Aa

Chỉ số PCI - "Tấm gương soi" ngày càng chân thực hơn!

Thứ Tư, 06/05/2020 - 16:48

Để có được bảng xếp hạng và những đánh giá tưởng như đơn giản này là cả một bộ máy làm việc nghiêm túc trong một thời gian dài theo những nguyên tắc và phương pháp tính toán khoa học, hoàn toàn đáng tin cậy.

Ngày 5/5 vừa rồi, phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 dựa trên khảo sát gần 12.500 doanh nghiệp.

Tính đến nay đã tròn 15 năm, kể từ năm 2005, chỉ số PCI ra đời đã đóng vai trò ngày càng lớn trong công cuộc cải cách hành chính trong bộ máy Nhà nước, trở thành tấm gương soi ngày càng chân thực hơn trong việc đánh giá “tính công bộc” của các cấp chính quyền địa phương đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt đối với lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Điều quan trọng là những bản báo cáo thường niên PCI này được cấu trúc hoàn toàn từ hàng chục nghìn ý kiến của các doanh nghiệp tư nhân trên toàn quốc.

Năm nay, Quảng Ninh là tỉnh có năm thứ ba liên tiếp đứng đầu xếp hạng với 73,4 điểm, tăng 3 điểm so với PCI 2019. Có 8/10 chỉ số thành phần của tỉnh tăng điểm, cho thấy sự thay đổi tích cực.

Các vị trí tiếp theo là Đồng Tháp, Vĩnh Long và Bắc Ninh. Đây cũng là 3 tỉnh tiến bộ vượt bậc trong bảng xếp hạng. Trong top 10 còn có Đà Nẵng, Quảng Nam, Bến Tre, Long An, Hà Nội và Hải Phòng.

Nhóm cuối là Lai Châu, Đắk Nông, Bắc Kạn... nhưng theo VCCI, các tỉnh này cũng có những bứt phá so với 2019 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển doanh nghiệp dân doanh.

Bảng xếp hạng PCI 2019. Nguồn: VCCI.

Để có được bảng xếp hạng và những đánh giá tưởng như đơn giản nêu trên là cả một bộ máy làm việc nghiêm túc trong một thời gian dài theo những nguyên tắc và phương pháp tính toán khoa học, hoàn toàn đáng tin cậy.

Nhân sự kiện này, thiết nghĩ những chia sẻ dưới đây sẽ không thừa với nhiều bạn đọc.

Chắc không mấy ai nghĩ rằng PCI có nguồn gốc từ Việt Nam, do một nhóm chuyên gia trong và ngoài nước của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phát triển. Để xây dựng PCI trở thành một “tấm gương soi” đáng tin cậy, VCCI tiến hành khảo sát doanh nghiệp tư nhân tại các tỉnh, thành phố theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tổ. Mỗi năm, có khoảng trên dưới 10.000 doanh nghiệp tư nhân trả lời điều tra PCI. Để xây dựng bộ chỉ số này, ngoài dữ liệu điều tra, nhóm nghiên cứu PCI của VCCI còn sử dụng các thông tin khác đã công bố của các bộ, ngành...

Có tất cả 10 chỉ số thành phần (với thang điểm 100) nhằm đánh giá và xếp hạng các tỉnh về chất lượng điều hành cấp tỉnh tại Việt Nam.

Theo báo cáo của VCCI, ngay từ những lần khảo sát đầu tiên, để có thể so sánh các tỉnh trên một cơ sở bình đẳng, PCI tập trung vào chất lượng của điều hành kinh tế cho sự phát triển của khu vực tư nhân và loại bỏ những yếu tố về điều kiện truyền thống. Theo cách tiếp cận này, 10 chỉ số cấu thành năng lực cạnh tranh được xây dựng để phản ánh những khía cạnh khác nhau của môi trường kinh doanh, những khía cạnh này trực tiếp chịu ảnh hưởng từ những ứng xử của chính quyền địa phương trong ngắn hạn và trung hạn.

Những chỉ số thành phần này được tóm tắt dưới đây:

1) Chi phí gia nhập thị trường: Chỉ số thành phần này đo thời gian một doanh nghiệp cần để đăng ký kinh doanh, xin cấp đất và nhận được mọi loại giấy phép, thực hiện tất cả các thủ tục cần thiết để bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh.

2) Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất: Chỉ số thành phần này được tính toán dựa trên hai khía cạnh về đất đai mà doanh nghiệp phải đối mặt; việc tiếp cận đất đai có dễ dàng không và khi có đất rồi thì doanh nghiệp có được đảm bảo về sự ổn định, an toàn trong sử dụng đất hay không. 

Khía cạnh thứ nhất phản ánh tình trạng doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, có đủ mặt bằng thực hiện những yêu cầu mở rộng kinh doanh hay không, doanh nghiệp có đang thuê lại đất của doanh nghiệp Nhà nước không và đánh giá việc thực hiện chuyển đổi đất tại địa phương. 

Khía cạnh thứ hai bao gồm đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về những rủi ro trong quá trình sử dụng đất (ví dụ như rủi ro từ việc bị thu hồi, định giá không đúng, thay đổi hợp đồng thuê đất) cũng như thời hạn sử dụng đất.

3) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin: Chỉ số thành phần này đánh giá khả năng mà doanh nghiệp có thể tiếp cận những kế hoạch của tỉnh và văn bản pháp lý cần thiết cho hoạt động kinh doanh, tính sẵn có của các loại tài liệu, văn bản này; liệu chúng có được đưa ra tham khảo ý kiến doanh nghiệp trước khi ban hành và tính có thể dự đoán được trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản đó, mức độ tiện dụng của website của tỉnh đối với doanh nghiệp.

4) Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước: Chỉ số thành phần này đo lường thời gian mà các doanh nghiệp phải tiêu tốn khi chấp hành các thủ tục hành chính, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước của tỉnh thực hiện việc thanh tra, kiểm tra.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

5) Chi phí không chính thức: Chỉ số thành phần này đo lường mức chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải trả và những trở ngại do những chi phí này gây nên đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, việc trả những chi phí không chính thức như vậy có đem lại kết quả hay "dịch vụ" như mong đợi không và liệu có phải các cán bộ nhà nước sử dụng các quy định pháp luật của địa phương để trục lợi không?

6) Ưu đãi đối với doanh nghiệp Nhà nước (môi trường cạnh tranh): Chỉ số thành phần này đánh giá tính cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân do ảnh hưởng từ sự ưu đãi các doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước đã cổ phần hoá của chính quyền cấp tỉnh, thể hiện dưới dạng các ưu đãi cụ thể, phân biệt về chính sách và việc tiếp cận nguồn vốn.

7) Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo tỉnh: Chỉ số thành phần này đo lường tính sáng tạo, sáng suốt của tỉnh trong quá trình thực thi chính sách Trung ương cũng như trong việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển khu vực kinh tế tư nhân, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng của Trung ương theo hướng có lợi cho doanh nghiệp.

8) Chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân: Chỉ số thành phần này phản ánh chất lượng và tính hữu ích của các chính sách cấp tỉnh để phát triển khu vực kinh tế tư nhân, như xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin pháp luật cho doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm đối tác kinh doanh, cung cấp dịch vụ công nghệ cũng như phát triển các khu và cụm công nghiệp tại địa phương.

9) Đào tạo lao động: Chỉ số thành phần này phản ánh mức độ và chất lượng những hoạt động đào tạo nghề và phát triển kỹ năng do tỉnh triển khai nhằm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp địa phương cũng như tìm kiếm việc làm cho lao động địa phương.

10) Thiết chế pháp lý: Chỉ số thành phần này phản ánh lòng tin của doanh nghiệp tư nhân đối với các thiết chế pháp lý của địa phương, việc doanh nghiệp có xem các thiết chế tại địa phương này như là công cụ hiệu quả để giải quyết tranh chấp hoặc là nơi mà doanh nghiệp có thể khiếu nại những hành vi nhũng nhiễu của cán bộ công quyền tại địa phương hay không.

Nếu ai còn nhớ trong Bảng xếp hạng năm 2006, tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 25, Hà Nội xếp thứ 40, Đồng Tháp xếp thứ 11... thì sẽ thấy cuộc đua “soán ngôi” hàng năm trong lĩnh vực cải cách hành chính ở các địa phương sôi động đến mức nào và ý nghĩa hơn nữa, đó là vai trò của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân ngày càng được tôn trọng như thế nào trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top