Aa

Chiều đông thương khói trên đồng

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Thứ Năm, 01/12/2022 - 08:00

Nhiều khi, thấy thương, thấy nhớ, thấy tiếc những ruộng đồng mà ta không thể nào quên lãng. Về làng, đâu đó đã mọc lên nhà cửa, dự án… thế mà vẫn cứ nhớ từng mảng non xanh, vàng ruộm và khói đốt đồng bay lên.

Mùa này, hễ có việc rời khỏi phố thị ồn ào đông đúc, ra tới vùng ngoại ô đã thấy hun hút, thênh thang một bầu không khí khác biệt. Những cụm cỏ lau, có gà dại ken dày trên đất trống. Những thửa ruộng sau mùa gặt trơ gốc rạ, ngun ngún khói đốt đồng. Thứ mùi ngai ngái, hoai nồng, âm ấm thoảng trong không gian, gặp sương gió cứ quyện lại vừa gần gụi, vừa thân thương. 

Và lại nhớ làng. Nhớ những chiều trẻ trâu thơ thẩn trên cánh đồng khô khốc bắt cào cào, muồm muỗm. Nhớ từng cơn gió đầu đông hun hút thổi qua những bụi duối cổ thụ phía Tây làng. Nhớ ai đó đi đốt rạ vẫn lom khom tát từng vũng nước đọng để bỏ giỏ chút tôm cá, cua ốc mang về cho kịp bữa chiều. Bao nhiêu lấm láp, gian khó và mơ mộng đã mông lung bay lên cùng làn khói ấy. Khói ngai ngái, cay cay vương vất trên đồng. Trẻ trâu ngày xưa vừa chăn trâu, cắt cỏ, vừa rủ nhau tìm hang chuột đồng để vây bắt. Sau mùa vụ, lũ chuột con nào con nấy béo tròn núc ních, trốn kỹ trong hang. Bắt được giống chuột ấy mà nướng lên thơm lựng bằng chính rơm rạ trên đồng thì khỏi phải nói. Mùi thịt thơm, mùi khói, vị ngọt thơm bùi béo đủ xoa dịu sự cồn cào đói rét. 

Bây giờ, kể lại câu chuyện này, ngay cả với trẻ nhỏ thôn quê, có thể chúng cũng thấy xa xôi, lạ lẫm. Là bởi bây giờ, trẻ con không thế nữa, và ruộng đồng cũng đã khác xưa. Làm sao có đám mục đồng chạy chơi khắp chốn, rồi nhặt nhạnh, đuổi bắt và ăn tất tật những gì có thể ăn. Những bông lúa nếp sót lại hơ lửa nổ bỏng trắng ngần, thơm thơm. Những con muồm muỗm béo ngậy, giòn tan. Hai cái đùi chuột đồng căng bóng, vàng ruộm những thịt là thịt. Rồi thì cua, ốc, ếch, cá, tôm… gì cũng nướng. Thành ra, khói đồng đâu chỉ riêng khói rạ rơm mà còn ôm ấp cả khoảng trời tuổi thơ đầy bao dung, thơm thảo và mơ mộng. 

Bao nhiêu lấm láp, gian khó và mơ mộng đã mông lung bay lên cùng làn khói ấy. Khói ngai ngái, cay cay vương vất trên đồng. (Ảnh: Vũ Anh Dũng)

Có lúc, ngồi ven chân ruộng, ngắm khói chiều bảng lảng bay trong hoàng hôn, tưởng tượng ra muôn dáng hình từ ngọn khói, lũy khói, bụi khói ấy. Một lùm cây um tùm. Một nàng tiên đang múa. Một mái đình cổ kính nét cong cong. Rồi càng về tối, mọi thứ sẽ tan loãng ra, hòa vào gió về tít tắp cuối chân trời. Dắt trâu về, thắc thỏm nhìn cái bụng hẵng chưa no, lộ ra những dẻ xương sườn gầy guộc, trẻ nhỏ bắt đầu lo bị mẹ cha trách mắng mải chơi không lấy cỏ cho trâu. Mùa này, trâu gặm ruộng khô biết bao giờ cái bụng tròn căng như cái trống. Ngay trong bước đi có vẻ đủng đỉnh, thảnh thơi kia cũng chứa đựng sự nhẫn nại và chịu đựng. Ở từng chòm xóm, nóc nhà, khói bếp bắt đầu bay lên cùng mùi cơm mới, mùi cá kho lá nghệ lá riềng.

