Thông tin mới nhất trên báo Tiền Phong và Lao Động cho hay, mới đây Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Cà Mau - ông Hồ Việt Trung đã thông tin về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã không tổ chức cấp huyện và sáp nhập tỉnh.
Theo đó, tỉnh Cà Mau hiện đang khẩn trương rà soát quy hoạch, thực địa của các xã và dự kiến các phương án sắp xếp theo dự kiến của Trung ương.
Ông Hồ Việt Trung thông tin, hiện nay, Cà Mau có 100 xã phường, thị trấn.
Trên tinh thần định hướng của Trung ương, tỉnh Cà Mau dự kiến phương án sắp xếp còn dưới 50 xã/phường, báo cáo Trung ương chậm nhất ngày 1/5.

Cà Mau dự kiến sẽ "tái nhập" với tỉnh Bạc Liêu sau khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Internet
Liên quan đến việc hợp nhất tỉnh Bạc Liêu với Cà Mau, 2 địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời gian họp bàn.
"Dự kiến ngày 17/4 tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bạc Liêu sẽ họp tại Cà Mau để thống nhất các nội dung hợp nhất. Sau đó, 2 địa phương sẽ có đề án hợp nhất, tinh thần là xong trong tháng 8", ông Việt cho biết.
Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau, lấy tên là tỉnh Cà Mau, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Cà Mau hiện nay.
Nằm ở cực Nam của Việt Nam, tỉnh Cà Mau có diện tích tự nhiên 5.275km2, xếp thứ 26 trong số 63 tỉnh, thành phố cả nước về diện tích. Tính đến ngày 1/4/2024, dân số của tỉnh đạt 1.210.843 người, với mật độ dân số trung bình khoảng 230 người/km2.

Tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau sẽ họp bàn sáp nhập dự kiến vào ngày 17/4. Ảnh: Internet
Cà Mau giáp tỉnh Kiên Giang ở phía Bắc, tỉnh Bạc Liêu ở phía Đông Bắc, Biển Đông ở phía Đông và Nam, cùng Vịnh Thái Lan ở phía Tây và Tây Nam.
Vị trí địa lý đặc biệt này mang lại cho Cà Mau lợi thế trong phát triển kinh tế biển, đặc biệt là nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, với sản lượng xuất khẩu tôm đứng hàng đầu cả nước. Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo và du lịch sinh thái, tận dụng hệ sinh thái rừng ngập mặn và Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau.
Tỉnh Bạc Liêu nằm trên bán đảo Cà Mau, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với diện tích tự nhiên 2.668km2, xếp thứ 45 toàn quốc. Tính đến ngày 1/4/2024, dân số của tỉnh đạt 929.439 người, với mật độ dân số trung bình khoảng 348 người/km2.
Bạc Liêu giáp tỉnh Hậu Giang ở phía Bắc, tỉnh Sóc Trăng ở phía Đông và Đông Bắc, tỉnh Cà Mau ở phía Tây Nam, tỉnh Kiên Giang ở phía Tây Bắc và Biển Đông ở phía Đông Nam, với đường bờ biển dài khoảng 56km . Tỉnh nổi bật với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, cùng với phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch văn hóa, khai thác các di sản văn hóa như Đờn ca tài tử và các công trình kiến trúc cổ.
Hai tỉnh từng hợp nhất trong quá khứ
Ngày 20/12/1975, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra Nghị quyết số 19/NQ điều chỉnh lại việc hợp nhất tỉnh ở cực Nam Việt Nam cho sát với tình hình thực tế.
Theo đó tỉnh Cà Mau và tỉnh Bạc Liêu được tiến hành hợp nhất vào ngày 1/1/1976, với tên gọi ban đầu là tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu.
Ngày 10/3/1976, tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu đổi tên thành tỉnh Minh Hải theo đề nghị của Tỉnh ủy, được Ban đại diện Trung ương Đảng và Chính phủ đồng ý.
Ý nghĩa tên Minh Hải vừa là từ ghép gợi nhớ đến 2 địa danh cũ, vừa có nghĩa là biển sáng.
Sau khi hợp nhất, tỉnh Minh Hải có 2 thị xã và 7 huyện. Tỉnh lỵ tỉnh Minh Hải ban đầu đặt tại thị xã Bạc Liêu, lúc này lại được đổi tên là thị xã Minh Hải.
Đến tháng 11/1996, Quốc hội khóa IX phê chuẩn tách tỉnh Minh Hải thành 2 tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau (chính thức hoạt động từ tháng 1/1997 cho đến nay). Lúc này, tỉnh Bạc Liêu có một thị xã và 3 huyện. Tỉnh Cà Mau gồm một thị xã và 6 huyện.