Aa

Chiến lược phát triển thị trường ngách - biện pháp "cứu cánh" cho doanh nghiệp Việt hậu Covid-19

Thứ Tư, 01/07/2020 - 14:17

Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực tài chính, thiếu sự linh hoạt về chiến lược phát triển lao đao. Nhiều chuyên gia nhận định phát triển thị trường ngách sẽ góp phần tháo gỡ và giúp các doanh nghiệp Việt vượt khỏi cơn bão Covid-19.

Trong “nguy” có “cơ”

Covid-19 đã làm tê liệt chuỗi cung ứng, sản xuất và thị trường toàn cầu, khiến các doanh nghiệp từ quy mô nhỏ đến lớn lao đao, đặc biệt là các doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các thị trường lớn, quốc tế.

Ngay từ đầu mùa dịch, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế nhận định tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong năm 2020 do Covid-19.

Tại Việt Nam, báo cáo đánh giá, bổ sung tình hình kinh tế - xã hội quý 1 và dự báo thời gian còn lại của năm 2020 được Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư công bố vào đầu tháng 6/2020 đã chỉ ra những ảnh hưởng của Covid-19 tới nền kinh tế nội địa. Theo đó, trong 4 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới đã giảm mạnh, giảm 13,2% so với cùng kỳ 2019 và tổng số vốn đăng ký bổ sung giảm 20,4%. Đặc biệt, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh 33,6%.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp “ăn nên làm ra”, đặc biệt là các doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào thị trường ngách, hoặc nhanh chóng “xoay chiều” chiến lược kinh doanh đầu tư vào thị trường ngách.

Nhiều doanh nghiệp nhờ nhanh nhạy xoay chiều chiến lược kinh doanh phát triển thị trường ngách đã “ăn nên làm ra” giữa mùa dịch Covid-19.

Lý giải cho thực tế trên, công ty đo lường và phân tích dữ liệu toàn cầu Nielsen chỉ ra dịch Covid-19 đã tạo nên những thay đổi đáng kể trong hành vi và thói quen của người Việt và đưa ra một số dự báo về nhu cầu và hành vi tiêu dùng. Trong đó, người tiêu dùng ưu tiên tiện nghi gần nơi ở – sinh sống ở những khu vực có cửa hàng, chợ, khu vui chơi và mua mang về. Đặc biệt, khách hàng ủng hộ những thương hiệu địa phương băng việc hỗ trợ ngành kinh doanh, cộng đồng, thương hiệu, nhà bán lẻ địa phương

Trong một hội thảo được Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) tổ chức vào tháng 4/2020, ông Trương Gia Bình, chủ tịch VIDA nhận định quyết sách lúc này là tìm cơ hội mới từ các thị trường ngách. Ông đánh giá cách này sẽ giúp giảm thiểu thấp nhất thiệt hại và các ông chủ không phải đau đầu buộc sa thải nhân viên. "Thị trường Trung Quốc, Ấn Độ vừa qua khó khăn do dịch bệnh, nên chỉ cần tận dụng tốt miếng bánh nhỏ của các thị trường này là nuôi anh em ổn", ông Bình nói.

Về phía chính sách của chính phủ, trong thời gian Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Việt Nam các ban, bộ, ngành đã đưa ra nhiều cuộc phát động hướng tới phát triển thị trường ngách như “Người Việt Nam du lịch Việt Nam” của bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữa dịch Covid-19 nhằm thúc đẩy phục hồi nền du lịch nước nhà. Ngoài ra, các chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” do Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động đã được tích cực đẩy mạnh trong bối cảnh Covid-19.

Chìa khóa: phát triển thị trường ngách

Trên thực tế, có nhiều ví dụ về cách mà chiến lược phát triển, khai thác trường ngách đã “cứu cánh” nhiều doanh nghiệp. Tùy thuộc vào sự nhanh nhạy “ứng biến” với tình hình cũng như nhìn nhận thị trường ngách tiềm năng mà doanh nghiệp sẽ tìm được lời giải cho bài toán thị trường ngách.

Với lĩnh vực bất động sản, trong khi nhiều nhà đầu tư nằm im chờ đợi sự ổn định của thị trường trước khi rút tiền đầu tư vào các dự án chung cư, khu nghỉ dưỡng cao cấp thì mảng chung cư giá bình dân lại đắt hàng do nhu cầu thật của khách hàng.

