Aa

Chiếc lá nửa nghiêng xuống đất

Thứ Tư, 13/01/2021 - 07:00

Tình thương yêu con người nó cứ như nửa của chiếc lá nghiêng xuống phía đất, ẩn khuất và chẳng phải chuyện tình nào cũng như nửa chiếc lá phơi hứng nắng mặt trời...

Còn có non tháng nữa là tết ta về, không khí tết cứ làm mọi người chộn rộn nao nức, nào người sửa sang nhà, nào dọn dẹp đồ đạc cho không gian sống đẹp hơn. Nào, ta cũng cần dọn dẹp hồn ta lại, sao cho những nỗi buồn căng chật của một năm đầy biến động, của dịch giã, của lũ lụt, ta dành dụm để có chút thời gian thanh thản cuối năm.  

Những công việc chất như núi của đời người chẳng thể tính hay đếm hết trong thời thanh xuân. Ấy là khi chúng ta còn son trẻ. Nhưng đến bước trượt của tuổi già, cái đích mà ai ai cũng trượt tới đó. Người già lại có cách dọn dẹp riêng của đời mình với những hiu hắt buồn ở một viện dưỡng lão hay một phòng bệnh trong viện lão khoa.

Ở phía sau hành lang một viện lão khoa có một khoảng không gian hẹp, một cụ ông ngồi cúi đầu hong nắng. Sớm ra có chút nắng, ông lão nhìn nắng và nói với tôi: "Cháu có thể nói chuyện ta được không? Nhiều người đã từ chối không muốn nói chuyện với ta. Ta hay nói chuyện với bóng nắng và thỏa hiệp với nó về số phận ta”.

Nắng với tuổi này không ấm nữa mà là nắng lạnh, khi số dư sổ tiết kiệm của ta không còn.Ta không có con, cháu ạ, dù đã qua một lần đăng ký kết hôn, hai lần chỉ về ở với nhau với hai người đàn bà cũng đơn thân, rồi chia tay, như bạn trẻ bây giờ hay gọi là sống thử. Ta cưới người vợ đầu khi cô ấy đã có một mụn con gái. Khi đó ta có nhiều tiền. Cưới ít lâu sau mới biết vợ mình có con riêng đang sống với bà ngoại. Mười năm sau ta không thể chấp nhận nổi sự giấu diếm của vợ, ta từ bỏ vợ cũ và ở với người tình mới. Rồi cô ta cũng rời ta đi vì có một người tình cũ từ nước ngoài trở về đón cô sang Đức sinh sống. Không có giấy kết hôn, chia tay khá nhẹ nhàng.

Đến cuộc tình thứ ba thì cô giáo này đòi chia tay ta, lý do đơn giản lắm, vì con trai của cô giáo rất sợ ta chiếm hữu ngôi nhà đẹp và tiện nghi của hai mẹ con. Hơn nữa cậu con trai của cô giáo này không đủ sức giao tiếp như hai người đàn ông với nhau. Ta buông mối tình này và đã tiêu tiền hoang phí vào canh bạc ở sòng bạc biên giới Cam Pu Chia. Ta cũng vừa dừng lại khi số dư của sổ tiết kiệm báo chỉ đủ cho ta an dưỡng tuổi già. Nghĩ gần thì rất ổn. Nghĩ xa lại thấy kinh. Vì sau một trận ốm là số tiền thuê người chăm sóc tiêu đi như muối bỏ bể. Giờ thì ta đã khá hơn và nếu khỏe ta sẽ mở lớp dạy tiếng Anh, tiếng Nhật cho người nước ngoài đến Việt Nam kiếm sống.

Thực ra để sống như người nhà quê xưa thì dễ sống lắm. Buồn nỗi là ta còn cần nói chuyện, cần xem những bức tranh, những triển lãm gốm và rồi để ngồi nhìn nắng như thế này đây; ta không biết làm gì khi thời gian cứ vùn vụt tiêu đi mà đời ta thì trống hoác. Những năm trước khi nhìn động đất ở Nepal, ta lại thèm được nằm trong số đổ nát ấy, để cho đứa trẻ Nepal được sống. Nước đó đang cần có những người trẻ phục dựng lại đền đài và nhà cửa. Sống đến ngần này tuổi là ta lãi rồi dù số dư trong sổ tiết kiệm của ta đã về mo.

Vì sống nhiều năm ở đất Sài Gòn, rồi sông nước miền Tây, ta cũng bị nhiễm cái cách chi tiêu phóng khoáng của họ. Khi ta chi tiêu thật phóng khoáng nên những người tình của ta cứ chiếm hữu tài sản của ta rồi bỏ ta đi. Tiền thì còn kiếm được, nhưng tình yêu thì khó kiếm trong thời buổi này. Hôm qua ta có nhờ một ông bạn chưa già lắm, mua hộ cái thẻ nạp điện thoại, ông ta từ chối luôn: “Tôi là gì của ông mà ông nhờ nhỉ, ông cũng có chân đi và còn nằm phơi nắng đấy thôi”.

Buồn cười, đến nằm phơi nắng cũng có kẻ ganh ghét ngay cả khi nằm viện. Tôi mua phiếu khám và để nằm dịch vụ cũng có người bảo tôi là gã dân thường không có tiêu chuẩn Việt Xô hay Việt xiếc gì đấy. Sang thế kỷ 21 rồi, mà một kẻ làm nhà nước khi về hưu vẫn huếnh lên chức tước này nọ để mà làm gì? Ta muốn nhờ cháu đưa ta ra một hiệu bán vàng. Ta cần bán đi vài vật kỷ niệm, dĩ nhiên ta có thể đỡ cháu vài ngày công lao động để ta có cháu đi cùng, không phải là ta sợ cướp, mà huyết áp của ta chưa ổn định, nếu có cơ sự gì thì cháu gọi giúp ta một cuộc điện thoại ở đây. Số dư của sổ tiết kiệm còn đủ cho người ta hóa ta thành tro bụi.Nhưng là phòng xa thôi.

