Aa

“Chia lửa” để tăng khả năng hỗ trợ nền kinh tế

Thứ Bảy, 21/08/2021 - 16:56

“Việc ngân hàng kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn cho các dịch vụ ngân hàng là hoàn toàn chính đáng”.

Ngân hàng phải bù lỗ phí tin nhắn

Từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, các TCTD đã phải tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, hy sinh lợi nhuận để miễn, giảm lãi suất, phí nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra. Phát biểu tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2-1,5%. 7 tháng đầu năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%.

Chưa dừng lại ở đó, thực hiện chỉ đạo của NHNN, 16 NHTM hội viên của Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) đã đồng thuận giảm tiếp lãi suất để hỗ trợ khách hàng. Ước tính, tổng số tiền giảm lãi suất của 16 NHTM từ nay đến cuối năm vào khoảng 20.300 tỷ đồng. Ngoài phần 16 ngân hàng đã cam kết giảm kể trên, thực hiện chỉ đạo của NHNN, 4 NHTM Nhà nước cũng đồng thuận giảm thêm 4.000 tỷ đồng nữa (mỗi ngân hàng sẽ giảm thêm 1.000 tỷ đồng) cho các địa phương như TP.HCM, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Bên cạnh đó, các ngân hàng còn cắt giảm hàng loạt các loại phí để hỗ trợ khách hàng.

Trong khi đó, ngân hàng cũng là doanh nghiệp và cũng đang gặp nhiều tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19 như tín dụng tăng chậm, rủi ro nợ xấu gia tăng… Vì thế các ngân hàng rất cần sự đồng hành, “chia lửa” từ các bộ, ngành để có thể hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, cho nền kinh tế. Điển hình như cước tin nhắn của các doanh nghiệp viễn thông.

Mặc dù từ năm ngoái đến nay, VNBA đã 3 lần có văn bản gửi Bộ Thông tin - Truyền thông đề nghị hỗ trợ giảm cước phí dịch vụ tin nhắn cho các TCTD. Nhưng đến nay, chưa có động thái hỗ trợ nào từ các nhà mạng. Mới đây, VNBA lại tiếp tục gửi công văn lần thứ tư tới Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, đề nghị bộ chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông thực hiện chỉ đạo của Chính phủ giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các TCTD do bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký VNBA, từ khi dịch Covid-19 diễn ra, các TCTD đã tích cực giảm chi phí, lương, thưởng, lợi nhuận để thực hiện giảm lãi vay, giảm các loại phí... nhằm hỗ trợ khách hàng. Thế nhưng các nhà mạng vẫn giữ nguyên mức cước tin nhắn áp dụng với ngân hàng cao gấp nhiều lần mức cước thông thường. Cụ thể, MobiFone và VinaPhone thu 820 đồng/1 tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng/1 tin nhắn quảng cáo chăm sóc khách hàng; Viettel thu 785 đồng đối với tin nhắn giao dịch tài chính và 500 đồng với tin nhắn chăm sóc khách hàng. Mức giá này cao hơn từ 2 - 3 lần so với mức giá tin nhắn của khách hàng cá nhân. Các nhà mạng khác như Vietnamobile, Beeline cũng có mức giá cao tương tự.

Với những ngân hàng có lượng khách hàng lớn thì số tiền phải trả cho nhà mạng là không hề nhỏ. Mỗi tháng, tùy quy mô, ngân hàng có từ 20 - 40 triệu giao dịch. Như vậy sẽ có ít nhất 40 - 80 triệu tin nhắn được gửi ra cho khách hàng để xác thực giao dịch, thông báo biến động tài khoản. Theo đó, số lỗ của ngân hàng là không hề nhỏ.