Báo cáo mới nhất của tập đoàn cung cấp dịch vụ bất động sản Savills về tình hình hoạt động trong mùa dịch đã chỉ ra nhu cầu về nhà phân khúc bình dân vẫn tăng trong khi nguồn cung nhà ở trung, cao cấp dư thừa. Nhu cầu phân khúc nhà ở bình dân, giá thấp (dưới 25 triệu đồng/m2) chiếm đến 70 - 80% thị trường.

Đại diện CBRE- công ty dịch vụ bất động sản thương mại lớn nhất thế giới nhận thị trường ngách như mô hình kho vận tự động hóa, kho lạnh sẽ tăng trưởng đột biến. Do gia tăng tiêu dùng và hình thức phân phối bán lẻ đa kênh của thực phẩm tươi sống sẽ đẩy mạnh nhu cầu của các khách thuê đối với hệ thống kho lạnh trong những năm tới.

Nhờ sự nhanh nhạy, giữa tâm dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp may mặc Việt Nam đã tìm thấy cơ hội ở các thị trường ngách như: sản xuất khẩu trang vải, quần áo bảo hộ chuyên dụng, không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu.

Một ví dụ điển hình hơn là sự hồi phục của thị trường dịch vụ, du lịch – ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19, đặc biệt là ngành hàng không. Hãng hàng không “tân binh” Bamboo Airways đã xác định chiến lược phát triển thị trường ngách ngay từ ngày đầu mới thành lập. Theo đó, thay vì tập trung vào các sân bay đông đúc như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Bamboo Airways hướng tới kết nối những điểm đến có tiềm năng về du lịch nhưng chưa được khai thác triệt để.

Bamboo Airways ngay từ đầu đã xác định chiến lược của mình là phát triển thị trường ngách.

Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn ra ở Việt Nam, Bamboo Airways tích cực phát triển chiến lược khai thác thị trường ngách bằng việc đóng băng các đường bay quốc tế và đẩy mạnh khai thác các đường nội địa bằng nhiều chương trình ưu đã cho khách hàng. Khi không thể vận chuyển hành khách trên các chuyến bay thương mại do lệnh phong tỏa, đóng cửa biên giới của hầu hết các quốc gia trên thế giới, hãng phát triển khai thác cargo vận chuyển hàng hóa cũng như khai thác các chuyến bay charter hồi hương hành khách vì mục đích nhân đạo.

Nhờ đó, dù là hãng hàng không trẻ, theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways hiện đang hãng không có tỷ lệ khôi phục hoạt động khai thác nội địa nhanh nhất toàn ngành hàng không Việt Nam, cùng lúc duy trì tỷ lệ đúng giờ cao nhất trên 95% và tỷ lệ an toàn tuyệt đối 100%.

Tiếp nối thành công của chiến lược khai thác thị trường ngách, trong tháng 7/2020, Bamboo Airways đã khai trương nhiều đường bay mới như Thanh Hóa - Quy Nhơn/Phú Quốc, Vinh – Quy Nhơn. Đặc biệt, trung tuần tháng 7, Bamboo Airways dự kiến khai trương thêm đường bay kết nối Hà Nội với Côn Đảo.

Gần đây nhất, Bamboo Airways khởi động sự kiện kích cầu du lịch “Bay hè sảng khoái” trên toàn quốc với chuỗi roadshow tại 3 tỉnh thành phố Thanh Hóa, Quảng Ninh và Pleiku.

Trước đó, Bamboo Airways chủ động phối hợp triển khai các chương trình hội thảo, hội nghị nhằm tìm ra các giải pháp thiết thực nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch nội địa và liên tục tung ra nhiều sản phẩm kích cầu du lịch nội địa ở các thị trường ngách mà hãng đang thúc đẩy phát triển.

Có thể thấy, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng và trong bối cảnh Covid-19 khách hàng chuộng sử dụng sản phẩm Việt. Đối với thị trường ngách, các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam, do đó tạo thêm nhu cầu tiêu tiêu dùng để tiếp tục duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh trong thời kỳ hậu Covid-19. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top