Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng chi phí xây dựng hầm để xe khá lớn là nguyên nhân chính mà chủ đầu tư nào cũng e ngại đầu tư hạng mục này. Càng xây nhiều hầm, chi phí càng cao. Hầm càng sâu, chi phí lại càng đẩy lên.
Hầm càng sâu phí càng lớn
Cụ thể hơn, ông Thanh tính thường hầm thứ nhất có chi phí cao hơn 1,5-1,7 lần tầng nổi. Tầng hầm thứ 2 chi phí cao hơn khoảng 2-2,5 lần tầng nổi. Tầng hầm thứ 3 có thể cao từ 3-3,5 lần... Tầng hầm sâu hơn, chi phí sẽ cao hơn rất nhiều.
Cũng vì vậy mà một số khu chung cư ở Hà Nội hiện không có tầng hầm để xe, số có hầm để xe thì lại quá nhỏ so với diện tích xây dựng cũng như nhu cầu sử dụng.
"Chi phí xây dựng thô các tầng trên mặt đất trung bình 8,5-9 triệu đồng/m2. Chi phí xây dựng tầng hầm có thể lên tới 20-30 triệu đồng/m2", ông Thanh nói.
Ông Thanh còn nhấn mạnh chi phí xây dựng kể trên là chưa tính tiền hoàn thiện tầng hầm. Sau khi xây dựng, chủ đầu tư còn tốn thêm một khoản không nhỏ để hoàn thiện khâu chiếu sáng, thoát nước, phòng cháy chữa cháy, hệ thống biển báo, tín hiệu…
TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, nhấn mạnh về chi phí xây dựng móng công trình có tầng hầm sâu là khá tốn kém. Ngoài ra, càng xuống sâu, độ dày của tường càng lớn. Đơn vị xây dựng còn phải tính toán đến chi phí chống thấm không hề nhỏ.
Không nên buộc phải có tầng hầm, mà phải buộc đủ chỗ để xe
Ông Liêm cũng nêu lên thực trạng nhiều chủ đầu tư hiện nay khi xin giấy phép xây dựng, lập quy hoạch dự án đều bố trí chỗ để xe đầy đủ theo quy mô dân số. Tuy nhiên, một số chủ đầu tư hoặc không xây dựng tầng hầm, hoặc có xây nhưng diện tích rất thấp, không đủ chỗ để xe cho cư dân. Điều đó dẫn đến tình trạng thiếu hầm để xe ngày càng phổ biến, nhất là những chung cư ở trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty TNHH Đất Lành, đề xuất cần thay đổi cách nhìn về việc quy định tầng hầm để xe hiện nay. Vị này phân tích việc bố trí chỗ để xe là quyền của chủ đầu tư dự án. Cơ quan chức năng cần quy định rõ các dự án có đầy đủ chỗ đỗ xe đáp ứng cho quy mô dân số bao nhiêu.
Theo đó, không nên bắt buộc các chủ đầu tư xây dựng tầng hầm làm chỗ đỗ xe mà phải quy định rõ mỗi tòa nhà có bao nhiêu chỗ đỗ xe tương ứng với số lượng cư dân cư trú, để giải quyết tận gốc nhu cầu. Việc quy định chỗ đỗ xe sẽ khiến các chủ đầu tư tự điều tiết trong dự án của mình, làm sao bố trí đủ nhu cầu.
Phân tích về lợi ích của tầng hầm, ông Đực cho biết nhiều chủ đầu tư có thể ngại vì chi phí đắt, nhưng không nghĩ đến lợi ích lâu dài. Thực tế, chiều cao tòa nhà, diện tích xây dựng phần nổi sẽ bị khống chế bởi hệ số sử dụng đất.
Ví dụ, một dự án xây dựng trên diện tích 7.000 m2 thì chỉ được xây tổng diện tích sàn nổi gấp khoảng 10 lần, tương ứng 10.000 m2. Tuy nhiên, diện tích hầm dưới lòng đất lại không bị khống chế.
“Chủ đầu tư càng làm nhiều hầm, càng có nhiều diện tích cho dự án mà không bị giới hạn. Việc có thêm nhiều diện tích, chủ đầu tư có thể tạo ra nhiều lợi ích hơn trong tương lai”, ông Đực phân tích.
TS. Phạm Sỹ Liêm thì nhấn mạnh đến giải pháp quản lý xây dựng, quy hoạch hơn là có chính sách khuyến khích làm tầng hầm. Bất cứ dự án nào khi thiết kế đều tính toán đến quy mô dân số, nhu cầu gửi xe. Vấn đề là cơ quan chức năng có kiểm soát chặt chẽ thiết kế để có chỗ để xe phù hợp với quy mô dân số hay không.