Ông Trần Công Quỳnh Lân - Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết, việc bù lỗ cước phí tin nhắn SMS quả thực là vấn đề lớn đối với ngân hàng. Hiện tại các nhà mạng thu phí tin nhắn SMS đối với các cá nhân là từ 100 - 350 đồng/tin nhắn, song lại thu phí của ngân hàng là từ 700 - 820 đồng/tin nhắn. Trong khi tin nhắn ngân hàng sử dụng để cung cấp dịch vụ nhắn tin biến động số dư, thông tin giao dịch, mã xác thực cho các giao dịch tài chính của khách hàng... “Nếu như ngân hàng thu phí của khách hàng đúng như nhà mạng thu phí ngân hàng thì không lỗ. Nhưng ngân hàng hiện tại không những không thu phí mà còn miễn giảm phí cho khách hàng sử dụng. Như vậy, toàn bộ số tiền nhà mạng thu của ngân hàng chính là số lỗ mà ngân hàng phải gánh chịu”, ông Lân bày tỏ.

Giảm là chính đáng

PGS.TS. Đỗ Hoài Linh - Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, việc ngân hàng kêu gọi các doanh nghiệp viễn thông giảm cước tin nhắn cho các dịch vụ ngân hàng là hoàn toàn chính đáng. Việc làm này là cùng đồng hành, cùng chung tay với ngân hàng trong việc hỗ trợ khách hàng và người được hưởng lợi cuối cùng ở đây là người dân và doanh nghiệp. Cho rằng, hành động “ngó lơ” không phản hồi yêu cầu của ngành viễn thông là không phù hợp, PGS.TS. Đỗ Hoài Linh đề xuất, bên cạnh gói hỗ trợ tăng dung lượng sử dụng cho người dân, các doanh nghiệp viễn thông nên cần sớm có gói hỗ trợ cước viễn thông với doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

Ngay cả việc các ngân hàng phải chịu mức phí cao gấp ba lần tin nhắn thông thường, theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, cũng là không hợp lý. Trong khi cả nước đang cùng nhau góp sức chống dịch, ngành Ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp miễn giảm lãi, phí cho khách hàng, bản thân các công ty viễn thông cũng giảm phí cho khách hàng khác, song chưa có động thái giảm phí nhắn tin cho ngân hàng là chưa công bằng. “Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì việc giảm một phần mức phí đó sẽ hỗ trợ, tạo thêm động lực và nguồn lực để các ngân hàng có thể hỗ trợ khách hàng nhiều hơn. Vì thế, tôi nghĩ rằng, để có được sự hợp tác bền chặt giữa hai bên thì cần có thiện chí từ các công ty viễn thông để thấu hiểu, chia sẻ những khó khăn, hành động của các ngân hàng và cũng để đảm bảo tính công bằng như đối với các khách hàng khác của nhà mạng”, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ.

Chưa kể hiện các TCTD là khách hàng lớn của các nhà mạng. Nguồn thu từ các TCTD đối với nhà mạng là rất lớn, đáng nhẽ các nhà mạng cần phải chăm sóc, nuôi dưỡng nguồn thu và phải có chính sách ưu đãi, chia sẻ khó khăn đối với khách hàng của mình. Trong khi đó, các nhà mạng vẫn “bình chân như vại” không quan tâm tới đề nghị của các TCTD mặc dù VNBA đã có công văn gửi Bộ Thông tin - Truyền thông 3 lần. Điều này sẽ giảm khả năng hỗ trợ của ngân hàng đối với khách hàng. Nhất là trong bối cảnh nhiều địa phương giãn cách xã hội, các giao dịch online tăng mạnh và số lượng tin nhắn gửi tới khách hàng cũng tăng tương ứng.

“Hy vọng lần thứ 4 này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ có chỉ đạo quyết liệt nhà mạng thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 63/NQ-CP, giảm phí cước tin nhắn đối với các dịch vụ ngân hàng cho các TCTD, đồng thời làm việc với VNBA để giải thích rõ việc tính cước phí đối với các TCTD. Bên cạnh đó, cũng đề nghị các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với các TCTD và các cơ quan chức năng để ngăn chặn không cho đối tượng lừa đảo gửi tin nhắn thương hiệu của các TCTD qua nhà mạng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top