Có nhà cầu kỳ, mùa này còn tát đầm, vét sạch đến từng con rô con giếc kho nồi lớn nồi bé rồi mới đem phơi bằng nong, bằng nia ra giữa sân nhà. Nắng hanh, cá kho rút sạch nước, thành loại cá khô có thể ăn liền. Đó là món ăn đưa cơm trong những ngày mưa dầm giá rét độ giêng hai. Bấy giờ, chỉ cần lấy bọc cá gói kỹ gác trên gác bếp xuống, gắp dăm con là đủ bữa ăn. Cá mặn, ngấm hết mắm muối nên phải ăn dè. Dắt trâu vào ngõ, ngang qua nhà nào đang đặt nồi kho cá làm món để dành ấy là biết ngay. Khói bếp bay lên cùng mùi thơm của riềng của nghệ, của lá găng, lá gấc. Dù trong cảnh thiếu thốn, đói nghèo, khói rạ rơm trên đồng hay trong từng gian bếp nhỏ vẫn thoảng dư vị ấm nồng, an ủi, chở che. 

Sáng sáng, qua từng lũy tre, bờ giậu, lúc sương còn chưa tan, không ai đốt đồng cả bởi rạ rơm hẵng ẩm ướt. Nhưng trong làn sương mỏng manh vây bọc ngôi làng nhỏ, trong hơi nước bốc lên từng những ô, những vũng đọng lại trên mặt ruộng, nhánh kênh… vẫn mang mang hơi khói. Thật khó diễn tả cho trọn vẹn mùi khói vương vấn, lưu luyến, quẩn quanh ấy. Khói đồng như những vòng tay mơ hồ, trìu mến tỏa lan trong không gian yên ả của làng quê. Khói đồng như bộ xiêm y huyền hoặc, mong manh mùi lúa, mùi cỏ quấn quýt quanh làng. Khói khiến vẻ mộc mạc, ảm đạm mùa đông thêm phần dịu lắng, ảo mờ hơn. 

Người nông dân đốt đồng sau khi mùa vụ đã xong, và bao giờ cái cảm xúc khi ấy cũng nhẹ nhõm, khấp khởi. (Ảnh: VnExpress)

Trong nông nghiệp, gốc gác của việc đốt đồng rất thực tế. Đầu tiên đó như một cách dọn dẹp từng thửa ruộng, cho cháy rụi hết những gốc rạ, cỏ bụi, rác rưởi… đồng thời cũng diệt trừ sâu bệnh, để lại lớp tro màu mỡ trên mặt ruộng. Nhưng khi ruộng đồng còn lớp tro mới thì không gieo trồng được gì cả, bởi nhiều hoạt chất chưa qua quá trình ô-xy hóa có thể gây phản ứng, “xót” cho cây trồng. Nghĩa là, sau đốt đồng, lớp tro mùa vụ cần ngấm đủ nắng mưa, các chất tự nhiên để “ăn” vào đất đai, thành ra sự màu mỡ đầy tươi mới. 

Người nông dân đốt đồng sau khi mùa vụ đã xong, và bao giờ cái cảm xúc khi ấy cũng nhẹ nhõm, khấp khởi. Nếu vụ vừa qua mưa thuận gió hoa, mùa màng bội thu thì đương nhiên vui mừng, phấn chấn. Vừa đốt có khi còn lẩm nhẩm hát những câu ca dao, những khúc dân ca thôn dã. Nếu chẳng may vụ cũ gặp thiên tai, mùa màng thất bát, thì đốt đồng cũng như cách mong kết thúc sự run rủi, để nhóm lên hy vọng mùa sau “trời chẳng phụ lòng người”. Chỉ có lũ trẻ luôn hồn nhiên, vô ưu. Có thể lơ đễnh mặc trâu gặm cỏ tít phía xa mà lao vào giữa đụn khói nghi ngút để chơi trò “Bụt hiện ra và hỏi: Vì sao con khóc?”, rồi có đứa sẽ vào vai người nông dân nghèo, với bao nhiêu điều ước ao, giãi bày mà phần lớn chúng nghe lỏm được từ người lớn. 

Sau này, có dịp đi nhiều nơi, dường như tôi đều thấy nơi nào có đồng ruộng thì nơi đó có đốt đồng. Khác chăng là phong tục, hình ảnh của những con người chung quanh đó. Đồng bào các dân tộc ở miền núi phía Bắc đốt nương để trồng tỉa ngô trên núi cao. Dọc theo con đường dốc quanh co, ngoằn ngoèo, thấy thấp thoáng trên lều canh nương một bầy trẻ nhỏ. Đứa bò, đứa đứng, đứa ngồi. Cạnh đấy có khi còn có bà mẹ trẻ vừa đốt nương xong tranh thủ cho con bú. Xa xa chút là ông chồng vừa xong việc và đã liêng biêng men rượu ngô. Khoảnh nương mới đốt hẵng còn khói. Khói từ đó bò lan, lẫn vào cây, vào rừng, bao bọc cả cái lều canh nương nhỏ bé. Khung cảnh thật bình yên và cũng nhiều cơ cực. 

