Aa

Khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics: Biết học người giỏi hơn mình

Thứ Ba, 19/03/2019 - 23:00

Sự phát triển chóng mặt của thương mại điện tử khiến thói quen tiêu dùng thay đổi từ mua bán truyền thống sang mua hàng trực tuyến; gần 500 tỷ USD hàng hoá rời khỏi và đến Việt Nam mỗi năm; quy mô vận tải hàng hóa đường bộ Việt Nam đạt khoảng 9 tỷ USD với một tỷ tấn hàng hóa mỗi năm, trong đó phương tiện xe tải đạt số lượng hơn một triệu xe và tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đạt 9,5%... Đây là mảnh đất màu mỡ để các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực kết nối trung gian có thể tìm kiếm cơ hội.

Tọa đàm "Khởi nghiệp cùng logistics" do Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Mạng lưới đào tạo logistics Việt Nam tổ chức đã thu hút đông đảo sinh viên nhiều trường đại học tham dự. Những câu hỏi để khởi nghiệp thành công, khó khăn, thách thức cũng như cơ hội cho các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực logistics... được CEO của các doanh nghiệp logistics thẳng thắn chia sẻ.

Không có kinh nghiệm đôi khi là lợi thế

Logistics cung cấp các dịch vụ liên quan tới vận tải biển, đường hàng không, đường bộ và quản lý các hàng hoá khai báo hải quan hay cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phục vụ chuỗi cung ứng cho ngành hàng bán lẻ... gây sức hút với các bạn trẻ.

Song nhiều bạn sinh viên băn khoăn đặt, khi ra trường muốn khởi nghiệp bằng việc đi làm ở những doanh nghiệp logistics thay bằng việc bắt tay ngay vào thành lập doanh nghiệp, nhưng "khi đó chỉ có kiến thức chưa có kinh nghiệm liệu có được tuyển dụng?".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ông Trần Đức Nghĩa, CEO Delta International cởi mở: "Không có kinh nghiệm là một lợi thế, thậm chí đôi khi là lợi thế cực lớn. Bởi hoạt động đào tạo trong lĩnh vực logistics mới được đẩy mạnh trong vài năm gần đây. Trước đây 10 năm doanh nghiệp vẫn tự đào tạo nên doanh nghiệp không kỳ vọng tuyển dụng được những người có kỹ năng đáp ứng ngay yêu cầu của mình.

Đặc biệt, ông Nghĩa cho rằng, cái doanh nghiệp tìm kiếm không phải là kỹ năng, kiến thức, càng không phải kinh nghiệm mà có tinh thần tiếp cận với công việc. "Bởi khi muốn làm thì họ sẽ làm với công việc đó hơn 50% cơ hội rồi, còn nếu không muốn làm cơ hội thất bại đã là 50%", ông Nghĩa nói.

Tinh thần quan trọng hơn tất cả và nó đi theo con người cả cuộc đời, còn kiến thức kinh nghiệm có thể thay đổi. Ông Nghĩa cũng chia sẻ, doanh nghiệp có gần 400 người, trừ 5 CEO và founder còn lại đều do ông Nghĩa trực tiếp dạy nghề, thậm chí dạy từ kỹ năng sử dụng máy tính, Word, Excel.

Bà Cao Thu Hiền, CEO Kepler Logistics đồng cảm với tâm lý của sinh viên, bởi bản thân ra trường bà Hiền cũng vậy. Đến khi thành lập công ty, tất cả nhân viên đều do bà Hiền đào tạo từ giấy trắng. Sinh viên trong thời gian chờ 6 tháng tốt nghiệp bà Hiền đã chiêu mộ. 6 tháng đó sinh viên đã được làm công việc như 1 nhân viên logistics bình thường. Tuy nhiên, để thành công cần sự đam mê với logistics. Bà Hiền cho biết, Kepler luôn dành 2 chỗ trống cho sinh viên thực tập.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng thừa nhận các doanh nghiệp tự mò mẫm đào tạo nhân viên của mình rất nhiều. Nhưng theo ông, tại thời điểm này, nhiều trường đại học, cao đẳng đã bắt đầu đào tạo logistics. Hy vọng doanh nghiệp sẽ có nền tảng nhân sự trong thời gian tới vững chắc hơn, giúp rút ngắn quá trình đào tạo tại doanh nghiệp.

