Aa

Chiều đông Hà Nội rực ấm sắc bàng lá đỏ

Thứ Năm, 21/01/2021 - 13:50

Những cây bàng trên khắp các nẻo phố Hà Nội đang vào mùa thay lá, cây bàng đồng loạt chuyển sắc đỏ trong nắng chiều đông khiến nhiều góc phố Hà Nội rực rỡ ấm áp trong những ngày cuối năm.

Cây bàng từ lâu đã gắn bó mật thiết với đời sống người Hà Nội. Theo quy hoạch từ thời Pháp thuộc, bàng, xà cừ và sấu được trồng để tạo cảnh quan chính cho hệ thống phố cổ, khu phố biệt thự Pháp quận Hoàn Kiếm cũng như khu hành chính quận Ba Đình. 
Tán bàng chuyển sắc đỏ khiến bất cứ ai đi qua cũng muốn dừng lại, tận hưởng một trong những khoảnh khắc đẹp nhất năm của Hà Nội. Mỗi cây bàng bỗng trở nên rực rỡ, sáng bừng giữa khung cảnh xám lạnh, mù mịt của mùa đông Thủ đô.
Nếu như hè là mùa của cây sấu và xà cừ thì mùa đông Hà Nội gắn liền với hình ảnh cây bàng lá đỏ.
Cuối thu đầu đông, cây bàng bắt đầu chuyển màu lá đỏ, nhìn từ xa như những đốm lửa thắp trên nền trời mùa đông.
Cây bàng chỉ có ít ngày khoe “áo” đỏ thôi, rồi sau đó rụng lá chỉ còn trơ lại cành. Nhưng thế thôi, với nhiều người, cũng đủ để cảm nhận những sắc thái, những bước chuyển mình rất riêng của mùa đông Hà Nội.
Bàng được trồng ở rất nhiều địa phương trên cả nước, nhưng không ở đâu mà được người dân coi là biểu tượng của mùa đông như ở Hà Nội.
Các ngõ phố với những ngôi nhà cổ, có thêm bóng dáng cây bàng mùa đông càng trở nên thân thương, gần gũi pha chút cổ kính, là nét đẹp đặc trưng của phố phường Hà Nội. 
Những tuyến phố trồng nhiều bàng nhất chủ yếu tập trung ở khu phố cổ như: Cửa Nam, Văn Miếu, Hàng Bông, Phùng Hưng, Hàng Chiếu, Hàng Mã... hay các tuyến phố lân cận như Tràng Thi, Nguyễn Thái Học...
Nếu như Tràng Thi có nhiều gốc bàng cổ thụ lâu năm thì tuyến phố Phùng Hưng lại tập trung nhiều bàng nhất khu phố cổ, trải dài từ đầu đến cuối phố. 
Cây bàng có tên khoa học là Terminalia Catappa, thuộc họ trâm bầu. Bàng thuộc loại cây thân gỗ lớn sinh trưởng tại những vùng nhiệt đới. Cây bàng có thể cao tới 35m, các tán lá thẳng, đối xứng mọc trên những cành ngang. Cây càng già, tán lá càng phẳng dần tạo thành hình cái bát trải rộng.
Bàng "thay áo" thường vào thời điểm cuối tháng 12, đầu tháng 1 hằng năm. Từ sắc xanh chuyển vàng, mới ngày nào chỉ vài ba chiếc lá, bỗng đột ngột cả tán cây ngả vàng, rồi sang đỏ rực, cuối cùng đỏ sẫm trước khi trút những chiếc lá cuối cùng xuống đường phố. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy mùa đông lạnh giá chuẩn bị qua đi, Tết đến xuân về, cây cối đâm chồi nảy lộc.
Mùa "lá đỏ" là một trong những thời khắc đẹp nhất năm của Hà Nội. Đặc biệt giữa cái lạnh cắt da cắt thịt, giữa mùa đông xám xịt của miền Bắc, sắc đỏ rực rỡ của lá bàng như khiến khung cảnh rực rỡ hơn, ấm áp hơn với những người ngắm nhìn nó.
Hiện nay có nhiều loại cây bàng nhập ngoại, nhất là bàng Đài Loan, lá nhỏ, nhiều tán, cây thẳng khá đẹp. Nhưng với người Hà Nội, nhất là dân phố cổ vẫn thích bàng lá to, cây không chỉ đem lại bóng mát mà còn gắn bó với tuổi thơ trèo sấu, hái bàng của bao người.
Những tán bàng đỏ trong mùa thay lá ở Hà Nội thực sự "vẽ" nên những bức tranh thơ mộng, hữu tình.
Cây bàng xuất hiện trong lời bài hát "Nhớ mùa thu Hà Nội" của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ…”. (Hình ảnh được chụp tại đầu phố Cửa Nam)
Sắc vàng cuối thu, sắc xanh, sắc đỏ, nâu tía tầng tầng lớp lớp hòa quyện vào nhau. Điều đó khiến cho mùa đông Hà Nội trở nên nồng ấm và đẹp mãi trong tâm trí của bao người dân nơi đây.
Cây bàng còn xuất hiện trong những tác phẩm tranh nghệ thuật về phố cổ Hà Nội của họa sĩ Bùi Xuân Phái với hình ảnh cây bàng nép bên hông những biệt thự Pháp cổ.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top