẫn thấy được che chở, cảm giác an toàn hơn.

Rồi thấy cô nào đội cái nón trắng, hay mặc cái áo phin trắng là các cụ la lên ầm ầm. Ban đêm thấy nhà nào thắp đèn ngoài sân hay le lói ánh lửa cũng lại la rầm rầm: Chúng mày muốn chết à mà gọi cho máy bay nó đến!

Nhưng cuộc sống vẫn cứ phải sống. Chả nhẽ ngồi nhà mãi. Mà cứ ngồi nhà không làm thì lấy gì mà đút miệng, chả đến lúc chưa chết vì bom thì đã chết vì đói rồi. Thế là phải tìm cách làm quen. Đào hầm ở nhà, rồi đào hố cá nhân dọc hai bên đường làng để tránh bom. Rồi đan bện mũ rơm, nùn rơm, khi có máy bay nhẩy xuống hố cá nhân thì thì lấy nùn rơm đậy lên miệng hố để tránh mảnh bom, mảnh đạn. Lớp học thì sơ tán tản mát ra các đình chùa, nhà dân, làm hầm chữ A để tránh bom; lại đào hào giao thông từ trong lớp thông ra hầm để đảm bảo an toàn.

Công việc thì để tránh máy bay phát hiện, bà con chuyển sang làm vào ban đêm. Không những chỉ “tránh máy bay”, ta còn chủ động đánh trả. Nông thôn thì lập lực lượng dân quân, các nhà máy, xí nghiệp lập lực lượng tự vệ, máy bay đến thì đánh trả, máy bay đi lại lao vào sản xuất… Người nông dân với khẩu hiệu “Tay cày tay súng”, còn công nhân trong xưởng máy với khẩu hiệu “Tay búa tay súng”. Tất cả lại trở lại cuộc sống “bình thường mới” theo như cách gọi thời Covid-19 bây giờ và đã chiến thắng.

Nói thế để thấy, các cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta trước đây đều là những cuộc kháng chiến trường kỳ, cuộc chiến tranh nhân dân. Cuộc chiến chống Covid-19 bây giờ có lẽ cũng vậy. Với sự biến chủng liên tục, các chuyên gia xác định đây cũng sẽ là một cuộc chiến lâu dài. Mà đã lâu dài thì phải học cách sống chung, học cách bình thường hóa nó.

Bình thường hóa thì cuộc sống mới không đứt đoạn.

Nhưng bình thường hóa không phải là coi thường, là chủ quan, lơ là, mà bình thường hóa là biết tìm ra biện pháp để đảm bảo an toàn đến mức cao nhất, giảm tổn thất xuống mức thấp nhất có thể. Và để cuộc sống vẫn tiếp tục sinh sôi, học sinh vẫn được cắp sách tới trường, những lứa đôi vẫn sinh con đẻ cái, người nông dân vẫn cấy lúa trồng rau, các nhà máy vẫn sản xuất ra hàng hóa…

Bình thường hóa thì cuộc sống mới tiếp tục phát triển.

Bình thường hóa!

Nhưng muốn bình thường hóa trước hết phải thực hiện tốt 5K. Ngày 1/9 mới đây, Bộ Y tế lại đưa tiếp thông điệp 5T là: Tuân thủ nghiêm 5K; Thực phẩm đủ tại nhà; Thầy thuốc đến tận gia; TEST Covid tất cả; Tiêm chủng tại phường/xã. Và ngay sau đó, ngày 2/9, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Tiểu ban Truyền thông (Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19) đã truyền đi thông điệp “Bình tĩnh sống để chống dịch lâu dài”.

Điều đó có nghĩa, mỗi người, mỗi nhà, mỗi địa phương, mỗi đơn vị phải xác định tốt cả tư thế và tâm thế để bước vào cuộc chiến trường kỳ mới này. Và, trong bất cứ cuôc chiến nào thì tính kỷ luật, tính tổ chức và tính cộng đồng cũng phải đặt lên hàng đầu. Con Covid, con Corona không chừa bất kỳ ai. Và chúng tấn công ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, chỉ có cả cộng đồng dưới sự chỉ đạo thống nhất của Đảng và Chính phủ, cùng đồng lòng chung sức, với tính kỷ luật cao thì mới có thể sớm giành chiến thắng.

Tôi sớm mong đến một ngày nào đó, những người sống qua thời đại dịch này lại có thể ngồi kể với thế hệ sau về câu chuyện chống dịch Covid-19 hôm nay, nào chuyện khẩu trang, phong tỏa, giãn cách, cách ly, lực lượng tuyến đầu, giấy đi chợ, giấy đi đường; chuyện vùng xanh vùng đỏ, cả chuyện về mối tình của người chiến sĩ công an và cô tình nguyện viên trực chốt… Giống như u tôi kể chuyện chạy Tây càn ngày trước và chuyện máy bay Mỹ ném bom miền Bắc mà chính tôi đã trải qua.  

Nhưng muốn nhanh đến ngày đó lại đòi hỏi sự hy sinh, quyết tâm, cố gắng và nỗ lực của mỗi người, như các thế hệ trước bằng bản lĩnh, ý chí và sự dũng cảm, triệu người như một đã giành thắng lợi trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc./. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top