Vâng. Tôi giúp ông đi bán nữ trang và đi gửi tiết kiệm, rồi ông lại về phơi nắng. Ông bảo khi nào rỗi rãi vào nói chuyện với ta nhé. Không cần mua gì. Ta cần cháu ngồi nghe ta nói chuyện, nếu không ta lại nói chuyện với bóng nắng vậy.

Trên bãi biển Phú Quốc, chứ không phải một trại dưỡng lão, có một người đàn bà ngày nào cũng đi một mình trên bãi biển, rồi nằm phơi nắng trên cái ghế trên cát. Bà nói với cậu nhân viên trực cứu hộ lo du khách tắm biển cần khi cứu hộ: “Cháu thấy du khách người Anh hay người Na Uy đều đến việt Nam nghỉ dưỡng, đúng là họ đi mua nắng mà chỉ có người ở xứ nắng thì không coi nắng ra gì”.

Người nhân viên của khách sạn đã đi mua giúp bà một tuýp kem chống nắng, bà lão kêu đã mua nhưng bỏ quên đâu mất.

Cô nhân viên trồng cỏ đã nghỉ tay và giúp bà lữ khách đứng tuổi vào phòng nghỉ vì lý do trời sắp mưa. Hòn đảo đầy nắng  này mà mưa thì đẹp vô cùng. Nó làm cho nước biển có mảng đỏ lên, có mảng xanh biếc, đẹp đến nao lòng. Cô nhân viên hết làm cỏ chờ trú mưa ngồi vào mái hiên ở phòng nghỉ thì người phụ nữ đứng tuổi mang chiếc bánh ra mời: “Cháu ăn với bà một chiếc lấy thảo. Bà sống một mình, đi nghỉ một mình thôi?” “Ừ, tôi sống có một mình, cũng từng có chồng, rồi ông ấy bỏ đi với người khác.

Tôi cũng có bạn tri kỷ, ông ấy cũng tử tế với tôi lắm, không hiểu sao hạnh phúc với tôi thật ngắn ngủi. Lúc tôi ở cái chung cư cũ ở khu Kim Liên (Hà Nội) nó sập xệ lắm, nó hỏng đủ thứ, đường nước rồi đường điện, có một thợ điện già đã lắp lại đường điện trong căn hộ cho tôi và ông ấy đem lòng thương tôi thật. Ông ta chỉ sống bằng nghề đi sửa chữa điện nước lặt vặt cho khu dân cư mà cũng đủ sống. Ông ấy biết tính tôi thích nấu nướng ăn ngon thì tìm cách đi chợ đầu mối, mua cá đồng cho tôi nấu cá, có hôm làm bữa bún thang còn ông ấy giã ruốc tôm, bóc trứng muối đỡ tôi. Muốn ăn ngon cũng kỳ công lắm cháu ạ.

Cô gái trồng cỏ trong vườn khách sạn cứ ngửa mặt hóng chuyện. Ôi chuyện tình của bà hay thế, rồi sao nữa. Là tình già thì có một chỗ bầu bạn đi lại ăn uống với nhau là vui. Đến lúc nào đó con người ta không còn trẻ, mọi ham muốn dục vọng cũng không còn thì người ta cần trò chuyện, cần giãi bày và chia sẻ. Đời sống giá trị tinh thần khi đó cao hơn là đời sống vật chất. Rồi sau này cháu chiêm nghiệm sẽ thấy.

Nhớ lần ông ấy đi làm dành dụm cả năm chỉ để mua tặng tôi một chiếc áo len của công ty dệt len Mùa đông. Chiếc áo đó rất đẹp và tốn nhiều tiền công sửa chữa điện của ông ấy dành cho tôi, thế mà quà tặng nhận được chưa kịp mặc cho ông ấy xem thì ông ấy bị nhồi máu não, ông ấy đi nhanh lắm. Nghe con ông ấy nói, vừa tắm xong rồi ngồi ở ghế rót tràn cốc nước, rồi gục xuống là đi, chết nhanh như thế là chết tiên. Nhưng thương nhớ lắm. Nghe con ông ấy bảo: “Chắc là mẹ cháu gọi xuống đi chơi cùng”.

Là cái duyên của tôi nó cứ hẩm hưu như thế, có muốn giữ cũng khó bền. Và tôi lại mất một bạn tri kỷ. Giờ thì tôi chỉ có một mình. Có ít tiền đi nghỉ, thanh thản sống rồi đợi giời gọi thì về với mây trôi”. Cô gái trồng cỏ nghe xong rồi ngày nào cũng đến với bà lữ khách già, hôm chia tay còn bịn rịn như chia tay người thân. Giá như ở gần nhà ở Hà Nội cô sẽ đến thường xuyên với bà. Sẽ an ủi bà.

Tình thương yêu con người nó cứ như nửa của chiếc lá nghiêng xuống phía đất, ẩn khuất và chẳng phải chuyện tình nào cũng như nửa chiếc lá phơi hứng nắng mặt trời. Chiếc lá nửa nghiêng phía đất cứ ẩm ướt và u buồn theo mỗi phận người nổi trôi trên dương gian. 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top