Báo cáo Công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2018 phản ánh mức độ công khai ngân sách tỉnh trên toàn quốc, là công cụ đo đạc mức độ công khai, minh bạch trong quản lý ngân sách nhà nước và mức độ thực thi Luật ngân sách nhà nước năm 2015.
Không có tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0
Kết quả khảo sát POBI 2018 cho thấy chỉ số trung bình về công khai ngân sách tỉnh đạt 51 điểm trên tổng số 100 điểm quy đổi xếp hạng, cao hơn so với chỉ số trung bình đối với POBI 2017 là 30,5 điểm.
"Điều này cho thấy mức độ công khai ngân sách nhà nước của 63 tỉnh/thành phố năm 2018 đã cải thiện hơn so với năm 2017", nhóm nghiên cứu nhận định.
Theo đó, năm 2018, có 6 tỉnh công khai đầy đủ thông tin về ngân sách nhà nước và không còn tỉnh nào có điểm số POBI bằng 0, trong khi năm 2017 có 4 tỉnh có điểm số POBI bằng 0 và không có tỉnh nào công khai đầy đủ thông tin về ngân sách tỉnh.
Xếp hạng POBI 2018 về kết quả công khai minh bạch ngân sách của địa phương được thực hiện theo thang điểm với 4 mức. Mức A: Từ 75 - 100 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai đầy đủ. Mức B: Từ 50 - dưới 75 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai tương đối. Mức C: Từ 25 - dưới 50 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai chưa đầy đủ. Mức D: Từ 0 - dưới 25 điểm quy đổi, được hiểu là mức độ công khai ít. |
Trong Xếp hạng công khai ngân sách POBI 2018, có 6 tỉnh được xếp vào nhóm A - công khai đầy đủ bao gồm: Vĩnh Long với 90,52 điểm; Bà Rịa - Vũng Tàu với 85,91 điểm; Đà Nẵng với 83,09 điểm; Vĩnh Phúc với 82,05 điểm; Quảng Nam với 76,68 điểm và Hậu Giang với 76,66 điểm.
Có 27 tỉnh công khai tương đối, gồm các tỉnh như Trà Vinh (74,88 điểm), Cao Bằng (74,6 điểm), An Giang (73,86 điểm), Hải Dương (73,85 điểm) và Tây Ninh (70,02 điểm). Và 21 tỉnh công khai chưa đầy đủ, 9 tỉnh ít công khai.
POBI 2018 cũng cho thấy sự khác biệt giữa mức độ công khai ngân sách tỉnh của các vùng. Cụ thể, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có điểm xếp hạng POBI trung bình cao nhất, lần lượt là 60,9 và 59,16 điểm; tiếp theo đó là vùng Đông Nam Bộ với 54,37 điểm và Đồng bằng sông Hồng với 50,55 điểm.
Vùng Bắc Trung Bộ có số điểm trung bình thấp nhất trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 40,33 điểm; tiếp đó là Trung du và miền núi Bắc bộ với 42,9 điểm và khu vực Tây Nguyên với 46,3 điểm.
Xếp theo 7 vùng địa lý trên cả nước, Cao Bằng (74,60 điểm), Vĩnh Phúc (82,05 điểm), Quảng Trị (67,43 điểm), Đà Nẵng (83,09 điểm), Kon Tum (61,29 điểm), Bà Rịa - Vũng Tàu (85,91 điểm) và Vĩnh Long (90,52 điểm) là các tỉnh có số điểm POBI đứng đầu mỗi vùng.
Đồng Bằng Sông Cửu Long là vùng có điểm POBI trung bình cao nhất cả nước, đạt 58,72 điểm, cao hơn mức trung bình của cả nước (50,07 điểm).
Trong khi đó khu vực được kỳ vọng có số điểm POBI cao là vùng Đồng bằng sông Hồng lại có số điểm trung bình thấp thứ 4 trong 7 vùng địa lý, chỉ đạt 50,16 điểm.
Người dân ít có cơ hội tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách
Kết quả khảo sát POBI 2018 về mức độ tham gia của người dân đã chỉ ra một vấn đề rằng các tỉnh ít tạo điều kiện để người dân tham gia vào quá trình công khai minh bạch ngân sách.
Số điểm quy đổi trung bình của 63 tỉnh thành phố là 34,6 điểm, trong đó, tỉnh Bắc Ninh đạt điểm số cao nhất với 66,6 điểm. Các tỉnh Bắc Giang, Bến Tre, Bình Phước, Đồng Tháp, Kiên Giang, Ninh Bình, Phú Thọ, Phú Yên và Thái Bình là các tỉnh có số điểm bằng nhau và là các tỉnh có số điểm thấp nhất cả nước với 16,6 điểm.
Thống kê cho thấy, chỉ có 3 trong số 63 tỉnh thành phản hồi qua thư mục hỏi đáp, bao gồm Bắc Ninh, Bình Thuận, Lào Cai. Và chỉ có 6 trong số 63 tỉnh thành phản hồi qua email liên hệ, bao gồm Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Hậu Giang, Lào Cai, Trà Vinh và Vĩnh Long.
Trước thực trạng đó, nhóm nghiên cứu đã khuyến nghị cổng thông tin điện tử của UBND các tỉnh và Sở Tài chính tỉnh cần công khai đầy đủ các tài liệu ngân sách theo như quy định trong chuyên mục công khai ngân sách để người dân có thể dễ dàng tiếp cận.