Ở miền Tây Nam Bộ, khói đốt đồng vương mùi cỏ ngọt. Ngồi trên xe đò, băng qua con lộ nhỏ đã thấy mùi khói. Bác tài cất giọng hát bâng quơ “coi khói đốt đồng để ngậm ngùi chim nhớ lá rừng…”. Với thời tiết đặc trưng của Nam Bộ, sau khi đốt đồng một thời gian, rơm còn sót lại bà con vun thành đống cộng với lớp tro ẩm ướt sau mưa sẽ mọc ra nấm rơm đồng tự nhiên tròn vo như trứng gà, béo ngọt, sần sật, một đặc sản thiên nhiên, khí hậu, ruộng đồng ban tặng cho những con người cần cù, chân chất. 

Xứ Nam Kỳ xưa, nông dân trồng lúa không nhọc nhằn như đất Bắc. Chỉ cần gieo “sạ” (một kỹ thuật giản đơn, gieo hạt lúa đã nảy mầm xuống thẳng ruộng và chờ ngày gặt hái thay vì phải gieo mạ, nhổ mạ, cấy lúa) rồi chờ ngày thu hoạch mang về. Trong Nam cũng ít phải gom rơm đánh đụn như ngoài Bắc, nên phần lớn rơm rạ đều đốt. Thành ra khói đồng có thể cũng nhiều hơn. Chưa kể, có những vùng ngập nước, không cần “sạ” mà vẫn có lúa ăn. Người dân quen gọi là “lúa trời” hoặc “lúa ma”, sinh trưởng tự nhiên mọc trong vùng nước ngập. Nước ngập tới đâu, thân lúa vươn tới đó, có khi dễ đến cả mét. Ở những vùng này, đương nhiên không ai đốt đồng, và hễ mùa sau lúa không lên thì nơi chốn ấy cũng rơi vào quên lãng. 

Khói đồng đâu chỉ riêng khói rạ rơm mà còn ôm ấp cả khoảng trời tuổi thơ đầy bao dung, thơm thảo và mơ mộng. (Ảnh: Internet)

Nhiều khi, thấy thương, thấy nhớ, thấy tiếc những ruộng đồng mà ta không thể nào quên lãng. Về làng, đâu đó đã mọc lên nhà cửa, dự án, công trình… thế mà lạ thay, vẫn cứ nhớ từng mảng non xanh, vàng ruộm và khói đốt đồng bay lên. Nhớ nhất là quãng đầu đông, sau vụ mùa. Tôi vẫn thường thơ thẩn, nghĩ ngợi. Có ai đi nhớ khói bao giờ? Đám trẻ ngày xưa như lạc vào cổ tích. Vẫn mải miết đuổi bắt cào cào, muồm muỗm, chuột đồng… Vẫn tưởng tượng khói hình người, hình chùa chiền, cây cối… 

Làng quê đã mang dáng vẻ phố thị, ruộng đồng cũng thu hẹp lại, và chẳng ai còn đốt đồng, sợ điều tiếng “gây ô nhiễm”. Đất chật người đông, khu dân cư, trường học, nhà máy gần thế thì cái thứ khói lành hiền từ rơm từ rạ đương nhiên cũng thành ô nhiễm, ngột ngạt. Là bởi đã không còn khoảng cách thênh thang của không gian nữa. Ngày xưa, ra ruộng đồng trẻ chạy mỏi rã chân, nhà nào rạ rơm nhiều lắm thì vẫn không khiến những đám khói, đụn khói bay được vào làng. Chưa kể, xưa chỉ thuần rạ rơm, cỏ bụi… mà nay ruộng đồng phần nhiều rác rưởi, chất thải trôi dạt từ đẩu từ đâu chung quanh những nhà máy, công trình, hộ dân… nên khói đã không thuần là khói. 

Nhiều địa phương kêu khổ, than vãn bởi khói đốt đồng. Nhiều làng quê ra lệnh cấm, lệnh phạt. Bởi khói bây giờ đâu như khói ngày xưa. Mừng vì sự “thay da đổi thịt”, mà cũng thương bởi những điều chân chất đã nhạt nhòa, những thênh thang mênh mang đã dần thu hẹp. Tất cả thuận theo lẽ tự nhiên, theo quy luật phát triển. Chỉ có ký ức, kỷ niệm và sự riêng tư trỗi dậy trong lòng là chẳng chịu theo một quy luật nào, cứ bị dẫn dắt bủa vây bởi cảm xúc. Mà cảm xúc thì như khói, lúc thành đụn, thành bụi, thành mảng. Lúc mong manh thành dòng, thành sợi vương vít dịu dàng và ám ảnh sâu xa. Thương khói, cũng bởi có bao nhiêu hình bóng đã lần lẫn đó đây, đã không còn trở lại, đã chập chờn trong giấc mộng của ta giữa phố thị với niềm nhớ thương, tiếc nuối dâng đầy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top