Aa

Chiến lược “Trung Quốc +1” nổi lên, Việt Nam có nhiều cơ hội đón dòng vốn mới

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Sáu, 25/08/2023 - 06:03

Không muốn bỏ trứng vào cùng một giỏ để hạn chế rủi ro, nhiều công ty đa quốc gia đã thực hiện chiến lược “Trung Quốc +1”. Điều này đã tạo ra cơ hội cho Việt Nam đón đầu sự dịch chuyển của các dòng vốn mới.

Việt Nam đón dòng dịch chuyển của các nhà đầu tư Tây Âu, Bắc Mỹ

Phát biểu tại Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIPF) lần thứ 3 - năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đánh giá, quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.

Tuy nhiên, dù bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường và khó dự báo, song Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với hàng loạt lợi thế.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, lợi thế đầu tiên mà Việt Nam có được đến từ việc duy trì ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn. Năm 2022, tăng trưởng GDP cả nước đạt 8,02%; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 732 tỷ USD, tăng 9,5%, xuất siêu trên 11 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt mức trên 4.100 USD.

Lợi thế tiếp theo là môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Năm 2022, vốn FDI thực hiện đạt khoảng 22,4 tỷ USD, cao nhất trong 5 năm qua. Riêng 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn được xếp vào nhóm 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với sự hiện diện của nhà đầu tư đến từ 143 quốc gia và vùng lãnh thổ, với gần 38.000 dự án, tổng vốn đăng ký hơn 452 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương. (Ảnh: Báo Đầu tư)

“Đặc biệt, Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn. Cùng với đó, các công trình kết cấu hạ tầng ngày càng được đầu tư đồng bộ và hoàn thiện, giảm chi phí vận tải, logistics, chi phí đầu vào của doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhìn nhận.

Có thể nói, với việc sở hữu nhiều lợi thế quan trọng, Việt Nam đang là điểm đến được nhà đầu tư trong khu vực và trên thế giới lưu tâm. Hơn hết, trước chiến lược “Trung Quốc +1” đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam hứa hẹn là “bến đỗ” cho nhiều “ông lớn” quốc tế đổ về.

Chia sẻ tại Diễn đàn, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, chiến lược “Trung Quốc +1” của nhiều công ty đa quốc gia nhằm chia sẻ rủi ro, hay tạm gọi là không muốn bỏ trứng vào cùng một giỏ đang nổi lên, tạo ra nhiều dòng dịch chuyển vốn trên thị trường quốc tế.

Bên cạnh yếu tố này, còn nhiều yếu tố khác như chiến tranh thương mại, xung đột Nga - Ukraine, làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Do vậy, nhiều nhà đầu tư đã định hình lại dòng vốn để tận dụng cơ hội và tái cơ cấu lại chuỗi cung ứng, trong đó Đông Nam Á nổi lên như một “bệ đỡ” trong sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Nhìn trên bản đồ đầu tư và số liệu thống kê, trong top 5 địa điểm đầu tư lớn nhất vào Việt Nam đa phần là các nhà đầu tư ở khu vực Đông Bắc Á và Singapore. Bởi vì có một điểm chung là các nhà đầu tư Đông Bắc Á với Việt Nam đều có sự tương đồng về mặt văn hóa - “văn hóa dùng đũa”. Ngoài ra, khoảng cách địa lý gần nhau cũng tác động ít nhiều đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư khu vực này.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, dòng vốn đầu tư có sự dịch chuyển tương đối của các nhà đầu tư từ khu vực Tây Âu như Đức, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha vào các ngành năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, cũng có sự xuất hiện ngày càng nhiều của các nhà đầu tư khu vực Bắc Mỹ, đặc biệt là các nhà đầu tư Hoa Kỳ. Mới đây, Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ cùng nhiều doanh nghiệp đã đến Việt Nam tìm hiểu môi trường đầu tư như là một địa điểm dịch chuyển sản xuất chip”, ông Sử cho biết.

Ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. (Ảnh: Báo Đầu tư)

Cũng theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, thời gian tới, khi Việt Nam khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường và thực hiện tốt cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 thì cơ hội để đón đầu các dòng vốn mới sẽ còn nhiều hơn nữa.

Cần liên tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư quốc tế

Mặc dù có nhiều lợi thế trong việc thu hút làn sóng FDI, tuy nhiên phía doanh nghiệp nước ngoài vẫn cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực. Bởi không chỉ có Việt Nam mà Ấn Độ, Indonesia hay Thái Lan… cũng là những quốc gia có nhiều điểm mạnh trong việc đón đầu các dòng vốn dịch chuyển.

Theo ông Paul Wee, Giám đốc Tài chính, Công ty BW Industrial, để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư quốc tế, Việt Nam có 3 yếu tố cần lưu ý cải thiện.

Một là vấn đề cơ sở hạ tầng. Theo ông Paul Wee, Việt Nam cần có thêm các tuyến đường cao tốc. Tuy nhiên, các nhà đầu tư không chỉ muốn thấy các tuyến đường đang được xây dựng, mà còn muốn thấy sự cam kết về thời gian hoàn thành đúng hạn từ phía Chính phủ. Bởi khi các dự án hạ tầng trọng điểm được đảm bảo tiến độ sẽ tạo ra hiệu ứng tốt hơn.

Hai là sự đảm bảo về việc cung cấp năng lượng. Theo đại diện BW Industrial, doanh nghiệp nước ngoài sẽ không chấp nhận việc được thông báo cắt điện trước 3 ngày và nhà máy của họ bị cắt điện 24 giờ. Vì vậy, Việt Nam cần cung cấp dịch vụ ổn định cho các nhà đầu tư.

Cần liên tục cải thiện môi trường đầu tư để thu hút nhà đầu tư quốc tế. (Ảnh: NThương)

Ba là vấn đề về giáo dục và đào tạo. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh thu hút nhiều nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực công nghệ cao. Tuy nhiên, để các nhà đầu tư này đến thì Việt Nam phải đảm bảo nguồn lực có trình độ cao tại các địa phương để đáp ứng nhu cầu khai thác của các doanh nghiệp. Do vậy, Việt Nam cần đẩy mạnh giáo dục và đào tạo để tăng chất lượng nguồn nhân lực.

“Ba yếu tố tôi vừa nói nếu không được giải quyết kịp thời sẽ là những thách thức có thể làm nhà đầu tư ngần ngại khi đến với Việt Nam”, ông Paul Wee nhấn mạnh.

Từ góc độ là nhà phát triển bất động sản công nghiệp, vị chuyên gia này cho biết thêm, Việt Nam cần có thêm chương trình tín dụng để khuyến khích nhà đầu tư hơn. Khi một quốc gia có chương trình, cơ chế tín dụng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh doanh thì chắc chắn sẽ thu hút các nhà đầu tư./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top