Aa

Đại biểu Quốc hội lo ngân sách có tiền mà... xài không được

Thứ Năm, 23/05/2019 - 02:00

Đại biểu Quốc hội chưa tán thành với nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công chậm được giải thích do thủ tục giải ngân rườm rà hoặc do quy định pháp luật chưa hợp lý.

Ngân sách những tháng đầu năm đang thặng dư theo đánh giá là điều tốt. Tuy vậy, không ít đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng về tính bền vững của nguồn thu cũng như tình trạng có tiền mà không tiêu được.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều khoản thu sẽ cạn kiệt

Nói về tình hình cân đối ngân sách, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, bội chi ngân sách từ mức hơn 200.000 tỷ đồng đã giảm xuống còn khoảng 191.000 tỷ đồng năm 2018. Với mức bội chi giảm so với dự toán, nợ công năm 2018 đã xuống mức 58,4%. Đây là những thành tựu theo ông là "không nghĩ đạt được".

Đồng tình, đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc thông tin thêm, trong những tháng đầu năm nay, ngân sách đang thặng dư.

Trước đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách 4 tháng ước đạt hơn 517.000 tỷ đồng trong khi chi ngân sách chỉ là gần 430.000 tỷ đồng.

Số thu chi trên theo ông là tốt nhưng ông cảnh báo về những khoản thu một lần như thu từ giao quyền sử dụng đất, hay từ dầu thô. Ông nhấn mạnh: "Dầu thô bán là mất, đất giao xong cũng không thể thu thêm".

Ông lấy ví dụ với TP.HCM, trong quý 1 năm nay, các khoản thu từ đất đã giảm tới 74% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ đó, nhìn rộng ra các địa phương khác, theo ông, "ta phải tính toán nguồn thu nào bù đắp, phải có nguồn thu ổn định đắp cho những khoản tới lúc nào đó sẽ cạn kiệt".

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) cũng bày tỏ lo lắng về tính bền vững của nguồn thu hiện tại.

Ngoài ra, theo bà, nợ đọng thuế hiện vẫn cao trong đó số không có khả năng thu lên tới hơn 30.000 tỷ đồng. Điều này theo bà thể hiện tính tuân thủ pháp luật hiện chưa nghiêm minh.

Bà đề xuất cần có giải pháp quyết liệt hơn như tăng chế tài để đảm bảo sự chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật về thuế.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thúy Lan (đoàn Vĩnh Phúc) lại tỏ ra trăn trở khi chưa kiểm soát được tình trạng chuyển giá của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo bà, không ít doanh nghiệp thường xuyên tuyển thêm lao động, mở rộng kinh doanh nhưng cơ quan chức năng vẫn thất thu thuế.

"Nếu không kiểm soát và có biện pháp cứng rắn thì không thể truy thu được", vị đại biểu này nêu lên.

Góp ý thêm, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP.HCM) kiến nghị việc giao dự toán cần cân nhắc trên cơ sở khoa học và nuôi dưỡng nguồn thu.

"Dự toán giao cho nhiều địa phương cao, khó thực hiện, có địa phương giao tăng 40% so với năm ngoái", bà nói.

Theo đại biểu, nhiều địa phương đóng góp chính cho thu ngân sách nhưng phần kinh phí để địa phương đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu thì vẫn hạn chế.

Trăn trở điệp khúc "giải ngân chậm"

Ở hướng ngược lại, về chi ngân sách, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) nói lên lo lắng khi chi thường xuyên vẫn cao và có tình trạng lãng phí của công. Ông tỏ ra đồng tình với kết quả kiểm toán trước đó đã vạch ra nhiều nguồn chi "có vấn đề" từ khâu lập dự toán tới khâu thực hiện.

Cũng về chi ngân sách, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết góp ý cần đánh giá hiệu chi ngân sách hàng năm gắn vơi từng địa phương và mục tiêu được giao. Bà đặt ra câu hỏi, hiệu quả chi ngân sách từng địa phương hiện như thế nào, có đảm bảo kế hoạch không, mang lại hiệu quả kinh tế xã hội ra sao.

Với vấn đề khác theo bà đã được nhắc lại trước đó là chậm giải ngân vốn đầu tư công, vị đại biểu bày tỏ: "Không thấy Chính phủ có giải pháp nào mạnh mẽ về vấn đề này".

Bà đặt ra nghi vấn, có hay không chuyện thiếu vốn, nên giải ngân chậm, hay do thủ tục phức tạp hoặc việc bố trí vốn chưa phù hợp.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cũng thừa nhận, bà trăn trở về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công. Bà thẳng thắn, chưa tán thành với phân tích nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ như thủ tục giải ngân rườm rà hoặc một số nội dung khác "đổ lỗi" do quy định pháp luật chưa hợp lý.

Theo bà, điều này cần nhìn nhận chính xác hơn bởi, nếu năm 2016 - 2017, khó khăn có thể do thủ tục nhưng tới năm 2018 - 2019, không thể đổ lỗi như vậy bởi các thủ tục đã hoàn tất.

Vị này chỉ ra nguyên nhân thực tế là do việc giao vốn của nhiều bộ ngành, địa phương chậm. Ngoài ra, năng lực thực hiện của tổ chức, cá nhân được giao còn hạn chế.

Để khắc phục, bà kiến nghị nên xem xét trách nhiệm các đối tượng liên quan. "Năm nào cũng điệp khúc giải ngân chậm thì không có gì thay đổi", bà lên tiếng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top