Vào đúng ngày 19/5 tới đây, Thủ đô Hà Nội sẽ chính thức khởi công hai công trình hạ tầng quan trọng mang tính chất liên vùng gồm: đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và cầu Tứ Liên. Đây là những dự án giao thông có quy mô lớn, kỳ vọng tạo ra bước đột phá trong kết nối vùng, giảm áp lực giao thông nội đô và mở rộng không gian phát triển của Thủ đô trong tương lai.
Vành đai 4 – "trục xương sống" giao thông vùng Thủ đô
Theo chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, dự án Vành đai 4 Vùng Thủ đô sẽ được khởi công vào ngày 19/5/2025. Hiện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố đang khẩn trương hoàn tất hồ sơ, chuẩn bị các thủ tục liên quan để sẵn sàng triển khai ngay khi lựa chọn được nhà đầu tư.
Theo báo cáo gửi Chính phủ cuối năm 2024, sau khi được Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) thẩm định thiết kế cơ sở và phương án tài chính, tổng mức đầu tư của dự án thành phần 3, đoạn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) được điều chỉnh còn 53.300 tỷ đồng, giảm gần 3.000 tỷ đồng so với phê duyệt ban đầu. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước chiếm 23.860 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn rút ngắn từ 26 năm còn 21 năm.

Hướng tuyến dự án. Ảnh: Internet
Dự kiến thời gian thi công dự án khoảng 30 tháng, hoàn thành và đưa vào khai thác vào năm 2027.
Tuyến đường cao tốc Vành đai 4 có tổng chiều dài hơn 113km, đi qua địa phận Hà Nội (57km), Hưng Yên (19km), Bắc Ninh (27km) và tuyến nối dài gần 10km kết nối với cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Trong đó đoạn đi thấp dài khoảng 32km; đoạn đi trên cao dài hơn 80km; 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh sẽ được xây dựng gồm: 5 nút tại Hà Nội, 2 nút tại Hưng Yên, 1 nút tại Bắc Ninh. Dự án cũng sẽ đầu tư xây dựng 7 nhánh lên xuống kết nối với hệ thống đường song hành hai bên.
Vành đai 4 được kỳ vọng tạo hành lang giao thông chiến lược, kết nối liên kết vùng Hà Nội – Bắc Ninh – Hưng Yên – Vĩnh Phúc – Hà Nam, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, đô thị vệ tinh và logistics quanh Thủ đô.
Cầu Tứ Liên – mở rộng không gian đô thị phía Đông Bắc
Cùng thời điểm 19/5, dự án cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu cũng sẽ được khởi công xây dựng. Đây là cây cầu mới vượt sông Hồng, đóng vai trò đặc biệt trong việc mở rộng không gian đô thị của Hà Nội sang khu vực phía Đông Bắc.

Phối cảnh cầu Tứ Liên. Ảnh: Internet
Theo thiết kế, cầu Tứ Liên và đường dẫn có tổng chiều dài khoảng 5,15 km, với điểm đầu nối với đường Nghi Tàm (quận Tây Hồ); điểm cuối kết nối với đường Trường Sa (huyện Đông Anh). Đường dẫn phía Tây Hồ (gồm cầu cạn và đường song hành) được quy hoạch rộng 48m; đường dẫn phía Đông Anh quy hoạch rộng 60m.
Tổng mức đầu tư dự án là hơn 20.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố Hà Nội.
Khi hoàn thành, cầu Tứ Liên sẽ giảm tải cho các cây cầu hiện hữu như Long Biên, Nhật Tân, Chương Dương, đồng thời góp phần định hình phát triển Thủ đô theo mô hình "thành phố hai bên bờ sông Hồng", phù hợp với định hướng quy hoạch chung đến năm 2045.