Doanh nghiệp vẫn chật vật trong việc tiếp cận vốn tín dụng
Tại Hội thảo “Tăng cường khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của khu vực doanh nghiệp: Khó khăn, thách thức và quyết tâm”, do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước từ cuối năm 2022 đến nửa đầu năm 2023 diễn biến phức tạp, khó lường, xuất hiện nhiều yếu tố tác động tiêu cực chưa từng có, NHNN đã chủ động, kịp thời ban hành và quyết liệt chỉ đạo hệ thống các TCTD triển khai nhiều chính sách, giải pháp về tín dụng.
Cụ thể, từ đầu năm 2023 tới nay NHNN đã 04 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp hơn, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.
Với riêng lĩnh vực bất động sản, NHNN đã chỉ đạo các TCTD tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đầu tư dự án bất động sản, nhà thầu xây dựng, người mua nhà và các đơn vị sản xuất cung cấp vật tư, vật liệu xây dựng tiếp cận tín dụng để tăng khả năng luân chuyển vốn và thanh khoản cho thị trường bất động sản; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi 1,5-2% cho chủ đầu tư và người mua nhà vay mua, đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; cho phép cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN…
Có thể nói, ngành Ngân hàng đã và đang triển khai khá nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, có một thực tế đang diễn ra là dù được hỗ trợ thì khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn còn rất yếu.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đang rất khó trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Kể cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất khó có thể tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Dẫn số liệu khảo sát của VCCI, bà Thảo cho biết, chỉ có 7,34% số doanh nghiệp được hỏi đã tiếp cận được tín dụng từ Quỹ.
Chia sẻ với Reatimes hồi tháng 6, TS. Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng thừa nhận: “Thông qua khảo sát của Hiệp hội, hiện nay vẫn có hơn 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang thiếu vốn và khó tiếp cận vốn”.
Việc không tiếp cận được nguồn vốn tín dụng đang làm chậm khả năng hồi phục của các doanh nghiệp. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng hồi phục và phát triển của nền kinh tế. Vì vậy, giải quyết vấn đề này sao cho hiệu quả, nhanh chóng đang là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay.
Cần triển khai đồng bộ giải pháp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn
Theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú, nếu không tạo điều kiện cho tín dụng thì sẽ khó có tăng trưởng. Tuy nhiên, nếu “tháo” điều kiện tín dụng thì nợ xấu tăng lên, khiến “cục máu đông” nợ xấu vừa mới tạm thời được xử lý lại quay trở lại.
“Nếu nợ xấu tăng, chúng ta lại rơi vào vòng luẩn quẩn, tạo ra ách tắc vốn cho nền kinh tế. Các ngân hàng hiện đang đứng giữa 2 dòng nước, vừa phải đảm bảo an toàn nợ xấu, vừa phải tăng trưởng, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp cùng nhau vượt qua. Ngân hàng rất khác với doanh nghiệp, ngân hàng chỉ lãi ít lãi nhiều. Nếu ngân hàng lỗ gây khó khăn không chỉ trong hệ thống mà cả nền kinh tế, các nước cũng vậy chứ không riêng Việt Nam”, Phó Thống đốc nói.
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, để vừa tăng trưởng tín dụng tốt, vừa đảm bảo khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp nhưng không sợ vấn đề nợ xấu không phải là không có cách, song đòi hỏi phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.
TS. Nguyễn Minh Thảo cho rằng, việc NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn giảm bất thường thể hiện khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế suy giảm và mức độ khó khăn rất lớn của doanh nghiệp. Bởi vậy, phục hồi và phát triển doanh nghiệp không chỉ là giảm lãi suất mà cần khơi thông các rào cản từ nhiều phía.
Cụ thể, về phía cung, ngoài tiếp tục hạ lãi suất, cần phục hồi các kênh huy động vốn khác như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; hạ thấp các điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận được vốn từ các Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ bảo lãnh tín dụng Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cùng với đó, triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ về giảm, hoãn, giãn thuế; giám sát công tác hoàn thuế, đảm bảo hoàn thuế đúng hạn cho doanh nghiệp; coi trọng cải cách thể chế môi trường kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.
Về phía cầu, theo bà Thảo, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người lao động như: Hỗ trợ tiền thuê nhà, cho vay ưu đãi hỗ trợ tạo việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội; triển khai hiệu quả gói hỗ trợ giảm thuế VAT 2%...
PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng khuyến nghị, để doanh nghiệp tăng khả năng hấp thụ thì cần kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp an sinh xã hội cho hộ nghèo và người bị mất việc; nâng mức thu nhập chịu thuế/giảm thuế suất thu nhập cá nhân; giảm thuế VAT hàng thiết yếu nội địa…
Cùng với đó là cần ưu tiên sử dụng các biện pháp tài khóa do “dư địa” tài khóa vẫn còn. Cụ thể, nên tiếp tục đẩy nhanh đầu tư công; tập trung vào các dự án cơ sở hạ tầng, tránh dàn trải; phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu thực…/.