Luôn sáng tạo và đổi mới

Tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng "Chưa bao giờ khởi nghiệp máu lửa như bây giờ". Đây không chỉ là phong trào hứng khởi nhất thời mà là sự phát triển của đất nước. Song theo ông Thành, nếu muốn khởi nghiệp, đi tìm việc làm, khởi nghiệp sáng tạo, cần nhớ 3 điều, đó là có ý chí và khát vọng.

Thứ nhất, đừng khởi nghiệp khi nghĩ ngay tới ngân hàng mà bắt đầu từ việc có dám bán cái xe đạp đầu tiên của mình không. Ý ở đây là có sẵn niềm đam mê. Nếu không có ý chí, khát vọng thì không có đam mê. Ý chí không có sẽ không đau đáu, không sâu sắc mà hời hợt, va vấp sẽ chán, sẽ sợ thất bại.

Thứ hai, phải học cách tương tác, kết nối. Phải biết học người giỏi hơn mình, tốt hơn mình. 20 năm qua Việt Nam hội nhập, Chính phủ và các bộ ngành luôn đi tìm học người giỏi nhất. Chơi với người giỏi nhất thì sẽ giỏi hơn. Học phải đọc chứ không phải lướt. Lướt là đem lại sự hời hợt, chểnh mảng, là làm theo chứ không phải sáng tạo. Do đó, lướt cần chuyển sang đọc, sang hiểu, sang ngẫm- đó mới là học tương tác. Và điều nữa, khi nói người giỏi nhất không chỉ là người thành công mà cả người thất bại. Bởi như vậy mới rút ra được bài học để tránh thất bại khi khởi nghiệp.

Thứ ba, nếu định làm gì thì cần hiểu thế giới ngày nay là thế giới của kết nối, hội nhập, có nghĩa là chúng ta có một chân trời rộng mở. Tiếp đó là công nghệ, không hẳn là 4.0, mà là cách làm. Nếu nhìn thấy máy bay hiện đại nhất cần hỏi cách làm, không sợ hãi nó, không huyễn hoặc nó mà nên coi nó rất đời thường. Thế giới của cách mạng tiêu dùng, của lối sống sạch, thuận tiện, nhân văn, cá tính... Và phải học cách sống với những bất định do tốc độ thay đổi rất nhanh.

Ông Đinh Việt Hoà, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia cho rằng, để trở thành một startup logistics mạnh mẽ, các bạn trẻ phải luôn luôn sáng tạo và đổi mới. Trong hoàn cảnh Việt Nam, ông Hoà kêu gọi đổi mới nhiều hơn sáng tạo. Học hỏi những tập đoàn lớn ở nước ngoài để cải tiến cho phù hợp với Việt Nam, tạo ra cái mới. Muốn logistics thành công cần chuẩn bị tâm thế "chớp cơ hội" kinh doanh mạnh mẽ. Muốn trở thành doanh nghiệp lớn trong tương lai, cần có khả năng quản trị và thu hút nguồn lực, chính là sự hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp trong ngành, điều mà hiện nay ở Việt Nam chưa nhiều.

Mặt khác, phải xác định hôm nay thành công nhưng ngày mai có thể sụp đổ, điều lo ngại nhất lúc này là mất tinh thần, mất trái tim trong mình, nếu còn tinh thần kinh doanh, dũng cảm trong kinh doanh thì không bao giờ sụp đổ. Đặc biệt, khi kinh doanh phải hiệu quả, do đó cần 4 yếu tố: giàu có, báo cáo tài chính mạnh mẽ, thu nhập tốt, hiệu quả xã hội cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top