Mới đây, Cục hàng không Việt Nam đã có tờ trình đến Bộ xây dựng, đề nghị xem xét tổ chức thẩm định và phê duyệt hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc, giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam cho biết trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không Phú Quốc cần hơn 1.000ha trong đó gồm 852ha hiện có và hơn 198ha diện tích đất xin thêm.
Tại tờ trình đề nghị Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) xem xét quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục này cho biết tổng nhu cầu sử dụng đất của cảng gần 866ha, trong đó bao gồm gần 852ha đất hiện có và dự kiến xin thêm hơn 14ha.
Do đó, lần đề xuất này quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc dự kiến sẽ tăng thêm 184ha diện tích đất xin thêm.

Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được lên đời trong tương lai. Ảnh: Internet
Trong giai đoạn 2021–2030, Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Phú Quốc được định hướng phát triển thành sân bay lưỡng dụng cấp 4E – điều này có nghĩa là cảng có thể tiếp nhận được những dòng máy bay thân rộng, hiện đại như Boeing 747, Boeing 787 hay Airbus A350. Theo quy hoạch của Cục Hàng không Việt Nam, sân bay này sẽ có tổng cộng 30 vị trí đỗ máy bay, gồm 5 vị trí dành cho máy bay code E (loại lớn) và 25 vị trí cho máy bay code C. Đáng chú ý, một quỹ đất cũng đã được dự trữ để sẵn sàng mở rộng sân đỗ khi nhu cầu tăng cao.
Về hạ tầng phục vụ hành khách, nhà ga T1 hiện hữu – với công suất khoảng 4 triệu lượt khách mỗi năm – sẽ tiếp tục vận hành để khai thác cả chặng bay quốc nội và quốc tế. Song song đó, một nhà ga T2 hoàn toàn mới được quy hoạch, có công suất thiết kế lên đến 6 triệu lượt khách/năm. Như vậy, vào năm 2030, tổng công suất phục vụ của Cảng HKQT Phú Quốc sẽ đạt mốc 10 triệu hành khách mỗi năm, kèm theo khả năng xử lý khoảng 25.000 tấn hàng hóa.

Sân bay này không dừng lại ở con số 10 triệu hành khách. Ảnh minh họa
Điểm đặc biệt là trong quy hoạch giai đoạn này, một nhà khách VIP sẽ được xây dựng tại khu vực phía Tây Nam của sân bay – phục vụ riêng cho Tuần lễ Cấp cao APEC 2027. Sau sự kiện này, nhà khách VIP sẽ không bị "bỏ không" mà sẽ được đưa vào khai thác linh hoạt, phục vụ cho các chuyến bay quốc tế hoặc hàng không chung (general aviation).
Cũng trong cùng giai đoạn, đường cất hạ cánh số 1 sẽ được cải tạo và kéo dài. Một đường cất hạ cánh số 2 sẽ được quy hoạch, cách tim đường băng số 1 khoảng 360m về phía Bắc. Hệ thống đường lăn cũng sẽ được mở rộng tương ứng: đường lăn song song số 1 được kéo dài theo đường cất hạ cánh số 1, đồng thời quy hoạch thêm đường lăn song song số 2 nằm giữa hai đường băng chính.

Một góc huyện đảo Phú Quốc. Ảnh: Internet
Tầm nhìn đến năm 2050, sân bay này không dừng lại ở con số 10 triệu hành khách. Nhà ga T2 được định hướng mở rộng để nâng công suất lên khoảng 14 triệu khách/năm, giúp cảng đạt tổng công suất 18 triệu hành khách cùng 50.000 tấn hàng hóa mỗi năm. Đặc biệt, một đường lăn song song số 3 cũng sẽ được bổ sung, cách tim đường băng số 2 khoảng 180mmmmmmmmvề phía Bắc, cùng với 6 đường lăn nối từ đường băng số 2 đến đường lăn số 3, tạo nên một hệ thống đường lăn kết nối đồng bộ vào sân đỗ máy bay.
Hiện tại, Cảng HKQT Phú Quốc được thiết kế để phục vụ 4 triệu lượt khách mỗi năm – gồm 3 triệu khách nội địa và 1 triệu khách quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy sân bay này đã hoạt động vượt xa công suất thiết kế. Trung bình mỗi ngày, hơn 100 chuyến bay hạ cánh và cất cánh tại đây, trong đó có không ít các chuyến bay quốc tế đến từ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Kazakhstan, Ba Lan, Mông Cổ…, theo cả hình thức bay thường lệ lẫn thuê chuyến. Chỉ riêng năm ngoái, sân bay này đã đón gần 2 triệu khách quốc tế, tức gấp đôi công suất thiết kế dành cho khách quốc tế – một minh chứng rõ nét cho sức hút của đảo ngọc Phú Quốc trên bản đồ du lịch và đầu tư toàn cầu.
Phú Quốc là thành phố đảo đầu tiên được thành lập của Việt Nam. Đảo Phú Quốc cùng các đảo nhỏ lân cận và quần đảo Thổ Chu hợp lại tạo thành TP. Phú Quốc ở vịnh Thái Lan.