Tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả ngành vận tải đường bộ Việt Nam và Chiến lược phát triển bền vững ngành vận tải đường thủy nội địa Việt Nam” tổ chức sáng 28/3 tại Hà Nội, bà Yin Yin Lam, chuyên viên cao cấp Ngành giao thông vận tải (Ngân hàng Thế giới -WB) cho biết, logistics là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam với hệ thống đường bộ là xương sống của vận tải hàng hóa.
Vận tải đường bộ của Việt Nam hiện chiếm khoảng 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa của cả nước. Trong khi đó, chi phí logistics ở Việt Nam chiếm gần 21% tổng GDP, cao hơn so với hầu hết các nước trong khối ASEAN. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu và tăng chi phí đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng.
Theo bà Yin: “Thời gian qua, dịch vụ logistics ở Việt Nam có những cải thiện đáng ghi nhận khi tăng 25 bậc trong chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI), từ vị trí thứ 64 (năm 2016) lên vị trí 39 (năm 2018). Tất cả các chỉ số đánh giá LPI 2018 đều tăng vượt bậc; trong đó, có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc). Tuy nhiên, chi phí logistics của Việt Nam vẫn còn ở mức cao ảnh hưởng tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của hoạt động xuất khẩu làm tăng chi phí hàng hóa tiêu dùng”.
Còn theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, đường bộ là phương thức vận tải xương sống trong hoạt động vận tải hàng hóa ở Việt Nam. Năm 2016, vận tải hàng hóa đường bộ chiếm 77% tổng lượng vận chuyển hàng hóa cả nước, trong khi đó vận tải đường thủy nội địa chỉ chiếm 18%, và đây là một là nghịch lý. Giao thông vận tải Việt Nam đang đứng trước nguy cơ phát triển ngược. Đó là Việt Nam có đường bờ biển dài, mạng lưới sông ngòi chằng chịt, không phải đầu tư lớn, chi phí vận tải đường thủy thấp nhưng mang lại hiệu quả rất cao với việc tận dụng khai thác tự nhiên… thì lại không phát triển. Còn giao thông đường bộ phải đầu tư lớn, chi phí cao lại là chủ lực để vận tải hành khách và hàng hóa.
Với vai trò là người đứng đầu ngành giao thông vận tải, ông Thể nhận định: “Giao thông vận tải đường bộ trong thời gian qua có những mặt mạnh, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều mặt yếu. Do vậy trong giai đoạn hiện nay, việc phát triển giao thông đường thủy nội địa là cần thiết. Hiện ngành vận tải trong nước đang có sự mất cân bằng rất lớn giữa vận tải đường bộ và vận tải đường thủy nội địa. Nhiều năm qua giao thông đường bộ Việt Nam phát triển nhanh và nóng. Điều đó làm gia tăng tình trạng tai nạn giao thông (gấp 156 lần so với đường thủy nội địa), chi phí vận tải logistics cao, tác động đến môi trường, gây hiệu ứng nhà kính (gấp 3,4 lần so với đường thủy nội địa).
Cũng theo bà Jen Jung Eun Oh, Trưởng nhóm nghiên cứu giao thông của WB tại Hà Nội cho biết, chi phí logistics tại Việt Nam còn cao, do vậy câu chuyện này cần phải tính đến việc phát triển hành lang giao thông để giải quyết nút thắt trong năng lực phục vụ.
Bà Oh cho hay: “Đề xuất trong 25 năm tới chúng tôi sẽ hỗ trợ dịch vụ vận tải, logistics Việt Nam với những công nghệ mới đạt hiệu quả cao, tạo thuận lợi thương mại; xây mới cải tạo mạng lưới cơ bản nhằm quản lý tài sản có hệ thống, đảm bảo khả năng phục hồi lâu dài. Đặc biệt, đầu tư dựa vào nguồn vốn xã hội hóa và ODA sang sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân”.
Trước những giải pháp mà WB đưa ra, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Tôi đề cao khuyến nghị của WB cho ngành GTVT, đó là chúng ta vẫn đầu tư kết cấu hạ tầng cứng, nhưng kết nối đường bộ với cảng biển, hàng không, ga tàu hỏa… để chi phí đầu tư trong kết cấu hạ tầng thấp, giảm chi phí logistics. Bên cạnh đó cần đào tạo nguồn nhân lực để phát triển tập trung mạnh hơn cho vận tải đường bộ giai đoạn sắp tới”.
Bộ trưởng cũng cho rằng, để giải quyết vấn đề, trong thời gian tới ngành vận tải trong nước sẽ tập trung vào các việc sau: Áp dụng công nghệ mới, sinh học, công nghệ tái tạo để giảm hiệu ứng nhà kính. Đồng thời sẽ phát triển để khai thông đường thủy nội địa.